KHẢO SÁT THỰC TRẠNG HỖ TRỢ HÀNH VI TÍCH CỰC CHO HỌC SINH CÓ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN HỌC LỚP 1 HÒA NHẬP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

31 tháng 03/2025

Từ ngày 25/03/2025 đến ngày 27/03/2025, nhóm thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, mã số B2024.VKG.11: "Vận dụng mô hình PBIS hỗ trợ học sinh lớp 1 có rối loạn phát triển học hòa nhập", thuộc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã tiến hành khảo sát thực trạng tại 6 trường tiểu học ở quận Bình Tân và Tân Phú thành phố Hồ Chí Minh.

Media/1_TH1058/Images/987a48d2-e/picture3.png

Hình 1. Các giáo viên và phụ huynh tại một trường tiểu học tại quận Tân Phú

tham dự khảo sát

Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục và Đào tạo 2 quận Bình Tân và Tân Phú, đề tài đã tìm hiểu thực trạng hỗ trợ hành vi tích cực cho học sinh lớp 1 có rối loạn phát triển (RLPT) học hòa nhập trên cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ/người chăm sóc thông qua các hình thức trả lời phiếu hỏi, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu, quan sát lớp học, thống kê dữ liệu từ nhà trường. Số liệu cụ thể như sau:

  • 120 ý kiến từ giáo viên giảng dạy học sinh lớp Một có RLPT
  • 30 ý kiến từ phụ huynh có con RLPT học hòa nhập
  • 18 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh RLPT
  • 6 cuộc thảo luận nhóm với giáo viên giảng dạy học sinh lớp Một có RLPT
  • Quan sát trực tiếp 6 tiết học có sự tham gia của học sinh lớp Một có RLPT
  • Thu thập 6 bảng thống kê từ cán bộ quản lý về thực trạng tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm hỗ trợ hành vi tích cực cho học sinh.

Hình 2. Một giờ dạy học của Giáo viên tại trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh

Bước đầu, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy hỗ trợ hành vi tích cực cho học sinh có rối loạn phát triển đã được quan tâm đưa vào nội dung giáo dục năm học của nhà trường, lớp học và được thực hiện lồng ghép thông qua các giờ học tập trải nghiệm như: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chuyên đề của lớp học, giờ sinh hoạt lớp, đồng thời có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục hành vi tích cực cho trẻ. Tuy nhiên, các kỳ vọng về hành vi tích cực của học sinh chưa được cụ thể hóa, hình ảnh hóa để phù hợp với đặc điểm nhận thức, ngôn ngữ của học sinh. Bên cạnh đó giáo viên, cha mẹ học sinh đều chưa được tập huấn có hệ thống về giáo dục hòa nhập học sinh RLPT cũng như hỗ trợ hành vi tích cực cho các em. Do vậy, giáo viên và cha mẹ đều mong được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu để hiểu hơn về đối tượng học sinh RLPT, nội dung, cách thức hỗ trợ hành vi tích cực cho các em. Ngoài ra, giáo viên, cha mẹ đều mong đợi được cung cấp, tiếp cận tài liệu về việc hỗ trợ hành vi tích cực cho học sinh RLPT dưới nhiều hình thức khác nhau: tài liệu giấy, tài liệu số, và được đi tham quan học hỏi từ các đơn vị bạn để từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập cho học sinh RLPT, góp phần cải thiện khả năng hòa nhập cộng đồng cho các em.

 

Nhóm khảo sát đề tài tại thành phố Hồ Chí Minh

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới