Chương trình giáo dục ngoài trời cho học sinh khuyết tật

12 tháng 08/2020

Như chúng ta đã biết, giáo dục cho trẻ em nói chung và giáo dục cho trẻ khuyết tật nói riêng được thực hiện tại nhiều địa điểm như trên lớp, trong gia đình, ngoài xã hội. Trong đó, giáo dục trên lớp được chú trọng hơn cả, chiếm nhiều thời gian và cung cấp nhiều kiến thức, kĩ năng cho trẻ. Bên cạnh đó không thể nhắc đến giáo dục ngoài xã hội, cụ thể ở đây là giáo dục ngoài trời, nó hỗ trợ cho trẻ hiểu sâu sắc hơn những kiến thức đã được đọc và thảo luận trên lớp, đặc biệt được phát triển các giác quan, cảm xúc. Vậy, giáo dục ngoài trời là gì? Nó có vai trò ra sao và được tiến hành như thế nào?

* Giáo dục ngoài trời là gì?

Giáo dục ngoài trời là việc sử dụng các kinh nghiệm ở ngoài trời cho giáo dục và phát triển toàn diện con người (Viện Outdoor, 2006). Giáo dục ngoài trời thường liên quan đến nhóm nhỏ tích cực tham gia vào các hoạt động phiêu lưu phát triển cá nhân, dưới sự hướng dẫn của một giảng viên hoặc người lãnh đạo.

* Tại sao cần phải giáo dục ngoài trời?

Giáo dục ngoài trời giúp học sinh học tập hiệu quả, mở rộng quá trình học tập, cung cấp cơ hội để học sinh hiểu biết sâu sắc hơn những kiến thức mà chỉ được đọc và thảo luận trên lớp, đặc biệt, đây là phương tiện mang ý nghĩa thực sự giúp giáo viên chuyển tải các khái niệm trừu tượng đến học sinh. Học sinh có thể sử dụng tất cả các giác quan để tìm hiểu và lĩnh hội được những bài học cuộc sống từ lớp học ngoài trời. Đồng thời hiểu được vai trò của môi trường để từ đó ý thức giữ gìn môi trường sống. Hoạt động ngoài trời còn giúp mở rộng kinh nghiệm vui chơi giải trí, và là động lực quan trọng góp phần tiến tới cải thiện thể chất và sức khỏe tốt hơn.

* Yêu cầu đối với giáo viên:

Để tiến hành hoạt động ngoài trời thì người giáo viên cần trang bị một số những kĩ năng, yêu cầu cơ bản để có thể hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động hiệu quả và an toàn:

- Có hiểu biết;
- Kĩ năng công nghệ thông tin;
- Kiến thức, kinh nghiệm về cuộc sống ngoài trời;
- Sự hiểu biết về an toàn;
- Kỹ năng môi trường;
- Hiểu biết về các cơ quan, bộ phận cơ thể;
- Biết hướng dẫn, khích lệ;
- Có khả năng lãnh đạo;
- Đạo đức môi trường.

* Ưu điểm và hạn chế

-  Ưu điểm:

Các hoạt động ngoài trời thường diễn ra theo nhóm hoặc lớp, vì vậy đó là môi trường tuyệt vời để có được tình bạn, nâng cao kĩ năng liên cá nhân, làm việc nhóm, kết nối văn hóa đồng thời, cải thiện rõ rệt mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên sau chuyến đi. Với mỗi cá nhân, hoạt động ngoài trời đem lại cơ hội phát triển toàn diện: lợi ích về sức khỏe, nâng cao kiến thức, học trách nhiệm và độc lập, kĩ năng ra quyết định/giải quyết vấn đề và có cơ hội lãnh đạo.

- Hạn chế:

Bên cạnh đó, hoạt động ngoài trời cũng có những hạn chế nhất định. Để thực hiện buổi hoạt động ngoài trời cần có sự chuẩn bị kĩ càng về việc lập kế hoạch: những yêu cầu về trang thiết bị/đồ chơi, kinh phí, thời gian, không gian, những rủi ro có thể xảy ra. Những yêu cầu phức tạp đó đòi hỏi giáo viên, người hướng dẫn cần có kinh nghiệm và tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống để có thể tiến hành hoạt động hiệu quả và an toàn.

* Một số hoạt động ngoài trời:

Kayaking

Chèo thuyền kayak là loại hình du lịch có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm trên thế giới. Tên gọi kayak (phiên âm từ chữ Qajaq) của người thổ dân Eskimo có nghĩa là “những chiếc thuyền của những người thợ săn” hoặc “chiếc thuyền của người thợ săn”. Để học sinh có thể tham gia hoạt động này, mỗi chiếc thuyền thường có 2, 3 chỗ ngồi để học sinh chơi theo nhóm hoặc có những học sinh cần giáo viên hoặc người hướng dẫn đi kèm. Thay vì vượt qua những dòng sông chảy xiết hay những ghềnh đá hiểm trở như một môn thể thao mạo hiểm thì đối với học sinh, kayaking được thực hiện ở những dòng song tương đối êm đềm và luôn luôn có sự giám sát, hỗ trợ của đội cứu hộ. Kayaking giúp trẻ có lòng can đảm, sự bình tĩnh, tính kiên trì, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và trải nghiệm cảm xúc vô cùng tuyệt vời.
 


Leo núi nhân tạo (wall climbing)

Tại đây, núi được dựng bởi những tấm vách bằng gỗ, dựng đứng và gồ ghề, trên vách gắn các mấu bám nhiều màu sắc, kích cỡ và hình thù khác nhau. Màu sắc của mấu bám quy định đường đi và mức độ của người chơi. Trước khi leo núi, học sinh sẽ được thắt dây đai an toàn và được hướng dẫn cách chơi trước khi chinh phục chúng. Khi leo, học sinh sẽ bám vào các mấu bám và tìm cách leo lên cao dần. Hoạt động này rèn cho học sinh tính kiên nhẫn, lòng can đảm, sự quyết tâm và sau khi đã hoàn thành phần chơi thì cảm giác vui mừng vì đã vượt qua thử thách là trải nghiệm khó quên.


Chạy định hướng (orienteering)

Đây là môn thể thao xã hội giúp học sinh có lòng yêu mến thiên nhiên, phát triển cả trí não và thể chất. Học sinh sẽ được hướng dẫn sử dụng la bàn để nhận dạng đích tới, chạy và duy trì thể chất để về đích.
 


Cáo bay (flying fox)

Để thực hiện hoạt động này, giáo viên cần chuẩn bị ròng rọc dài có một đầu được được gắn ở nơi cao như đài quan sát (>10m), một đầu gắn ở gần mặt đất, các thiết bị bảo hộ: mũ bảo hiểm, đai an toàn. Trước tiên, cần họp nhóm học sinh, phổ biến cách chơi, những lưu ý khi chơi, sau đó từng học sinh sẽ lên đài quan sát, được thắt đai chắc chắn và trải nghiệm cảm giác như bay dần xuống mặt đất. Hoạt động này giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần mạo hiểm, lòng quyết tâm.



Water confidence

Có nhiều hoạt động có thể dạy học sinh ở dưới nước. Nhưng trước hết phải dạy học sinh những kĩ năng cơ bản nhất trước khi xuống nước:

- Khởi động (bể trẻ em tầm 60cm): làm ướt người, đi bộ quanh hồ, chạy tại chỗ, té nước;
- Cách xuống hồ nước: sử dụng thang ở bể bơi, xoay người và bước xuống từ từ;
- Sau đó có thể dạy trẻ các nổi, cách thở, cách đạp chân, khua tay, các kiểu bơi sải, bơi ếch, bơi chó, bơi ngửa,…
- Các hoạt động chơi dưới nước: ném bóng, quăng vòng hula,…

Không phải tất cả học sinh đều thích nước nên giáo viên cần khích lệ để mọi học sinh có thể tham gia hoạt động. Lưu ý đến sự an toàn của học sinh, luôn sẵn sàng cứu hộ trong mọi tình huống. Hoạt động dưới nước giúp trẻ phát triển thể chất, sự tương tác nhóm, và điều hòa cảm xúc rất tốt, đặc biệt với trẻ tự kỷ, tăng động giảm tập trung.
 


Việc tham gia vào các chương trình giáo dục ngoài trời có thể giúp học sinh nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng nâng cao khả năng giao tiếp, sự độc lập, tính sáng tạo, lòng tự trọng, trách nhiệm, tự giúp đỡ và tôn trọng người khác. Mong rằng các phụ huynh, giáo viên sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài trời bên cạnh hoạt động giáo dục chính ở trên lớp để giúp học sinh được phát triển toàn diện hơn.

Nguồn: Theo trang recese.vnies.edu.vn

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới