Tọa đàm "Phát triển chương trình Tiền học đường cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ chuẩn bị vào lớp Một"

30 tháng 04/2021

Sáng ngày 24 tháng 04 năm 2021, nhóm đề tài B-2021 do TS. Mai Thị Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia là chủ nhiệm đề tài đã tổ chức tọa đàm “Phát triển chương trình tiền học đường cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ chuẩn bị vào lớp Một”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các nhà quản lí, giáo viên lớp tiền học đường, giáo viên can thiệp cá nhân, giáo viên đi kèm và phụ huynh học sinh ở một số các sở giáo dục có mô hình lớp tiền học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Media/1_TH1058/Images/tk.png
Hình ảnh Tọa đàm

Kết quả của buổi tọa đàm đưa ra những khó khăn khi chuẩn bị cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ đi học lớp Một như sau:

          - Một số gia đình không thừa nhận vấn đề của con nên không chuẩn bị kỹ năng tiền học đường cho con và cũng không làm giấy chứng nhận khuyết tật cho con.

          - Bố mẹ dễ thay đổi, dễ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như quảng cáo, tác động từ người khác nên chuyển lớp, chuyển nơi can thiệp khiến cho việc can thiệp không được liền mạch, ảnh hưởng tới kết quả giáo dục cũng như động lực và nhiệt huyết của giáo viên.

          - Một số trẻ không làm được hồ sơ khuyết tật, các xã phường thấy trẻ vẫn đi lại nói năng được nên không cấp cho giấy chứng nhận.

          - Do sức ép từ các sở, phòng giáo dục,... không cho phép trẻ ở lại lớp.

          - Một số phụ huynh kì vọng cao đưa trẻ vào trường tiểu học hòa nhập trong khi trẻ rối loạn phổ tự kỉ nặng và nhiều nhà trường chưa có kiến thức cũng như kĩ năng về dạy học hòa nhập trẻ rối loạn phổ tự kỉ.

          - Chương trình tiền học đường ở các cơ sở giáo dục khác nhau thì khác nhau, chưa có đánh giá chất lượng của các chương trình này.

          - Kinh phí cho trẻ tham gia các dịch vụ chuẩn bị vào lớp Một rất nặng về vì trẻ vừa học mầm non, vừa tham gia can thiệp cá nhân, vừa tham gia lớp tiền học đường,…

          Từ thực trạng trên, các nhà quản lí chuyên môn, giáo viên, phụ huynh tham dự tọa đàm đã đưa ra những mong muốn, nguyện vọng sau:

          - Các chính sách của Nhà nước đã ban hành cần được thực thi và có nguồn ngân sách để thực thi.

          - Có các nguồn hỗ trợ kinh phí khác để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

          - Cần một khung chương trình tiền học đường để áp dụng thống nhất tại các cơ sở giáo dục có trẻ rối loạn phổ tự kỉ.

          - Cần có tiêu chuẩn cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ khi vào lớp Một.

          - Cần chế độ cho giáo viên hỗ trợ, giáo dục trực tiếp cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ.

          - Cần tổ chức các khóa tập huấn về giáo dục hòa nhập, dạy học hòa nhập, dạy học các kĩ năng đặc thù cho các cán bộ quản lí, giáo viên trường tiểu học để sẵn sàng nhận trẻ rối loạn phổ tự kỉ đi học hòa nhập.

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới