Tóm tắt kết quả nhiệm vụ nghiên cứu Phát triển bài tập bổ trợ môn Toán và môn Tiếng Việt thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh khuyết tật trí tuệ học lớp 1 hòa nhập

02 tháng 04/2021

1. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở khoa học về bài tập bổ trợ nói chung và bài tập bổ trợ cho môn Toán và môn tiếng Việt thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh khuyết tật trí tuệ (KTTT) học lớp 1 học hoà nhập làm căn cứ để phát triển nguồn học liệu, bài tập bổ trợ phong phú, hữu ích cho nhóm học sinh này tham gia học hoà nhập hiệu quả. 

2. Các nội dung nghiên cứu chính

2.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc xây dựng bài tập bổ trợ môn Toán và môn Tiếng Việt thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh Khuyết tật trí tuệ (KTTT) học lớp 1 hòa nhập;

2.2. Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của việc xây dựng bài tập bổ trợ môn Toán và môn Tiếng Việt thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh KTTT học lớp 1 hòa nhập;

2.3. Phát triển một số bài tập bổ trợ môn Toán và môn Tiếng Việt thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh KTTT học lớp 1 hòa nhập.

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu được tóm lược cụ thể sau đây:

HS KTTT học hòa nhập muốn tham gia học tập và hoàn thành chương trình học theo khả năng đòi hỏi HS cần có những khả năng cơ bản về đọc, viết hoặc tính toán. Đặc biệt mức độ thuần thục của các kỹ năng này của HS KTTT sẽ quyết định sự tham gia và hoàn thành các môn học và nhiệm vụ học tập tại nhà trường.

Môn Toán và Tiếng Việt là hai môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là ở đầu cấp tiểu học. Việc học tập hiệu quả hai môn học này là cơ sở giúp học sinh nói chung và học sinh khuyết tật trí tuệ nói riêng có được những kiến thức và kỹ năng nền tảng, cơ bản để chiếm lĩnh kiến thức ở các môn học khác cũng như kiến thức chung trong xã hội.

Hoạt động khảo sát đã thu được những kết quả cụ thể về hai khía cạnh: 1) Thực trạng khả năng tham gia học tập Toán và Tiếng Việt của học sinh KTTT học hòa nhập lớp 1 (theo chương trình giáo dục phổ thông mới); 2) Thực trạng và nhu cầu xây dựng, sử dụng bài tập bổ trợ cho học sinh khuyết tật trí tuệ lớp 1 học hoà nhập. Theo đó, học sinh KTTT gặp đa dạng các khó khăn trong tham gia học tập cách mạch kiến thức, nội dung kiến thức trong môn Toán và Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới. Nhưng mức độ khó khăn là khác nhau ở mỗi nội dung. Liên quan đến bài tập bổ trợ, GV hoà nhập đánh giá cao vai trò của của bài tập bổ trợ đối với sự phát triển kiến thức và kỹ năng đọc, viết, tính toán cho HS KTTT. Tuy nhiên,  một số vấn đề còn tồn tại khiến cho hoạt động xây dựng và sử dụng bài tập bổ trợ cho HS KTTT còn thiếu hiệu quả: còn một số lượng lớn GV không bao giờ hoặc hiếm khi sử dụng các bài tập bổ trợ trong dạy học hoà nhập cho học sinh KTTT; số lượng bài tập phù hợp với trình độ nhận thức của HS KTTT được sử dụng chưa nhiều; GV chưa biết cách để sử dụng bài tập bổ trợ với HS KTTT như thế nào để đạt được hiệu quả cao.

Bài tập bổ trợ được xây dựng theo hướng phù hợp với khả năng và nhu cầu của HS KTTT. Bài tập bổ trợ môn Toán được chia thành ba dạng: 1) bài tập ở mức độ tư duy cụ thể; 2) bài tập ở mức độ tư duy bán cụ thể/ bán trừu tượng; 3) bài tập ở mức độ tư duy trừu tượng. Nhóm bài tập bổ trợ cho môn Tiếng Việt được chia thành hai nhóm: 1) phát triển kỹ năng đọc và 2) phát triển kỹ năng viết. Nội dung các bài tập được trình bày trong khung; sau đó được phát triển minh hoạ để GV có thể dễ dàng hình dung về đồ dùng và cách thức thực hiện.

Các bài tập được xây dựng chưa được gọi là một hệ thống hoàn chỉnh, bao quát tất cả các khía cạnh nội dung trong chương trình Toán và Tiếng Việt lớp 1. Tuy nhiên, những bài tập đó có thể được coi là những gợi ý cụ thể, nhằm giúp GV có thêm những ý tưởng để xây dựng, sử dụng bài tập bổ trợ với HS KTTT; và HS KTTT có thêm cơ hội được tiếp cận với những dạng bài tập phù hợp với tư duy và sở thích của bản thân. Việc tích cực thực hành nhiều lần các bài tập bổ trợ sẽ giúp hình thành và khắc sâu kiến thức, kỹ năng mà HS KTTT được học tại lớp trong gia đoạn đầu của cấp học tiểu học.

4. Các sản phẩm chính của đề tài

  • Hệ thống bài tập bổ trợ đọc, viết và tính toán cho học sinh khuyết tật trí tuệ học lớp 1 hòa nhập;
  • Sách chuyên khảo Dạy học hòa nhập học sinh khuyết tật trí tuệ;
  • Hệ thống đồ dùng trực quan sử dụng để tổ chức các hoạt động học tâp.
  • Hệ thống đồ dùng trực quan sử dụng để tổ chức các hoạt động học tập

             5. Bài báo đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành

             5.1.  Ngô Thùy Dung, Mai Thị Phương, Lê Thị Tâm (2020), Xây dựng bài tập bổ trợ môn Toán và Tiếng Việt cho học sinh khuyết tật trí tuệ lớp một học tiểu học hòa nhập, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, kỳ 2 tháng 11/2020

5.2. Phạm Hà Thương (2020), Phát triển hiểu biết biểu tượng với việc học đọc và đọc hiểu của học sinh khuyết tật trí tuệ, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, kỳ 2 tháng 11/2020

 

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới