Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục”

19 tháng 03/2024

Ngày 14/3/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (NATCOM) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.  

Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng; bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cùng các chuyên gia giáo dục; GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện. Ngoài ra, các đại biểu tham dự là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các bên liên quan đến từ Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGOs trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, và các tổ chức của/vì người khuyết tật.

Media/1_TH1058/Images/0e2d4a20-c/1.jpg

Hình ảnh 1: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến: (1) Công bằng giáo dục - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện; (2) Các bước xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục; (3) Vai trò của kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; (4) Kinh nghiệm và thực tiễn về công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục; (5) Kế hoạch chiến lược giáo dục ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam nhấn mạnh rằng đến nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG4), bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và hòa nhập, cũng như cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau; mọi hệ thống giáo dục cần phải phấn đấu vì sự công bằng, hòa nhập và chất lượng.

Media/1_TH1058/Images/4dfc6a8e-9/2.jpg

Hình ảnh 2: Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam

 phát biểu tại hội thảo

Chương trình hội thảo gồm hai phiên, Phiên 1 “Xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục” diễn ra với sự điều phối của bà Miki Nozawa - Trưởng Chương trình Giáo dục UNESCO Việt Nam và GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN. Phiên 2 “Nền giáo dục công bằng - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện” do GS.TS. Nguyễn Hữu Châu - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện KHGDVN điều hành.

Media/1_TH1058/Images/ea3db179-0/3.jpg

Hình ảnh 3: GS.TS. Nguyễn Hữu Châu - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện KHGDVN điều hành hội thảo

Tại hội thảo đã có rất nhiều bài tham luận được trình bày như “công bằng, hòa nhập và bình đẳng giới hướng tới chuyển đổi hệ thống giáo dục”; “Tư duy tương lai về lập kế hoạch chiến lược giáo dục: một chiến lược thiết yếu cho giáo dục công bằng và chất lượng”; “Vai trò của giáo dục người lớn trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và đảm bảo công bằng và hoà nhập”

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGDVN đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tham luận “Triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Giải pháp thực hiện công bằng giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam”. Báo cáo chỉ ra thực trạng Thực trạng giáo dục người khuyết tật; Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục dành đối với người khuyết tật thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Giải pháp thực hiện quy hoạch.

Media/1_TH1058/Images/46bf9a5f-f/4.jpg

Hình ảnh 4: TS. Nguyễn Thị Kim Hoa trình bày bài tham luận tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến liên quan đến các giải pháp đảm bảo đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật, trao quyền và tăng cường năng lực của các tổ chức của/vì người khuyết tật, những ảnh hưởng của AI và công nghệ mới tới chính sách giáo dục trong tương lai,…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện KHGDVN trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGOs, các tổ chức dân sự xã hội, các chuyên gia và các nhà giáo dục đã quan tâm, tham dự và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích tại Hội thảo này. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức và cá nhân quan tâm sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà khoa học Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược giáo dục và thúc đẩy sự đảm bảo công bằng và hòa nhập trong giáo dục của Việt Nam.

Media/1_TH1058/Images/a5c7fb1a-b/5.jpg

Hình ảnh 5: Các đại biểu tham dự tại hội thảo

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới