Giáo dục học sinh khuyết tật năm học (2021 – 2022) trong bối cảnh dịch bệnh covid 19

05 tháng 09/2021

Ngày 31/8, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công điện chỉ đạo các sở GD&ĐT tham vấn cho Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh để quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới nếu diễn biến dịch tại địa phương còn phức tạp, dành thời gian để chống dịch, động viên giáo viên tham gia chống dịch theo phân công, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai năm học khi điều khiện cho phép. Những địa phương quyết định lùi thời thời gian bắt đầu năm học so với mốc thời gian quy định của Bộ GD&ĐT có thể kết thúc năm học muộn hơn. Với một năm học được đề cao các giải pháp để sẵn sàng chuyển trạng thái, thích ứng với khó khăn do dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh thành hỗ trợ ngành giáo dục để tìm các nguồn lực tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình khi học sinh chưa thể đến trường.

Đối với học sinh khuyết tật, theo báo cáo cuối năm học 2019 – 2020 của Bộ GD&ĐT cả nước có khoảng 600,000 học sinh khuyết tật các dạng tật học hòa nhập và 12,000 học sinh khuyết tật học chuyên biệt. Học sinh khuyết tật học hòa nhập và chuyên biệt đều là nhóm học sinh gặp nhiều khó khăn trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Để chuẩn bị cho năm học mới 2021 – 2022, các trường chuyên biệt và hòa nhập trên cả nước đang gấp rút triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo việc học tập thuận lợi nhất cho học sinh.

Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia thực hiện phỏng vấn trực tuyến cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật để tìm hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức của nhà trường cũng như các biện pháp nhà trường đang thực hiện để đảm bảo việc dạy và học cho học sinh khuyết tật trong bối cảnh hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh nơi đang là tâm dịch của cả nước, cũng là địa phương có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và nhiều trường chuyên biệt nhất trong cả nước. Theo quyết định số 2999/ QĐ – UBNDTP Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 8 năm 2021 về Kế hoạch thời gian năm học 2021 – 2022; xác định cấp tiểu học bắt đầu năm học từ 8/9/2021; Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên…bắt đầu năm học từ 1/9/2021. Hình thức học tập trực tuyến được áp dụng cho toàn bộ học sinh toàn thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Với hình thức học tập trực tuyến thông qua các ứng dụng, công tác giảng dạy học sinh khuyết tật được xác định gặp nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ từ nhiều phía. Bà Phạm Thị Kim Loan, chuyên viên phụ trách Giáo dục hòa nhập, Phòng GD Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

 

Câu hỏi:  Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch và quyết định hình thức học trực tuyến với học sinh toàn thành phố, Phòng GD Quận 10 đã có những chỉ đạo như thế nào cho nhóm HS khuyết tật học hòa nhập?

Trả lời: Phòng giáo dục Quận 10 đã liên lạc với 02 trường chuyên biệt trên địa bàn quận để xây dựng phương án hỗ trợ nhóm HS khuyết tật học hòa nhập của quận, cụ thể:

+ Giáo viên (GV) trường chuyên biệt thực hiện và hướng dẫn GV hòa nhập xây dựng các video bài học để hỗ trợ học sinh khuyết tật.

+ GV chuyên biệt phối hợp với GV dạy hòa nhập xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân có điều chỉnh: tăng cường phát triển các kĩ năng sống tại gia đình.

+ GV chuyên biệt hỗ trợ tập huấn phụ huynh hướng dẫn cách sử dụng video; hướng dẫn các kĩ thuật hỗ trợ tại gia đình cho HS khuyết tật và tham gia học tập trực tuyến hiệu quả.

+ Khuyến khích GV tăng cường lên kế hoạch dạy học các nội dung đến rèn luyện vận động thô, vận động tinh, kĩ năng sống ứng dụng trong môi trường cuộc sống thực tế và điều kiện sinh hoạt tại gia đình.

+ Năm học 2019 – 2020, Trường chuyên biệt Quận 10 đã trang bị phòng máy tính 10 máy, đưa nội dung sử dụng máy tính và dạy học để học sinh có kĩ năng làm việc với máy tính; đồng thời có hướng xây dựng các nội dung dạy học tiết kĩ năng sống (dinh dưỡng, pha chế…) vào nội dung học tập của HS.

 

Câu hỏi: Sẽ có những khó khăn gì gặp phải trong năm học này với nhóm học sinh khuyết tật học hòa nhập mà các nhà trường cần phải lưu ý để lên phương án hỗ trợ phù hợp?

Trả lời: Một số khó khăn có thể lường trước như:

Điều kiện trang thiết bị học tập của học sinh tại gia đình (máy tính, điện thoại, internet…) có thể không đảm bảo đồng đều nhau.

Năng lực hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ dạy học của phụ huynh tại gia đình cũng khác nhau. Có nhiều phụ huynh học sinh khuyết tật chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh để hướng dẫn con học tập trực tuyến.

Trước những khó khăn như vậy, khả năng hoàn thành các mục tiêu giáo dục và dạy học của HS khuyết tật có thể sẽ không đạt được như kì vọng.

Media/1_TH1058/Images/t1jpg.jpg
Theo số liệu thống kê năm học 2020 – 2021 của Phòng giáo dục Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh tổng số học sinh khuyết tật học hòa nhập các cấp học của quận có 02 trường chuyên biệt (trong đó 01 trường công lập) với tổng số 134 học sinh khuyết tật ở độ tuổi mầm non, 81 học sinh khuyết tật ở độ tuổi tiểu học. Quận có 33 trường hòa nhập các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở với tổng số là 315 học sinh, trong đó có 21 học sinh khuyết tật học hòa nhập trường mầm non, 151 học sinh học hòa nhập các trường Tiểu học và 143 học sinh khuyết tật học hòa nhập các trường Trung học cơ sở.

 

Tình hình thực hiện hoạt động dạy học trực tuyến cũng như các biện pháp hỗ trợ giáo viên, học sinh tại Trung tâm Giáo dục hòa nhập Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng được bà Hà Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm cho biết:

Câu hỏi: Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng và nhu cầu học tập của học sinh Khuyết tật trí tuệ tại TT, TT đã thực hiện các hình thức hỗ trợ gì?

Trả lời: Do tình hình dịch bệnh bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh Trung tâm bắt đầu nghỉ từ 5/5/2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, và trước yêu cầu cần được hỗ trợ của học sinh tại trung tâm, trung tâm đã triển khai hỗ trợ theo từng bước với học sinh:

- GV gọi điện thoại liên lạc hỗ trợ phụ huynh; hướng dẫn một số cách sử dụng các nền tảng học trực tuyến tại gia đình.

- Sau khi trao đổi, thu thập thông tin của HS từ phụ huynh, GV lên kế hoạch bài dạy trong tuần, tháng và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh (vì nghỉ nhiều tháng, HS có thể bị thoái lui nhiều kỹ năng so với thời gian đi học trực tiếp tại trung tâm).

- GV quay các video hướng dẫn thực hành phát triển các kĩ năng cho học sinh; gửi cho phụ huynh và hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ tương tác cùng con.

- Sử dụng Google Meetting để thực hiện các tiết dạy online trực tuyến để học sinh có thể nhìn thấy gương mặt quen thuộc của giáo viên, nhìn thấy các bạn (để tăng sự hào hứng khi học); quan sát các hoạt động mà cô hướng dẫn; các tiết dạy có yêu cầu phụ huynh ngồi cùng con hỗ trợ.

 

Câu hỏi: Khó khăn gặp phải khi thực hiện phương án hỗ trợ trên?

Trả lời: HS gặp khó khăn khi chưa quen với việc tương tác qua màn hình máy tính, điện thoại, ipad. Ban đầu hoạt động khó đạt được mục đích hỗ trợ. Về sau khi học sinh quen với hình thức học, kiên trì hơn và có khả năng theo dõi, tương tác cùng GV. Phụ huynh đóng vai trò rất lớn trong quá trình hỗ trợ này. Phụ huynh gần như thay thế hoàn toàn vai trò của GV như tương tác trực tiếp nên cần phụ huynh kiên trì, theo dõi đầy đủ, có phản hồi kịp thời với GV để cùng tìm ra cách thực hiện phù hợp hiệu quả nhất với từng học sinh.

 

Câu hỏi: Có việc thất bại 100% với một lớp khi không có một học sinh nào có thể tương tác bằng hình thức online hay không?

Trả lời: Không. Bạn có thể thu hút được số rất ít học sinh tham gia (1-2 HS/ 15- 16 HS), có những HS nhìn thấy cô trên màn hình là la hét, khóc gào, nhiều HS thể hiện hành vi không hợp tác, nhưng vẫn lén quan sát và đôi lúc lắng nghe. Tuy nhiên, sau khoảng 10 buổi số lượng HS tham gia tương tác sẽ nhiều hơn, mục tiêu 50% số HS trong lớp tham gia là thành công.

GV cần báo trước với phụ huynh một số tình huống sẽ gặp phải khi tham gia các giờ học online, ví dụ: từ chối học, khóc, la hét… Giáo viên cần có các chiến thuật dạy học phù hợp để thu hút HS quan tâm bằng cách sử dụng nhiều ứng dụng dạy học trực tuyến có âm thanh, màu sắc hình ảnh và học sinh có thể tương tác trực tiếp trên thiết bị.

 

 

Media/1_TH1058/Images/t2jpg.jpg

 

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhận quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2021 – 2022 hiện có 135 học sinh khuyết tật trí tuệ và tự kỷ theo học.

 

Media/1_TH1058/Images/t3jpg.jpg

Clip hướng dẫn hoạt động kĩ năng sống cho học sinh khuyết tật trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ của Trung tâm:

ttps://www.facebook.com/cafesangvoivtv3/videos/1014066209346485

Thực hiện văn bản số 1277/ SGDĐT – DGTN – DGMN của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, kí ngày 30 tháng 8 năm 2021 về việc tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid 19, xác định hình thức dạy học trực tuyến qua các phần mềm dạy học như K12 online, zoom meetings, Google meet, VioEdu. Thời gian bắt đầu năm học các cấp từ ngày 15/9/2021. Theo căn cứ này, học sinh khuyết tật học hòa nhập của tỉnh Đắk Lắk sẽ học tập theo hình thức trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng phòng giáo dục hòa nhập công tác xã hội của Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN tỉnh Đắk Lắk cho biết:

 

Câu hỏi: Nếu học tập bằng hình thức online trong năm học 2021 – 2022, sẽ có những khó khăn gì với học sinh khuyết tật học hòa nhập?

Trả lời: Đối với việc học trực tuyến cho học sinh khuyết tật của trung tâm có những khó khăn như về trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh và đường truyền internet. Đa phần học sinh khuyết tật của một số địa phương như: Dang Kang, xã Yang Reh, Xã Hòa Phong, huyện krông Bông; xã Cư Dliê M'nông, Ea H'đing, Ea Kiết, EaKpam, Ea M'Droh, Quảng Hiệp, Quảng Tiến, Cưm'gar…đều là những gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo, kinh tế khó khăn nên gia đình không có các thiết bị thông minh và đường truyền internet. Thứ hai, sự hỗ trợ hạn chế từ phía phụ huynh. Phụ huynh nhiều người không biết chữ, không sử dụng các thiết bị thông minh nên không thể hỗ trợ con học online. Thêm vào đó, với học sinh khuyết tật nghe nói, khi học trực tuyến, học sinh khó quan sát đọc hình miệng; học sinh khiếm thị ở gia đình lại không có sách giáo khoa chữ nổi.

 

Câu hỏi: Về phía trung tâm trước những khó khăn như vậy đã có hướng giải quyết như thế nào?

Trả lời: Trên thực tế, năm học chưa thực sự bắt đầu nên chưa lường hết những khó khăn của nhóm HS khuyết tật học hòa nhập. Trung tâm đã thực hiện một số phương án: Tập huấn online cho GV hòa nhập; Hướng dẫn cách xây dựng bài tập, phiếu giao việc chuyển về cho Phụ huynh; Hỗ trợ GV hòa nhập và CBQL cách điều chỉnh trong dạy học trực tuyến đối với từng dạng tật.

 

Media/1_TH1058/Images/t4jpg.jpg
Hàng năm, Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Lắk thực hiện công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập khoảng từ 154 – 225 học sinh học hòa nhập các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Năm học 2021 – 2022, ngoài số học sinh đã được hỗ trợ từ những năm học trước đã được bàn giao cho các trường hòa nhập có 90 học sinh mới được ra hòa nhập năm học này. Công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Lắk được coi là công tác trong yếu tạo nên chất lượng giáo dục hòa nhập của toàn tỉnh được ghi nhận trong suốt nhiều năm.

 

Đối với thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh trên toàn thành phố sẽ bắt đầu năm học từ ngày 6/9/2021, với hình thức học trực tuyến. Cô Trịnh Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh (Thợ Nhuộm) cho biết công tác chuẩn bị của nhà trường năm học mới như sau:

 

Câu hỏi: Trước năm học mới nhà trường đã có những công tác chuẩn bị nào?

Trả lời: Nhà trường đã chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh từ rất sớm. Nhà trường đã dự kiến hình thức học tập online cho học sinh toàn trường nên đã có một số công tác chuẩn bị từ cuối năm học (2020 – 2021), cụ thể: Tập huấn cho GV về hình thức dạy học trực tuyến; ứng dụng các phần mềm trong thiết kế tổ chức dạy học; Xây dựng hệ thống quản lý dạy học trực truyến dựa trên nền tảng một số phần mềm thông dụng; Xây dựng kế hoạc bài dạy, Kế hoạch giáo dục cho nhóm học sinh có cùng trình độ theo hướng điều chỉnh hình thức dạy học và hình thức đánh giá; Tập huấn cho phụ huynh cách tiếp cận với học trực tuyến; hỗ trợ học tập cho học sinh tại nhà qua nhóm Zalo của lớp; triển khai các kế hoạch hỗ trợ dựa trên cơ chế giao việc của GV.

 

Câu hỏi: Trước khai giảng nhà trường có thực hiện khảo sát nhu cầu mong muốn của phụ huynh trước thực tế học tập bằng hình thức online?

Trả lời: Ngày 21/8/2021 nhà trường tổ chức cuộc họp trực tuyến với phụ huynh toàn bộ các lớp các khối thực hiện việc “chuẩn bị tâm thế cho phụ huynh”. Từ đó nhà trường ghi nhận được những khó khăn, vướng mắc từ phía phụ huynh để có phương án giải quyết kịp thời trước năm học. Phụ huynh về cơ bản đồng thuận với phương án dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, còn một số phụ huynh e ngại về khả năng học online của các con, hiệu quả cũng như năng lực hỗ trợ của chính mình đối với việc học tập trực tuyến của các con.

Media/1_TH1058/Images/t5jpg.jpg

 

Media/1_TH1058/Images/t6jpg.jpg
Trường tiểu học Bình Minh (80 Thợ Nhuộm) ra đời từ năm 1993, với chức năng dạy học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập và học sinh tiểu học của thành phố Hà Nội. Nhà trường chia hai khối học sinh: khối Tiểu học và khối Giáo dục đặc biệt.  Năm học 2021 – 2022, khối Giáo dục đặc biệt của nhà trường có hơn 200 học sinh khuyết tật trí tuệ. Ngày 1/9/2021, trường Tiểu học Bình Minh đã tổ chức tựu trường theo hình thức trực tuyến.
Media/1_TH1058/Images/t7jpg.jpg

 

Năm học 2021 – 2022 đang diễn ra trong một bối cảnh khác biệt. Giáo dục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình dịch bệnh, học sinh học tập trực tuyến là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Giáo dục học sinh khuyết tật cũng không nằm ngoài vấn đề trên. Từ thực tế tại các cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật cũng như kinh nghiệm trong thời gian qua, để đảm bảo hiệu quả giáo dục, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và hình thức học tập trực tuyến cần làm tốt các công việc sau:

  1. Đảm bảo sự phối hợp của phụ huynh: Đây là yếu tố đóng vai quan trọng trong việc đảm bảo học tập có hiệu quả đối với học sinh khuyết tật. Phụ huynh cần hiểu được các nguyên tắc học tập trực tuyến, cách hỗ trợ và thực hiện theo những hướng dẫn của giáo viên. Phụ huynh phối hợp, đưa ra các phản hồi thường xuyên với giáo viên về tình hình học tập của học sinh, cũng như dành nhiều thời gian hỗ trợ cho học sinh tại gia đình.
  2. Đảm bảo trang thiết bị và đường truyền internet: Với việc học tập trực tuyến các thiết bị và điều kiện cần được đảm bảo tối thiếu. Với một số trường hợp do thiếu thốn thiết bị, mạng internet, các nhà trường cần chủ động có phương án thay thế hoặc cải thiện để đảm bảo học sinh được học tập.
  3. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học của GV: GV cần được trang bị các kiến thức, kĩ năng và cập nhật các phần mềm ứng dạy học trực tuyến, thiết kế kịch bản dạy học hấp dẫn, phù hợp và thu hút đối với học sinh.
  4. Tăng cường sự chủ động của các nhà trường: Việc dạy học trực tuyến cần được lên kế hoạch chi tiết, cụ thể, trao đổi thống nhất giữa các bên liên quan. Nhà trường cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến, liên hệ với phụ huynh học sinh, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ nhà trường, giáo viên triển khai được hoạt động dạy học trực tuyến phù hợp nhất với nhu cầu, đặc điểm của học sinh khuyết tật.

 

Th.S Phạm Hà Thương

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới