Hãy chung tay vì một cộng đồng thân thiện với Người tự kỉ

01 tháng 04/2025

Ngày 2 tháng 4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày “Thế giới nhận thức về tự kỉ” nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cho những người mang khuyết tật này. Tại Việt Nam, Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam cũng thường tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỉ.

Ngày 30 tháng 3 năm 2025, TS. Nguyễn Văn Hưng, trưởng phòng Giáo dục Người rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã tham dự Đại hội thể thao thân thiện lần thứ 7 do Mạng lưới Người Tự kỷ Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Người tự kỷ. Đại hội thể thao đã diễn ra rất sôi động và thành công tốt đẹp với sự tham gia của rất nhiều gia đình và các con có rối loạn phổ tự kỉ.

 
Media/1_TH1058/Images/screenshot-2025-04-01-114707.png

Hiện nay tự kỉ đang ngày càng gia tăng và gia tăng rất nhanh ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam. Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đưa ra ước tính về tỉ lệ trẻ mắc tự kỉ như sau: Năm 2004 là 1/166; Năm 2010 là 1/110; Năm 2016 là 1/68; Năm 2018 là 1/59; Năm 2020 là 1/54 và Năm 2023 là 1/36. Ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỉ ở Việt Nam là khoảng 0,5 – 1% (Trần Văn Công & Nguyễn Thị Hoàng Yến, 2017).

Tự kỉ ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân tộc và kinh tế xã hội, không phân biệt giàu nghèo. Can thiệp sớm mang lại cơ hội tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh và mang lại lợi ích trong suốt cuộc đời người tự kỉ. Vậy nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỉ là gì?

  • Nghiên cứu chỉ ra rằng di truyền có liên quan đến phần lớn các trường hợp mắc rối loạn phổ tự kỉ.
  • Trẻ em sinh ra từ cha mẹ lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tự kỉ cao hơn.
  • Các bậc cha mẹ có con bị rối loạn phổ tự kỉ có từ 2 đến 18% khả năng sinh con thứ hai cũng bị ảnh hưởng.
  • Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số các cặp song sinh cùng trứng, nếu một đứa trẻ mắc chứng tự kỉ, thì đứa trẻ kia sẽ bị ảnh hưởng khoảng 36 -95%. Ở những cặp song sinh khác trứng, nếu một đứa trẻ mắc chứng tự kỉ, thì đứa trẻ kia sẽ bị ảnh hưởng khoảng 31%.

Thực tế Người có rối loạn phổ tự kỉ cũng có nhiều điểm mạnh và có những năng lực nổi trội nếu được phát hiện và hỗ trợ để phát triển. Bên cạnh đó, họ cũng rất cần được cộng đồng hỗ trợ để giúp họ hòa nhập tốt hơn do có những khó khăn về  giao tiếp và tương tác xã hội cùng những hành vi, sở thích cứng nhắc, rập khuôn. Rối loạn phổ tự kỉ đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội và sẽ luôn là một bộ phận của xã hội, vì vậy, chúng ta hãy cùng chung tay giúp đỡ và hỗ trợ họ để họ được phát triển tốt nhất.

 

Nguồn tham khảo:

https://www.autismspeaks.org/autism-statistics-asd

Trần Văn Công & Nguyễn Thị Hoàng Yến (2017). Tỉ lệ trẻ rối loạn phổ tự kỷ: Những con số thống kê. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, 62(9AB), 322-330.

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới