HỘI THẢO QUỐC TẾ HƯỚNG TỚI CẢI THIỆN TIẾP CẬN VÀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC DÀNH CHO NGƯỜI ĐIẾC HÃY NẮM TAY NHAU- LET US UNITE

06 tháng 10/2024

Trong hai ngày 26 & 27 tháng 09 năm 2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Hướng tới cải thiện tiếp cận và chất lượng giáo dục dành cho người điếc “Hãy Nắm Tay Nhau – Let Us Unite!”.

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên về giáo dục cho người điếc được tổ chức với sự phối hợp giữa Hiệp hội Vì Giáo Dục Cho Mọi Người Việt Nam (VAEFA), Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia (NCSE) - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Vận động Thành lập Hội người Điếc Việt Nam.

Hội thảo vinh dự đón tiếp các đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, Viện KHGD Việt Nam; các tổ chức quốc tế: Liên đoàn Người Điếc Thế giới, Angels’ Haven, Nippon Foundation Đông Nam Á; các chuyên gia người điếc và người nghe đến từ Philipin, Mông Cổ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông; các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường Đại học, Cao đẳng và Viện nghiên cứu của Việt Nam.

Hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà chuyên môn là đại diện cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (bao gồm cả người điếc và người nghe), chuyên viên, kỹ thuật viên làm việc với trẻ điếc/khuyết tật nghe, nói của hơn 50 cơ sở chăm sóc, giáo dục người điếc. Đặc biệt Hội thảo còn có sự tham gia của cha mẹ trẻ điếc/nghe kém, học sinh điếc và đại diện các trường, các tổ chức thành viên trong mạng lưới VAEFA, các tổ chức xã hội của và vì người khuyết tật.

Để việc truyền tải thông tin được thuận lợi, thông suốt, đảm bảo tiếp cận đối với người điếc, Hội thảo đã sử dụng các ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, các ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam, ngôn ngữ kí hiệu Mỹ, Nhật và Mông Cổ (với sự hỗ trợ của 6 phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) Việt Nam, Mông Cổ và NNKH Quốc tế tại hội trường).

Trong lễ khai mạc, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ GD-ĐT biểu dương và ghi nhận những cố gắng to lớn của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trên mọi miền Tổ quốc và cảm ơn các tổ chức trong và ngoài nước, các cá nhân đã có những đóng góp to lớn cho giáo dục học sinh khuyết tật trong những năm qua; đồng thời nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của các vấn đề được trao đổi tại Hội thảo không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển giáo dục người điếc/ nghe kém, nói mà góp phần quan trong trọng việc đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho mọi người khuyết tật Việt Nam.

Hội thảo diễn ra với 02 phiên tổng thể với 13 báo cáo tập trung vào 02 nội dung chính sau:

- Hiểu về ngôn ngữ ký hiệu và định hướng phát triển ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam

- Một số yếu tố đảm bảo tiếp cận và chất lượng giáo dục dành cho người điếc tại Việt Nam.

Với sự tham gia của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, Hội thảo nhận được hơn 50 ý kiến trao đổi, thảo luận chủ yếu vào các vấn đề: Quyền tiếp cận NNKH và vai trò của NNKH, nghiên cứu ngôn ngữ học về các NNKH tại Việt Nam, phát triển ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu học và dạy; các yếu tố đảm bảo tiếp cận và chất lượng giáo dục như chương trình và phương pháp dạy học, học liệu, thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu và mô hình giáo dục song ngữ đảm bảo tiếp cận giáo dục cho người điếc ở các cấp học cũng như nhu cầu học lên cao.

Các vấn đề thực tiễn nhận được sự quan tâm của Hội thảo là khảo sát, thu thập số liệu người học là người điếc tại Việt Nam và thực hành tốt về các yếu tố đảm bảo tiếp cận và chất lượng giáo dục (bao gồm cả vai trò của cha mẹ, phương pháp của giáo viên).

Hội thảo lắng nghe các kinh nghiệm quốc tế trong quá trình can thiệp sớm và dịch vụ hỗ trợ trẻ điếc tại Mông cổ và vai trò của cha mẹ, xây dựng Dự thảo Luật NNKH tại Mông Cổ, thúc đẩy thành công trong học tập của học viên người điếc ở Philippine thông qua nghiên cứu, ngôn ngữ học, giáo dục lấy người điếc làm trung tâm; kinh nghiệm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người điếc học hòa nhập của Đại học Hồng Kông; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy người điếc (Viện công nghệ Rochester Mỹ).

Trong thời gian giữa các phiên trong Hội thảo, các đại biểu dành thời gian tham quan các bàn trưng bày tài liệu, tranh ảnh, tờ rơi, standee của các trường/đơn vị dạy trẻ điếc, dự án giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên người điếc Bodytalk, Chi hội người Điếc Hà Nội, Ban Vận động thành lập Hội người Điếc Việt Nam và Hiệp hội Giáo dục Cho Mọi Người Việt Nam. Đây cũng là nơi để các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, thầy cô, cha mẹ giao lưu và trao đổi kinh nghiệm.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Linh, đại diện Ban Vận động Thành lập Hội Người Điếc Việt Nam nhấn mạnh: “Các NNKH tại Việt Nam cần được phát triển sử dụng trong giáo dục và cuộc sống – việc này cần sự chung tay của các bên”. Thay mặt Ban Tổ chức, ông Linh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu, bày tỏ Hội thảo có ý nghĩa to lớn - đây là diễn đàn diễn trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục dành cho người điếc tại Việt Nam.

Một số hình ảnh của hội thảo:

Media/1_TH1058/Images/1ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/4ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/8ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/27ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/46ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/25ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/24ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/23ajpg.jpg
Media/1_TH1058/Images/36bjpg.jpg

Mọi thông tin liên lạc xin vui lòng liên hệ với:

Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia

Địa chỉ: 62 Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: ThS. Phạm Thị Trang - 0944990226

Email: trangpham168@gmail.com

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới