Một chặng đường, những hướng đi, những cách làm của giáo dục hòa nhập Việt Nam

12 tháng 08/2020

Giáo dục hòa nhập (GDHN) ở Việt Nam đã qua một chặng đường đầy gập ghềnh, không ít khó khăn với những bước đi chập chững ban đầu cho đến sự trưởng thành của những năm cuối của chặng đường này.
 
Bắt đầu từ mùa thu năm 1986, Trung tâm Tật học- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (nay là trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt) lần đầu tiên tiếp cận với các tài liệu về GDHN của Unesco. Đoàn chuyên gia của Unesco có buổi làm việc với Viện và Trung tâm đã đề cập rất nhiều đến vấn đề GDHN trẻ khuyết tật (TKT) và muốn được hợp tác với Trung tâm Tật học – Viện Khoa học GD Việt Nam về lĩnh vực này. Từ những tài liệu, kiến thức ban đầu về GDHN và được Unesco hỗ trợ một số kinh phí nhỏ, trung tâm đã thử nghiệm triển khai GDHN trẻ khiếm thính tại trường MN A Hà Nội. Trước đây, GD TKT đều triển khai tại các trường chuyên biệt, mô hình GDHN ở thời điểm này thực sự rất mới mẻ. TKT nên  học với trẻ không khuyết tật trong môi trường GD bình thường. GDHN là mô hình mới mẻ, hướng đi mới này còn bỡ ngỡ cả với cán bộ của trung tâm, càng bỡ ngỡ hơn với giáo viên (GV) và cả với các em của trường mầm non (MN) tham gia thực nghiệm. Những ngày đầu, tuần đầu trẻ khiếm thính vào học chung với mọi trẻ em khác, nhưng các em không biết làm gì, không theo học được với các bạn. Cô giáo tuy đã có được tập huấn, trao đổi công việc trước đó trong thời gian ngắn, nhưng cô chưa biết cách làm thế nào để trẻ khiếm thính có thể học được với các bạn. Một giải pháp khả dĩ được đưa ra lúc bấy giờ là cho trẻ khiếm thính hội nhập từng phần trong những hoạt động cụ thể với các bạn khác như: hai đối tượng cùng chơi với nhau một số đồ chơi, một số trò chơi, cùng tập thể dục, cùng tham gia lao động thu dọn đồ chơi, sau khi chơi, sắp xếp lại đồ dùng trong lớp học...
 
Cách làm này tỏ ra có hiệu quả, hai đối tượng trẻ cùng làm việc, cùng chơi với nhau. Đã xuất hiện những tương tác ban đầu và dần dần tỏ ra thân thiện với nhau, hiểu nhau hơn. Nhưng khi học các kiến thức trong chương trình thì lại phải tách ra học riêng, ngay cả với những kiến thức đơn giản như: con búp bê, các bộ phận của búp bê...
 
Có thể nói là thử nghiệm chương trình GDHN những hai đối tượng trẻ vẫn phải học riêng. Khi vào cùng một lớp học chung thì phải nhắc lại, học lại những điều đã học trước đó, song còn gặp rất nhiều khó khăn. Hai đối tượng trẻ chỉ có thể hội nhập từng phần với nhau trong những hoạt động đơn gian, dễ bắt chước, dễ làm theo.
 
Chương trình này được duy trì trong thời gian ngắn, khi kinh phí hết thì chương trình cũng kết thúc. Mặc dù vậy, trung tâm đã có tổng kết báo cáo với Viện và Bộ về cách làm mới này, song trung tâm không nhận được sự phản hồi tích cực từ Vụ GDMN và GDTH (lúc đó chỉ thị năm học của Vụ GDMN là không được nhận TKT vào học). Trong các cuộc họp, ý kiến của các Vụ là vấn đề rất mới, trung tâm cần tiếp tục thử nghiệm và khi có kết quả thì các vụ sẽ nghiên cứu và cùng phối hợp thực hiện.
 
Chương trình GDHN đầu tiên với qui mô rất nhỏ, kết quả thu được chưa nhiều, nhưng điều quan trọng là nó bắt đầu mở ra những ý tưởng mới trong GD TKT sau này.
 
Giai đoạn 1990-1995, Trung tâm đã hợp tác với Unicef Việt Nam xây dựng chương trình GDHN cho TKT với qui mô lớn hơn và triển khai chủ yếu ở GDTH (GDTH). Với sự hỗ trợ của Unicef về chuyên gia, tài liệu và kinh phí hoạt động, trung tâm đã triển khai GDHN cho TKT ở Thanh Trì - Hà Nội), Đông Hưng - Thái Bình, Nam Định, Yên Phong - Bắc Ninh, Lập Thạch - Vĩnh Phúc và Quảng Trạch - Quảng Bình. Triển khai GDHN ở huyện trong các tỉnh thực hiện Dự án với mong muốn từ mô hình cấp huyện này, tỉnh sẽ triển khai dự án ở đơn vị cấp huyện, song đây chưa phải là mô hình cấp huyện về GDHN vì còn thiếu nhiều yếu tố.
Kế hoạch triển khai cũng rất bài bản: Hội thảo nâng cao nhận thức, nhấn mạnh vai trò của cấp chính quyền, của cộng đồng trong GDHN TKT. Điều tra cơ bản, thu thập dữ liệu về TKT ở các xã trong huyện thực hiện Dự án. Biên soạn tài liệu, tập huấn GV về TKT và các phương pháp dạy TKT. Triển khai GDHN cho TKT ở tất cá các trường tiểu học (TH) trong huyện. Cuối cùng là tổng kết, đánh giá kết quả của chương trình. Trong giai đoạn này, cách thức tổ chức GDHN như sau:
 
Sau khi có kết quả điều tra TKT (theo mẫu các phiếu điều tra và bản tổng hợp) các trường TH phối hợp với xã, đặc biệt với y tế tổng hợp các số liệu cơ bản như: số TKT ở từng loại tật, mức độ tật, độ tuổi; sau đó xây dựng kế hoạh báo cáo với xã và phòng GD để sắp xếp, bố trí các em ra lớp học. Môi trường TH trong huyện đều tổ chức các lớp học chuyên biệt. Cách làm này lúc bấy giờ cho rằng TKT chưa thể vào học ngay cùng với các trẻ khác trong lớp học phổ thông. Vì vậy, TKT cần được chuẩn bị thông qua lớp học chuyên biệt trong trường TH. Hàng năm, những TKT học trong lớp chuyên biệt có nhiều tiến bộ, có đủ điều kiện được lựa chọn vào học hòa nhập với trẻ không khuyết tật.
 
Các chương trình, tài liệu tập huấn chủ yếu vẫn là các phương pháp, kĩ năng chuyên biệt dạy trẻ khiếm thính, khiếm thị, TKT vận động, chậm PTTT, khuyết tật ngôn ngữ. Lúc này, GV chưa được học các phương pháp DH hòa nhập, đây là khó khăn lớn mà suốt 5 năm chưa khắc phục đươc. Đó cũng là một trong những vấn đề cốt lõi mà các dự án sau đó mới có điều kiện khắc phục.
 
Có hai vấn đề lớn tồn tại trong giai đoạn này:
 
Một là: thực hiện GDHN nhưng chưa có lí luận về GDHN, chưa xác định được bản chất của GDHN, các điều kiện cần để thực hiện GDHN, đặc biệt các lực lượng cộng đồng tham gia, hỗ trợ GDHN;
 
Hai là: chưa có qui trình GDHN, đặc biệt chưa xác định rõ được các phương pháp, kĩ  năng DH hòa nhập trong lớp học có TKT. Giai đoạn này được thực chất là mô hình GD hội nhập. Mặc dù vậy Dự án cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho mô hình GDHN. Dự án cũng đã đạt được hiệu quả tốt. Lần dầu tiên ở Việt Nam TKT không phải đến các trường chuyên biệt mà được học ngay ở trường TH trong xã. Trẻ em khuyết tật và các đối tượng học sinh khác hiểu biết nhau hơn, thông cảm với nhau và có nhiều sự hỗ trợ cần thiết.
chính quyền các cấp, các cộng đồng tham gia dự án đã có sự thay đổi về nhận thức. TKT là đối tượng được chú ý, quan tâm, chăm sóc nhiều hơn và các em hoàn toàn có thể đến trường phổ thông học tập như các bạn cùng trang lứa khác. Dự án cũng đã hầu như huy động hết các em khuyết tật ở các xã trong huyện của dự án ra lớp học.
 
Trung tâm triển khai chương trình GDHN ở một số tỉnh gần như là độc lập, chưa có sự hỗ trợ, hợp tác cần thiết của các vụ ở Bộ GD, đặc biệt là hai vụ GDMN và GDTH. Ở các địa phương, dự án được thực hiện chủ yếu ở Phòng GD và các trường MN, TH, bước đầu cũng đã có sự phối hợp giữa GD với các lực lượng khác, nhất là với y tế, TBXH, song sự phối hợp này còn rất lỏng lẻo, chưa có nội dung và cơ chế phối hợp hiệu quả.
 
Trong thời gian này một chương trình GDHN khác với sự hỗ trợ của Radda Banen cũng được triển khai ở Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Tiền Giang. GDHN được thực hiện kế tiếp với chương trình phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng do Bộ y tế triển khai. GDHN được thực hiện ở đây có một số điểm mới- những mặt mạnh của nó:
 
Sau khi TKT được PHCN về mặt y tế (thực ra chủ yếu đối với trẻ khuyết tật vận động, trẻ được huy động ra lớp học hòa nhập. Cách làm này có nhiều thuận lợi, bởi lẽ các cộng đồng, xã hội đã có thời gian chuẩn bị, đã được trang bị những nhận thức mới về TKT và sự cần thiết phải chăm sóc, hỗ trợ các em cả về y tế cũng như GD, hỗ trợ trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các em. Mặt khác, cách làm này tạo ra cơ chế tự nhiên trong sự phối hợp giữa GD với y tế, sau đó đến các lực lượng khác trong cộng đồng. Chính vì thế GDHN, PHCN được sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền từ tỉnh, huyện đến các xã, thông ấp, được sự hỗ trợ nhiều hơn của mọi lực lượng trong xã hội.
 
Trung tâm có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các thông tin, tài liệu về GDHN của thế giới, nhất là của các nước Bắc Âu. Các khóa tập huấn về GDHN được mở ra nhiều hơn do các chuyên gia quốc tế trực tiếp lên lớp. Cán bộ, GV ở các tỉnh tham gia dự án cũng được các chuyên gia quốc tế truyền đạt các tư tưởng, kiến thức mới về TKT và GDHN. Đặc biệt bà chuyên gia Iren Lopex là người rất có tâm huyết với GDHN ở Việt Nam. Bà không những trực tiếp lên lớp ở các khóa tập huấn về GDHN ở TW cũng như các địa phương mà còn tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch GDHN ở Việt Nam. Bà đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về vấn đề GDHN cho TKT: tính cấp thiết, sự cần thiết, tính hiệu quả, xu thế thế giới của GDHN. GDHN của dự án này có chất lượng mới, ngày càng tiến dần đến GDHN với đúng nghĩa của nó.
 
Dự án này, không những tập huấn cho đội ngũ GV trực tiếp DH hòa nhập cho TKT mà còn chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn. Chương trình, tài liệu tập huấn cho giảng viên các trường CĐSP được xây dựng; các khóa tập huấn cho đội ngũ giảng viên này cũng được triển khai đều đặn trong nhiều năm. Đây là hướng đi mới, hiệu quả, tạo ra được đội ngũ tập huấn viên cho các địa phương, đảm bảo tính bền vững của dự án. Bước đi này đã đẩy nhanh tiến trình GDHN. Các địa phương, các Sở GD-ĐT chủ động xây dựng mục tiêu, kế hoạch triển khai GDHN, kể cả công tác tập huấn GV, hỗ trợ các trường thực hiện GDHN và đánh giá kết quả. Chính vì thế, GDHN được triển khai trong toàn tỉnh, số lượng TKT cũng được đi học nhiều hơn, chất lượng GD cũng ngày càng được nâng cao hơn trước.
 
GDHN trong dự án này tuy chưa thực sự hoàn thiện, thực chất của GDHN, song bản thân nó đã bớt dần những yếu tố GD hội nhập, tiến gần hơn đến GDHN và đã đạt được hiệu quả cao hơn. Tính hiệu quả và thực chất của GDHN ở đây được thực hiện trên cơ sở 3 câu hỏi:
 
Một là: Đứa trẻ đó là ai?
 
Để trả lời câu hỏi đó, lúc này trong điều tra cơ bản không mang nặng sự phân loại TKT, mức độ tật, mà cái chính là hiểu đúng bản chất trẻ, những mặt mạnh và những hạn chế của trẻ để xây dựng kế hoạch GD phù hợp. Nói cách khác thực chất đã lấy trẻ làm trung tâm trong GDHN.
 
Hai là: Dạy cái gì?
 
Nếu lấy trẻ làm trung tâm trong GDHN thì trong DH cho trẻ là phải dạy cái gì cần thiết đối với trẻ, dạy cái gì phù hợp với nhu cầu của trẻ để trẻ có hứng thú có động cơ học tập để ngày càng phát triển.Đây là tiền đề cho công việc, điều chỉnh chương trình DH trong DH hòa nhập cho TKT sau này.
 
Ba là: Dạy như thế nào?
 
Đây là vấn đề cốt lõi để DH hòa nhập đạt hiệu quả cao, muốn thế cần phải:
 
- Thay đổi môi trường DH/ cách sắp xếp bàn ghế trong lớp học, cách tổ chức hoạt động nhóm, DH ngoài trời vv....
 
- Xây dựng tình bạn bè để các trẻ được tương tác với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn và tính cực hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
 
-  Tự làm các đồ dùng DH cần thiết và phù hợp.
 
Đặc biệt phải có kĩ năng kết hợp hiệu quả giữa các phương pháp DH đặc thù với các phương pháp DH và cần thường xuyên sử dụng phương pháp hợp tác nhóm trong DH hòa nhập.
 
GDHN trong giai đoạn này được các địa phương thừa nhận đạt được hiệu quả cao. TKT được đi học ngày càng nhiều, các lớp học hòa nhập ngày càng phát triển, TKT học hòa nhập ngày càng có kết quả tốt hơn. Các yếu tố cộng đồng cũng rõ nét hơn. GD và y tế kết hợp với nhau chặt chẽ, các lực lượng khác trong cộng đồng cũng đã phối hợp với nhau để hỗ trợ tốt hơn cho GDHN.
 
Trong dự án này đã có sự phối hợp tốt hơn giữa Viện KHGD (Trung tâm Tật học) với các Vụ chức năng của Bộ, đặc biệt với 3 vụ: GDMN, GDTH và GD Đại học. Các cán bộ của 3 Vụ này đã cùng cán bộ của Trung tâm đi xuống địa phương xem xét, trao đổi kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả của GDHN và đã có những chỉ đạo kịp thời tiếp tục triển khai GDHN. Vụ Đại học đã chấp nhận chương trình, kế hoạch tập huấn cho giảng viên các trường CĐSP đã trực tiếp xuống các trường sự phạm được địa phương chỉ đạo thực hiện chương trình tập huấn này. Mặc dù vậy, sự phối hợp với các vụ chức năng của Bộ mới dừng lại ở một số công việc cụ thể. Trung tâm mong muốn các vụ GDMN, GDTH lấy kinh nghiệm, hướng đi, cách làm từ các tỉnh thực hiện Dự án để triển khai rộng hơn ra các tỉnh khác, nhưng việc này chưa làm được. Thực ra, Bộ chưa chú ý tới một chiến lược, kế hoạch tổng thể cho GDHN ở Việt Nam.
 
Dự án này được kéo dài trong nhiều năm, tác động nhiều đến tỉnh thực hiện dự án. Trung tâm không thể với tới hình thức triển khai GDHN cao hơn, rộng hơn vì nguồn lực không cho phép và cũng vì Bộ chưa có chiến lược GDHN trong cả nước.
 
Từ năm 1995 đến sau năm 2000 có chương trình GDHN hợp tác với Tổ chức CRS. Dự án hợp tác với CRS được xây dựng tương đối cơ bản với mục tiêu thực hiện GDMN cho TKT ở MN và TH dựa vào cộng đồng.
 
Dự án này được thực hiện trong bối cảnh GDMN của thế giới đã phát triển ở mức độ cao hơn, ngày càng tiến đến thực chất của GDHN trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu và khả năng của TKT.
 
Dự án được thực hiện với cách tiếp cận các quan điểm, cách làm GDHN của các nước Bắc Mỹ, đặc biệt là của Mỹ và Canada, thông qua các tài liệu, các khóa tập huấn và các chuyên gia quốc tế.
 
Dự án đã xây dựng mô hình GDHN cấp huyện phù hợp với thực tiến GD Việt Nam nói riêng và thực tiễn xã hội nói chung. Lấy đơn vị cấp huyện để xây dựng mô hình mẫu vì địa bàn huyện không quá rộng và cũng không hẹp, có thể vừa đủ để xây dựng mẫu về GDHN. Phòng GD huyện là đơn vị trực tiếp quản lí chỉ đạo GDMN, GDTH. Như vậy, triển khai GDHN cho TKT ở tuổi MN và TH là thuận lợi cho sự chỉ đạo GD chung. Sự liên kết, phối hợp hỗ trợ GDHN của các lực lượng trong cộng đồng cũng được thực hiện thuận lợi và hiệu quả hơn. Với ý tưởng nếu mô hình cấp huyện về GDHN thành công, sẽ là cơ sở để triển khai GDHN ra các huyện khác bài bản bản hơn, dễ dàng hơn.
 
Ở mỗi đơn vị cấp huyện, điều tra cơ bản TKT theo hai giai đoạn: giai đoạn phát hiện và giai đoạn sàng lọc, song điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là điều tra TKT theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” tức là không phải điều tra để phân loại, gắn mác cho trẻ mà điều tra để xác định đúng bản chất như trẻ đang có và sẽ có, điều tra để xác định được nhu cầu, khả năng của trẻ từ đó để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch GD từ đưa trẻ ra lớp phù hợp đến quá trình GD hiệu quả sau đó.
 
GDHN ở đây đã được thực hiện theo qui trình chặt chẽ. Qui trình này được bắt đầu từ việc xác định nhu cầu, khả năng của trẻ - Quá trình GD và đánh giá kết quả. Đánh giá kết quả để tìm ra nhu cầu mới, khả năng mới của trẻ làm cơ sở để xây dựng kế hoạch GD mới,.... Cứ như thế qui trình được thực hiện liên tục từ lớp học này đến lớp học khác cho đến khi trẻ trưởng thành.
 
Trong DH hòa nhập phải điều chỉnh chương trình DH cho phù hợp với nhu cầu và năng lực của trẻ. Điều chỉnh chương trình tức là điều chỉnh cả mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, môi trường DH và cách đánh giá. Đây là linh hồn và là vấn đề cốt lõi trong DH hòa nhập mà dự án này đã giải quyết được. Điều chỉnh chương trình DH làm cho mọi TKT đều được học những vấn đề cần cho cuộc sống và phù hợp với bản thân. Trên cơ sở đó mà trẻ có niềm vui, niềm tin, có thêm động lực trong học tập. Sự tiến bộ trong học tập của TKT ngày càng rõ nét hơn.
 
Phương pháp học hợp tác được lựa chọn như là phương pháp chủ yếu trong DH hòa nhập. Hợp tác nhóm sẽ giúp trẻ tương tác với nhau nhiều hơn, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình và tiếp thu các kiến thức một cách tự giác. Phương pháp này cũng giúp trẻ hiểu biết nhau hơn và hỗ trợ nhau nhiều hơn trong quá trình học tập. TKT tự tin hơn trong thảo luận nhóm, khi được phân công trình bày kết quả thảo luận của nhóm...
 
Một vấn đề khác rất quan trọng mà Dự án này đã thực hiện được đó là xây dựng Trung tâm nguồn- Trung tâm hỗ trợ GDHN. Ở nhiều huyện, Trung tâm này đã phát huy tác dụng tốt. Cán bộ của Trung tâm đã tỏa ra các trường MN, TH giải quyết những vấn đề mà GV còn vướng mắc. Từ đó GDHN ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng.
 
Xây dựng các lực lượng hỗ trợ của cộng đồng cũng được Dự án coi trọng như là một trong những yếu tố cơ bản của GDHN. Xây dựng vòng bạn bè từ hẹp đến rộng tạo ra lực lượng hỗ trợ với mọi thành phần, mọi lứa tuổi. TKT được chăm lo nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn trong cuộc sống, trong sinh hoạt ở thôn, xã, ở trường học cũng như trong mọi hoạt động vui chơi, học tập. Không những hỗ trợ trẻ mà còn đề cập đến vấn đề hỗ trợ gia đình trẻ khuyết tật để gia đình tạo mọi điều kiện cho trẻ đến trường và học tập hiệu quả.
 
Dự án này cũng tiếp tục thực hiện chương trình tập huấn cho giảng viên các trường CĐSP. Phối hợp với ĐHSPHN mở khóa đào tạo cử nhân tật học/ khóa đào tạo ngắn hạn cho những người lấy bằng cử nhân/ làm tiêu đề cho việc xây dựng cán bộ nguồn cho ngành học.
Chương trình GDHN với sự hợp tác, hỗ trợ của CRS đã được thực hiện trong thời gian dài ở nhiều tỉnh khác nhau (Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Tây...) GDHN trong dự án này đã đi đến thực chất của GDHN, đánh giá đúng bản chất của trẻ khuyết tạt, đưa trẻ vào GDHN theo qui trình chặt chẽ, khoa học và hiệu quả.
 
GDHN theo cách tiếp cận lấy trẻ làm trung tâm với nhiều vòng hỗ trợ, bảo vệ khác nhau. Theo cách tiếp cận này đã được áp dụng vào Dự án “ Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” (PEDC) do Bộ GD và Đào tạo chủ trì, Vụ GDTH chỉ đạo thực hiện. Dự án này được thực hiện từ năm 2003 đến 2010. Dự án được xây dựng rất cơ bản và có nguồn lực lớn để triển khai giáo dục tiểu học theo mục tiêu trong đó trọng tâm chú ý là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
 
Hoạt động đầu tiên là xây dựng cơ sở vật chất trường học cho trẻ em ở các huyện khó khăn. Trong khi xây dựng Dự án rất chú trọng đến các yếu tố liên quan đến TKT như: các dấu hiệu nổi để trẻ khiếm thị nhận biết đường đi đến lớp học, dấu hiệu của lớp, chỗ bàn ngồi học; lối đi xe lăn, xe đẩy cho TKT vận động... Tủ - nơi đựng đồ dùng học tập cũng tạo thuận lợi cho mọi TKT sử dụng, mua sắm thiết bị có sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng khuyết tật như: máy trợ thính, gậy đi đường, kính cho trẻ khiếm thị, các loại đồ chơi phát triển trí tuệ,...
Sau xây dựng Trường, Sở, lớp học, thiết bị DH Dự án tiến hành xây dựng các bộ tài lệu và tiến hành tập huấn GV nói chung cho tất cả GV TH vùng dự án và GDHN nói riêng cho các GV tham gia DH hòa nhập.
 
Đối với GDHN, Dự án này có rất nhiều thế mạnh làm cơ sở cho việc triển khai GD hiệu quả.
 
Dự án được thực hiện với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GD&ĐT (chủ yếu Vụ GDTH)
 
Dự án được thiết kế có hai nhóm tăng cường năng lực. Nhóm tăng cường năng lực cho GDHN và hỗ trợ cộng đồng. Hai nhóm này kết hợp chặt chẽ với nhau và cùng thực hiện mục tiêu chung là đưa mọi trẻ ở độ tuổi TH có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với GDTH có chất lượng.
 
Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai GDHN. Nhóm tăng cường cho GDTH nói chung đi trước một bước về xây dựng các tài liệu, tập huấn cho toàn bộ GV TH vùng dự án về các phương pháp hiệu quả dạy Tiếng Việt, phương pháp học hợp tác nhóm, học thực địa, học khi chơi....Đổi mới môi trường GDTH. Nhóm tăng cường năng lực về GDHN và hỗ trợ cộng đồng tiếp tục xây dựng các tài liệu và tiến hành tập huấn cho các GV DH hòa nhập và lí luận GDHN, phương pháp DH hòa nhập cho các TKT khác nhau, hướng dẫn tự làm đồ dùng DH và xây dựng các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng cho GDHN.
 
Vấn đề phối hợp, quan điểm GDHN được thông suốt ngay từ đầu và được phối hợp chặt chẽ trong triển khai.
 
Dự án có nguồn lực khá lớn để:
 
- Thuê chuyên gia quốc tế từ các nước Mỹ, Anh, Úc... làm việc theo cơ chế dài hạn, ngắn hạn khác nhau.
 
- Chuyên gia trong nước về GDTH và GDHN
 
- Dự án tiếp xúc thường xuyên và đầy đủ hơn các tài liệu của quốc tế về GDHN, GD cho mọi người.
 
- Dự án đã triển khai gói thầu khảo sát nhu cầu, năng lực của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh dự án.
 
- In ấn và phân phát nhiều tài liệu về GDHN, sách Ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ khiếm thính, sách chữ nổi cho trẻ khiếm thị.
 
- Mua sắm và cung cấp hầu như đầy đủ các thiết bị, đồ dùng học tập cho TKT học hòa nhập.
 
Dự án đã tiến hành nhiều khóa tập huấn về GDHN ở các cấp độ khác nhau. Các chuyên gia quốc tế, chuyên gia Việt Nam làm việc cho dự án trực tiếp xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu, triển khai tập huấn và trực tiếp lên lớp ở các khóa tập huấn ở các địa phương. Dự án cũng đã mời các chuyên gia ngoài dự án biên soạn tài liệu, trực tiếp tập huấn cho GV về GDHN.
 
Dự án đã xây dựng bộ 3 văn bản về GDHN bao gồm:
 
- Chiến lược GDHN
- Chính sách GDHN
- Kế hoạch hành động Quốc gia về GDHN
 
Bộ 3 văn bản này được các chuyên gia trong nước, ngoài nước cùng tham gia biên soạn với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia ở Trung tâm Tật học - Viện KHGD, Vụ GDMN, Vụ GDTH, Vụ GDTrH, Vụ Pháp chế của Bộ GD&ĐT, các cán bộ giảng dạy của Khoa GDĐB trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP Hồ Chí Minh. Ba văn bản này đã được thảo luận, chỉnh sửa nhiều lần , lấy ý kiến của các Bộ, Ngành khác nhau và đã trình lên Lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Dự án cũng xây dựng trọng điểm 2 mô hình GDHN cấp huyện ở Na Hang - Tuyên Quang và Ngọc Hiển - Cà Mau. Hai mô hình cấp huyện được xây dựng và triển khai khá bài bản theo cách tiếp cận lấy TKT làm trung tâm. Trung tâm hỗ trợ GDHN được xây dựng trên cơ sở trường TH trọng điểm. Đội ngũ GV- cán bộ ở trường TH chọn làm “Trung tâm Nguồn” được tập huấn rất cơ bản, trong đó có cả phương pháp hỗ trợ GDHN cho các trường TH trong huyện. Cán bộ của Trung tâm nguồn được cung cấp đầy đủ các tài liệu về GDHN, được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động, kinh phí làm đồ dùng DH, được đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về GDHN ở một số địa phương thực hiện GDHN có chất lượng và hiệu quả.
Nhìn chung, Dự án này có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành GDHN cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung, TKT nói riêng trong phạm vi rộng. Rất tiếc cơ hội này không được tận dụng vì GDHN chưa thật sự được quan tâm, chỉ đạo đúng mức. Mặc dù, dự án GDTH cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có GDHN được triển khai suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
 
Như vậy, GDHN đã được triển khai gần 30 năm. Thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, việc đưa được tất cả trẻ em đến với lớp học mới chỉ là một nửa của khó khăn, thử thách phải vượt qua, phải giải quyết- vấn đề này chúng ta đã giải quyết tương đối tốt. Nửa còn lại là việc đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau trong học tập của mọi trẻ em, sao cho các em thấy được, cảm nhận được mỗi buổi học là một niềm vui. Mọi trẻ em mong muốn được học cùng với nhau, tuy nhiên trẻ em cư xử và học tập theo những cách khác nhau do những yếu tố về cơ thể, môi trường sống, do những nhu cầu cá nhân khác nhau và nhu cầu tâm lý riêng của từng em. Nửa này khó khăn hơn, giải quyết được vấn đề này còn gian nan hơn nhiều. Chúng ta đã làm và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.Cần đi sâu giả quyết vấn đề này một cách cơ bản, khoa học, phù hợp và hiệu quả hơn.GV phải sử dụng nhiều cách thức đa dạng khác nhau để hướng các em đến cách cư xử, cách học tập đúng đắn và tích cực để đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của các em và của từng em.
 
GDHN đã trải qua một chặng đường 30 năm, nhưng chúng ta còn thiếu một chiến lược, một chính sách và kế hoạch hành động Quốc gia về GDHN. Do đó, kết quả của GDHN mới dừng lại trong phạm vi các tỉnh thực hiện các Dự án hợp tác khác nhau. Mong rằng thời gian tới cần có những quyết định mang tính đột phá để GDHN đưa đến niềm vui được tiếp cận GD của mọi trẻ em, đặc biệt là TKT ở mọi miền của cả nữa.

Nguồn: Theo trang recese.vnies.edu.vn

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới