Các vấn đề về phát triển của trẻ nhỏ và các yếu tố liên quan

12 tháng 08/2020

1. Mở đầu
 
Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, những năm gần đây tỉ lệ trẻ có có các vấn đề về phát triển ngày càng tăng cao. Các vấn đề về phát triển là việc trẻ phát triển không đúng với giai đoạn phát triển và không đạt được các kỹ năng phát triển của giai đoạn đó. Những trẻ thường được chẩn đoán có vấn đề về phát triển bao gồm: trẻ thuộc hội chứng rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK), tăng động giảm tập trung (ADHD), chậm phát triển ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ…. Tình trạng này đang nhận được sự quan tâm không chỉ của các nhà chuyên môn, cha mẹ trẻ mà của toàn xã hội. Ngày càng nhiều các công trình nghiên cứu ở quốc tế và trong nước đề cập đến vấn đề này nhằm giải đáp những câu hỏi của thực tiễn trong việc phát hiện, chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ.[1]
 
Trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có rất nhiều trẻ được đưa đi kiểm tra ở các địa điểm khác nhau (bệnh viện, các trung tâm can thiệp sớm, các trường đại học…) và nhận được kết luận trẻ đang có vấn đề trong phát triển ở nhiều mức độ. Tại TTĐT&PTGDĐB, tính riêng từ năm 2012 đến nay, số lượng trẻ được gia đình đưa đến đánh giá không chỉ tăng về số lượng mà còn có biểu hiện sớm về độ tuổi phát hiện.[2][4]
 
Việc phát hiện sớm và đưa ra những hỗ trợ kịp thời đối với những bất thường phát triển của trẻ là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển suốt đời. Vì vậy, nhận diện các yếu tố liên quan sẽ giúp cho cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc trẻ nhận thức đúng về các vấn đề trẻ đang gặp phải.[3]
 
2. Nội dung nghiên cứu
 
2.1. Mục đích nghiên cứu
 
Mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm hiểu và phân tích một số yếu tố liên quan đến quá trình phát triển của những trẻ được phát hiện có các bất thường trong phát triển.
 
2.2. Đối tượng nghiên cứu
 
521 hồ sơ cá nhân của những trẻ được kiểm tra đánh giá phát triển tại Trung Tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục Đặc biệt-Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội
 
2.3. Phương pháp nghiên cứu
 
Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng các phương pháp chính sau:
 
- Phương pháp hồi cứu: nghiên cứu thông qua hệ thống hồ sơ cá nhân gồm: bảng hỏi thông tin cá nhân, kết quả đánh giá phát triển của trẻ tại Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt.
 
- Phương pháp phỏng vấn: phỏng vấn phụ huynh của những trẻ đang tham gia trị liệu tại trung tâm để thu thập thêm các thông tin cần thiết.
 
3. Kết quả nghiên cứu
 
3.1. Tỉ lệ giới tính
  


Biểu đồ 1. Tỉ lệ giới tính của trẻ được đánh giá tại TTĐT&PTGDĐB

  
Từ biểu đồ cho thấy, số trẻ nam (84.6%)  được đưa tới TTĐT&PTGDĐB đánh giá có tỷ lệ cao hơn trẻ nữ (15.4%). Điều này cũng tương đồng với các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tỉ lệ trẻ nam gặp các vấn đề về phát triển nhiều hơn trẻ nữ.
 
3.2. Nơi sinh sống
 


Biểu đồ 2. Nơi sinh sống của trẻ

  
78% số trẻ (tương đương với 409 trẻ) được đưa đến TTĐT&PTGDĐB đánh giá đang sinh sống tại môi trường thành thị, trong đó đại đa số thuộc nội thành Hà Nội, ngoài ra ở một tỉnh khác thuộc khu vực thành phố như Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Cao Bằng… Chỉ có 15% số trẻ đang sinh sống ở khu vực nông thôn – ngoại thành Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc. Thực trạng này phản ánh sự chênh lệch tương đối lớn giữa thành thị và nông thôn về số trẻ được phát hiện và đưa đi kiểm tra phát triển.Tại các thành phố, người dân có điều kiện tìm hiểu và có những hiểu biết nhất định về các dạng khuyết tật cũng như các vấn đề phát triển của trẻ hơn là những bậc phụ huynh sống ở nông thôn. Mặt khác, vấn đề kinh tế và giáo dục cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng này, ở thành thị, trẻ em sớm được tiếp xúc với những phương tiện và hình thức giáo dục khác nhau, nên người lớn dễ phát hiện những bất thường ở trẻ. Một điều quan trọng cũng góp phần tạo nên thực trạng này đó là phần lớn các đơn vị có thể thực hiện được chức năng chẩn đoán, đánh giá phát triển cho trẻ đều tập trung ở Hà Nội.
 
3.3. Thời điểm phát hiện các vấn đề về phát triển
  


Biểu đồ 3. Thời điểm phát hiện các vấn đề về phát triển của trẻ

  
Phát hiện sớm để can thiệp sớm là một trong những yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đem lại hiệu quả giáo dục cho những trẻ có vấn đề về phát triển. Nếu trẻ được phát hiện các vấn đề bất thường trước 3 tuổi thì được coi là phát hiện sớm. Nhưng nếu phát hiện trước 2 tuổi thì trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội được can thiệp hiệu quả hơn.
 
Trong số 521 đối tượng được nghiên cứu, có tới 226 trẻ không ghi nhận được thời điểm phát hiện rõ ràng. Trong số 295 trường hợp còn lại thì có 43% trẻ được phát hiện trước 2 tuổi, và 26 % số trẻ được phát hiện từ 2 – 3 tuổi. Chỉ có 6% được phát hiện sau 3 tuổi và 2 trường hợp phát hiện sau 6 tuổi. Trong tất cả những trường hợp này, những trẻ được phát hiện sớm thường là những trẻ có biểu hiện bất thường và chậm trễ về phát triển tương đối rõ ràng, đặc biệt là các vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp. Ngược lại, những trẻ được phát hiện muộn thường là những trẻ có ngôn ngữ và có thể đi học hòa nhập như trẻ bình thường nhưng trong quá trình học tập mới bộc lộ rõ ràng các khó khăn. Tuy nhiên, kết quả trong nghiên cứu này chỉ ra rằng, đại đa số trẻ có vấn đề về phát triển được phát hiện khá sớm, đồng nghĩa với việc trẻ có nhiều cơ hội để được giáo dục, được khắc phục những khó khăn một cách tốt nhất.
 
3.4. Nơi trẻ được kiểm tra lần đầu tiên
  


Biểu đồ 4. Nơi trẻ được kiểm tra lần đầu tiên

  
Trong nghiên cứu này, chúng tôi ghi nhận được rằng, đại đa số phụ huynh khi đưa con đến một cơ sở để kiểm tra thường không tìm hiểu rõ ràng và không xác định trước mục đích là chẩn đoán dạng khiếm khuyết hay kiểm tra mức độ phát triển của con họ ở các lĩnh vực mà chỉ tìm đến các địa chỉ vì thấy con mình có các biểu hiện bất thường. Có 47% số trẻ được kiểm tra lần đầu tiên tại bệnh viện, sau đó mới đưa đến các TTGDĐB để có được câu trả lời rõ ràng hơn. Cũng có 53% số trẻ được kiểm tra lần đầu tiên tại TTGDĐB, trong đó phần lớn là tại TTĐT&PTGDĐB. Như vậy, cho dù nơi kiểm tra đầu tiên của trẻ là ở đâu thì đến cuối cùng, các bậc phụ huynh cũng mong muốn tìm đến một giải pháp cụ thể về giáo dục để có thể cải thiện được tình hình cho con của họ.
 
3.5. Những dạng khiếm khuyết được phát hiện trên trẻ trước khi được đánh giá tại trung tâm
  


Biểu đồ 5. Các dạng khiếm khuyết trên trẻ được phát hiện trước khi được đánh giá tại trung tâm (n=521)

  
Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ đã được chẩn đoán dạng khiếm khuyết tại bệnh viện Nhi Trung Ương. Phần còn lại ( 259/521)chưa được chẩn đoán gì khi đến đánh giá tại Trung tâm ĐT và PT Giáo dục đặc biệt.Trong đó, có tới 113 trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng RLPTK, Asperger hoặc nằm trong phổ tự kỷ, chiếm 43% số trẻ đã được chẩn đoán và chiếm 21% số trẻ đang được nghiên cứu. Đứng thứ hai là số trẻ được chẩn đoán KTTT, 43 trẻ với 8% tổng số trường hợp nghiên cứu. Những dạng khiếm khuyết khác như chậm nói/KTTT/RLNN, tăng động/ADHD cũng chiếm số lượng tương đối cao (trên 30 trẻ). Chỉ có một vài trẻ được chẩn đoán là CPTVĐ hoặc khiếm thính, Down.
 
3.6 . Độ tuổi thực của trẻ khi được đánh giá
 


Biểu đồ 6. Độ tuổi thực của trẻ khi được đánh giá tại TTĐT&PTGDĐB

  
Phần lớn số trẻ được đưa tới trung tâm đánh giá có độ tuổi từ 2 – 6 tuổi, trong đó có tới 42% số trẻ (218/521 trẻ) nằm trong độ tuổi từ 3 – 6, 32% số trẻ nằm trong độ tuổi từ 2 -3 tuổi. 11% số trẻ dưới 2 tuổi và 15% còn lại nằm trong khoảng trên 6 tuổi. Như vậy, có thể thấy, đại đa số trẻ đang nằm trong độ tuổi nhà trẻ hoặc mầm non, có những trẻ đã được đi học, hoặc được can thiệp sớm nhưng cũng có những trẻ chưa từng được tham gia chương trình nào (thường là trẻ dưới 2 tuổi, hoặc từ 2 – 3 tuổi).
 
3.7. Chỉ số phát triển của trẻ sau khi được đánh giá phát triển tại trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục Đặc biệt
 

Bảng 7. Chỉ số phát triển của trẻ sau khi được đánh giá

Chỉ số phát triển (DQ) Số lượng Tỉ lệ %
DQ > 115 2 0.4
85 < DQ < 115 140 26.9
75 < DQ < 85 83 15.9
50 < DQ < 75 200 38.4
25 < DQ < 50 82 15.7
DQ < 25 14 2.7

 

 
Chỉ số phát triển (DQ) của trẻ cho biết sự phát triển của trẻ đang nằm ở mức độ nào, nếu DQ nằm trong khoảng từ 85 – 115 thì trẻ đang nằm trong giới hạn phát triển bình thường. Nếu DQ nằm trong khoảng từ 75 – 85 thì trẻ đang nằm trên ranh giới chậm phát triển, DQ dưới 75 thì trẻ nằm trong vùng chậm phát triển. DQ càng thấp thể hiện sự chậm trễ càng nghiêm trọng.
 
Kết quả từ bảng số liệu cho thấy, có 140/521 trẻ được đưa tới trung tâm đánh giá đang nằm trong giới hạn phát triển bình thường (chiếm 26.9%). 15.9% số trẻ đang nằm trên ranh giới chậm và có tới 56.8% số trẻ nằm trong vùng chậm phát triển. Trong đó, có 18.4% số trẻ có DQ khá thấp (dưới 50). Kết quả này cùng với ghi nhận trong quá trình nghiên cứu cho thấy, có những trẻ được phát hiện có những biểu hiện bất thường tương đối rõ ràng thì khi đánh giá sẽ cho kết quả DQ nằm trong vùng chậm khá rõ. Những trẻ này thường đã được chẩn đoán tự kỷ hoặc có nhiều biểu hiện tự kỷ, kèm theo các vấn đề khác như hành vi, tăng động… Những trẻ khác, khi chỉ đơn thuần có một số biểu hiện bất thường như chậm nói hoặc có khó khăn trong giao tiếp, hoặc không hòa đồng với các bạn ở trường… thì khi được đánh giá trẻ nằm trong giới hạn phát triển bình thường hoặc chỉ có sự chậm trễ nhẹ.
 
Sau mỗi buổi đánh giá, trẻ và phụ huynh của trẻ đều được tư vấn và có những gợi ý về chương trình giáo dục phù hợp cho trẻ trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, kết quả DQ đóng vai trò rất quan trọng, cùng với các thông tin khác, để xác định được khả năng hiện tại của trẻ và dự đoán sự phát triển trong tương lai gần.
 
3.8. Tuổi của bố mẹ
  


Biểu đồ 8. Tuổi của bố mẹ

  
   Từ số liệu và biểu đồ có thể thấy rằng tuổi của bố mẹ trẻ được đưa đến trung tâm đánh giá chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Trong đó, tuổi của người mẹ tập trung nhiều trong khoảng từ 30 – 35 tuổi, còn người bố thì phân bố nhiều trong khoảng từ 30 – 50 tuổi. Chỉ có 5.2% số người bố có độ tuổi dưới 30 và 2.5% có độ tuổi trên 50. Thực trạng này có thể chỉ ra rằng, đại đa số bố mẹ của trẻ đang nằm trong độ tuổi lao động, phát triển kinh tế và có độ chín muồi về kinh nghiệm sống cũng như chăm sóc con cái, nên đây cũng là điều thuận lợi để bố mẹ trẻ tìm hiểu các phương pháp giáo dục và xử lý có hiệu quả các vấn đề về phát triển của trẻ.
 
3.9. Nghề nghiệp của bố mẹ
  


Biểu đồ 9. Nghề nghiệp của bố mẹ (n=521)

  
Trong kết quả điều tra, bố mẹ của trẻ được đưa đến trung tâm đánh giá đang làm rất nhiều nghề khác nhau, chúng tôi đã tổng hợp được các nhóm nghề như sau:
 

 
Kết quả điều tra cho thấy, số lượng cả bố và mẹ đang làm các công việc tự do chiếm tỉ lệ cao nhất trong tất cả các nghề khác (20.3% người bố và 19% người mẹ). Ngoài ra, người bố cũng tập trung nhiều hơn ở các nghề kỹ thuật (18.2%) và người mẹ tập trung nhiều ở các nghề giáo dục (15.9%), văn phòng (22.5%). Có rất ít cả bố lẫn mẹ nằm trong nhóm nghề y tế và các nghề khác (chỉ có từ 5 – 19 người trong tổng số 521 trường hợp trẻ). 
 
Thực trạng này không đủ cơ sở để phản ánh bố mẹ trẻ ở nhóm nghề nào thì con cái có nguy cơ có các vấn đề về phát triển hơn nhưng lại cho biết khả năng tiếp cận với các kiến thức về giáo dục và thời gian dành cho con họ. Các ông bố bà mẹ làm các công việc kỹ thuật và văn phòng, giáo dục… sẽ có nhiều điều kiện để tiếp xúc với công nghệ thông tin và có các mối quan hệ phù hợp để dễ dàng tìm hiểu các giải pháp giải quyết vấn đề của con họ hơn là những phụ huynh nằm trong nhóm nghề tự do. Nhưng ngược lại, những bố mẹ nằm trong nhóm nghề tự do lại có thời gian và dễ điều chỉnh thời gian dành cho con họ hơn là những người nằm trong các nhóm nghề khác.
 
3.10. Tuổi của người mẹ khi mang thai
 


Biểu đồ10. Tuổi của người mẹ  khi mang thai

  
Theo các nghiên cứu đã công bố thì phụ nữ ở độ tuổi từ 22 đến 30 là quãng thời gian đẹp nhất để mang thai cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Từ 30 – 35 tuổi cũng là thời gian các mẹ có thể mang thai an toàn nhưng không tốt bằng giai đoạn trước  bởi đây là giai đoạn bắt đầu có sự lão hóa. Các bà mẹ sinh con sau 35 tuổi sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn rất nhiều, cả về sức khỏe của mẹ và bé lẫn những nguy cơ khuyết tật của thai nhi. Trong nghiên cứu này lại cho thấy, đại đa số trẻ được đưa đến trung tâm đánh giá phát triển đều được sinh ra lúc các bà mẹ dưới 35 tuổi (50% dưới 30 tuổi và 26% từ 30 – 35 tuổi). Chỉ có 43 đối tượng với 8% trẻ được sinh ra khi mẹ trên 35 tuổi. Như vậy, có thể nói rằng các vấn đề về phát triển của trẻ trong phần lớn những trường hợp này không có mối liên quan nhiều đến độ tuổi của người mẹ khi mang thai.

3.11. Quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ
  


Biều đồ 11. Quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ

  
Trong nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng những bất thường trong quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ (người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ và phải sử dụng thuốc, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của thai nhi, sinh ngạt, sinh non…) có nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và có khả năng gây ra những khiếm khuyết trên trẻ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này lại cho thấy, khi được hỏi thì 80.4% quá trình mang thai và 82% quá trình sinh nở  đều được các bà mẹ trả lời là không có bất thường. Chỉ có 11.3% bà mẹ có bất thường trong quá trình mang thai và 9.8% có bất thường trong khi sinh. Như vậy, với kết quả này có thể nói rằng phần lớn các vấn đề về phát triển của những trường hợp trẻ được đưa đến trung tâm đánh giá không liên quan nhiều đến quá trình mang thai và sinh nở của người mẹ
 
4. Kết luận
 
Qua nghiên cứu các thông tin có được từ hồ sơ cá nhân cho thấy:Tỷ lệ  trẻ nam được phát hiện có các vấn đề về phát triển cao hơn tỷ lệ trẻ nữ.  Độ tuổi phát hiện các vấn đề bất thường ở trẻ tập trung nhiều vào nhóm trẻ từ 2-6 tuổi. Các bé được đáng giá chủ yếu sống ở Hà Nội và một số vùng lân cận. Có đến một nửa số trẻ tham gia nghiên cứu chưa từng được đưa đến khám, chẩn đoán ở bệnh viện nhi. Hầu hết các trường hợp đều được kết luận có các vấn đề về phát triển như: hội chứng rối loạn phát triển, tăng động giảm tập trung, KTTT, chậm nói...Trong đó có đến gần một nửa số trẻ nằm trên ranh giới chậm và chậm, trong đó chỉ số phát triển tập trung chủ yếu từ 50 – 75 (chiếm 38.4%). Cha mẹ của trẻ được nghiên cứu chủ yếu tập trung vào nhóm tuổi từ 30-35 với cả nghề nghiệp khác nhau: chủ yếu là các nghề liên quan đến kỹ thuật (kỹ sư công nghiệp, công nghệ thông tin, kế toán, nhân viên ngân hàng…). Các yếu tố khác như quá trình mang thai, quá trình sinh đều không phản ánh mối liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ.
 
Tài liệu tham khảo
 
Trần Thị Ngọc Trâm. Giám sát, đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ: các lĩnh vực phát triển của trẻ cần được giám sát, đánh giá và hệ thống giám sát. Báo cáo Hội thảo về giám sát đánh giá sự phát triển của trẻ em, Hà Nội, 10/2004.
 
Đào Thị Bích Thuỷ, Hồ Thị Nết: Ứng dụng bảng kiểm phát triển trong  can thiệp sớm cho trẻ tự kỉ.
 
Hozumi Araki và cộng sự (2012). Sổ tay hướng dẫn sử dụng Bảng kiểm phát triển. Trung tâm Đào tạo và phát triển Giáo dục đặc biệt, trường ĐHSP Hà Nội.
 
Nguyen Thi Hoang Yen, Dao Thi Bich Thuy, Hozumi Araki, Yoshiaki Takeuchi, Asuka Maeda, Yohei Inoue, Yoko Arai, Michiko Araki, Zhang Rui, Huang Xin Yin, Research on families chidren with developmental disorders in VietNam: questionnaire and interview survey given to parents,Research for Collaboration Model of Human Services 9, Institude of Human Sciences, Ritsumeikan University, ISSN 2186-1285, pp 164 – 216. Japan, 2013.

Nguồn: Theo trang recese.vnies.edu.vn

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới