PHẢN ÁNH THỰC TRẠNG TIẾP CẬN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

22 tháng 08/2023

Phản ánh thực trạng tiếp cận dịch vụ ngân hàng dưới góc nhìn của người khuyết tật

 

Hiện nay, với sự vào cuộc của ngân hàng nhà nước và các bên liên quan, người khuyết tật đã phần nào giải quyết được vấn đề trong việc mở tài khoản và phát hành thẻ ngân hàng. Vì vậy, số lượng người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, rào cản bất cập chưa thể giải quyết một cách dứt điểm. Điều đó, dẫn tới việc, người khuyết tật gặp khó trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Cụ thể, những khó khăn đó bao gồm: hệ thống ATM chưa thân thiện với người khuyết tật, chưa có lối đi dành cho người sử dụng xe lăn, bàn phím ATM chưa có chữ nổi (chữ braille) và chưa có hỗ trợ điều hướng bằng âm thanh hay đọc màn hình để người khiếm thị có thể thao tác, cấu tạo của các máy ATM khác nhau, vị trí cắm thẻ khác nhau, bố cục các phím chức năng khác nhau dẫn đến việc người khiếm thị rất bối rối, dễ bị thao tác sai. Từ đó, ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ ngân hàng của người khiếm thị.

Ngoài ra, Việc các ứng dụng ngân hàng trên di động hay các website của ngân hàng không đáp ứng khả năng tiếp cận, tính thân thiện chưa cao cũng là rào cản gây cản trở việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật vì bản thân các phần mềm đọc màn hình không thể đọc được nội dung đồ họa mà chỉ có đọc được dạng text. Vì vậy, việc các website của ngân hàng yêu cầu xác thực bằng mã capcha dẫn tới việc người khuyết tật sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách bị động và phải phụ thuộc vào người thứ ba để hỗ trợ họ trong việc giao dịch. Chưa kể, việc định danh hay mở tài khoản trực tiếp tại quầy cho người khuyết tật vẫn phải cần có người giám hộ. Điều này, khiến cho họ phụ thuộc vào người khác nhiều hơn là chủ động trong việc quản lý tài chính của mình.

Mặt khác, nhiều ngân hàng cho rằng, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói trung cần phải có người giám hộ để phòng tránh những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, việc có người giám hộ chưa chắc đã đảm bảo an toàn tuyệt đối khi người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng mà còn khiến cho họ phụ thuộc hơn vào người giám hộ, đồng thời, giảm bớt quyền lợi của chủ thẻ (khách hàng khuyết tật). Chưa kể một vài nguyên nhân khác như đa phần người khiếm thị hay người khuyết tật đều ở xa gia đình và họ đang học tập, làm việc ở các thành phố lớn. Nếu yêu cầu người giám hộ là anh chị, cha mẹ, ông bà,... thì không thể còn nếu là bạn bè thì càng không vì một khi đã là người ngoài thì không thể tin tưởng được. Ngay cả người nhà còn rất khó tin chứ nói chi là người ngoài. Trong khi đó, yêu cầu của ngân hàng là phải giữ an toàn, bảo mật cho chủ thẻ. Nếu chỉ có ngân hàng và chủ thẻ thì mọi giao dịch sẽ được giữ bí mật nhưng nếu có thêm người giám hộ thì tức là tài khoản đó có người thứ ba can thiệp.  Một khi có người thứ ba can thiệp thì khả năng lộ thông tin cá nhân, mất an toàn và rủi ro sẽ tăng chứ không hề giảm. Nếu tài khoản của bạn bị người thân quản lý thì khi họ biết mật khẩu hay mã pin thì họ sẽ rút tiền tùy tiện của bạn bất kể bạn là chủ thẻ. Vì vậy, có người giám hộ hay ủy quyền là điều không cần thiết.

Bản thân tôi là một người khuyết tật đã sử dụng dịch vụ ngân hàng hơn hai năm nay, tôi không đồng ý với bất cứ những lý do nào mà các ngân hàng đưa ra hay những gì họ đang làm với người khuyết tật. Đó là sự kì thị, phân biệt đối xử và tước đi quyền lợi của người khuyết tật. Tài khoản của mình mà mình chỉ sở hữu trên danh nghĩa thì không thể chấp nhận được. Tôi thật sự cảm thấy rất bức xúc về vấn đề này. Để chứng minh cho những luận điểm của tôi là đúng, tôi đã xin lại bài viết được đăng trên báo VNExpress về câu chuyện lùm xùm giữa anh Hà Văn Đông với Vietcombank vài năm về trước để đọc lại và vô tình lướt xuống dưới xem ý kiến của độc giả thì thật bất ngờ, tất cả mọi người đều nghĩ rằng ngân hàng không cho người khiếm thị mở thẻ và các dịch vụ khác như internet banking là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải bàn cãi. Nhưng họ có biết rằng, quyền được sử dụng dịch vụ ngân hàng là chính đáng khi mà người khiếm thị không thể cứ cầm một xấp tiền trên tay được vì dễ bị lẫn lộn với các tờ tiền với nhau rất khó để phân biệt. Trong khi đó, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là rất phù hợp với người khiếm thị.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kì ngân hàng nào đáp ứng đủ điều kiện để người khuyết tật có thể tiếp cận với các dịch vụ của họ. Chưa kể, các nước phát triển trên thế giới như Singapore, Palestine, Mĩ và Ấn Độ đã cho phép người khuyết tật sử dụng ngân hàng để góp phần thu hẹp khoảng cách, tránh thái độ kì thị phân biệt đối xử với người khuyết tật. Nhiều người nghĩ rằng, quy định của ngân hàng là đúng không hề sai vì lý do họ bảo vệ tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Thế nên, không có chuyện là cấm đoán sử dụng hay bảo vệ ở đây. Tôi khẳng định lại một lần nữa, đây là sự kì thị phân biệt đối xử rõ ràng vì theo luật người khuyết tật 2010 có ghi rõ: người khuyết tật có quyền tiếp cận các dịch vụ của xã hội như CNTT, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông như bao nhiêu người khác. Thế nên không có chuyện là làm như thế sẽ tốt cho chủ thẻ.

Bất kì ai giới hạn quyền của người khuyết tật phải chịu trách nghiệm hình sự chứ không phải là chỉ phạt hành chính. Chúng tôi không cần sự thương hại của xã hội mà điều chúng tôi cần là được đối xử một cách công bằng, bình đẳng, được trao cơ hội hòa nhập với cộng đồng chứ không phải là biện lý do để cản trở quá trình hòa nhập cũng như bao biện cho hành vi thiếu tính nhân văn đó. Đây là hành động hạn chế quyền lợi, năng lực của người khuyết tật, làm cản trở sự hòa nhập của người khuyết tật cần lên án mạnh mẽ. Đây là những ý kiến thiếu tính khách quan, thiếu căn cứ, thiếu cơ sở để kết luận đúng đắn và hầu hết những độc giả này đều có cái nhìn phiến diện, không hiểu biết gì về luật người khuyết tật cũng như người khuyết tật. Thế nên, họ mới có phát ngôn thiếu suy nghĩ như thế. Tôi cảm thấy, rất phẫn nộ về những ý kiến mà họ để lại dưới bài báo. Chính vì vậy, mới dẫn tới việc các ngân hàng càng ngày làm khó người khuyết tật như chúng tôi hơn. Thế nên, tôi nghĩ những phát ngôn của họ là gây ảnh hưởng tới cộng đồng người khuyết tật, gây tổn thương và giảm bớt quyền lợi chính đáng được sử dụng dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật. Tôi cảm thấy, rất bất bình về vấn đề trên.

Tôi không thể chấp nhận được những ý kiến phản hồi từ những độc giả đó. Những phát ngôn của họ không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân tôi mà ảnh hưởng tới cộng đồng người khuyết tật. Vì vậy, tôi mong là sau này họ sẽ tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định để phán xét một ai đó hay bàn luận về một vấn đề nào đó chỉ vì không đủ kiến thức nên suy xét từ bụng ta ra bụng người. Nhiều người thường lấy tầm hiểu biết của họ ra để áp đặt lên người xung quanh, họ cho rằng, ai cũng chỉ như mình. Việc người khuyết tật sử dụng tài khoản ngân hàng là điều vượt xa tưởng tượng của họ. Thực tình mà nói, đây là vấn đề đã tồn tại từ bao nhiêu năm nay rồi chứ không phải tới bây giờ mới đề cập. Vì vậy, mọi thứ vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể. Vẫn còn tình trạng người khuyết tật bị nhân viên ngân hàng gây khó dễ chỉ vì lý do người khuyết tật không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tôi không hiểu, tại sao chỉ vì chúng tôi là người khiếm thị mà lại bị cấm sử dụng dịch vụ ngân hàng và tôi cũng không hiểu tại sao những độc giả đó lại có ý kiến như vậy? Có lẽ, họ chưa từng tiếp xúc với người khiếm thị hay người khuyết tật thì mới có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, cho dù là vô tình hay cố ý thì họ cũng không nên làm khó người khuyết tật. Đây là những ý kiến mang tính miệt thị cao nên tôi nghĩ, cần phải chấn chỉnh ngay và thay đổi nhận thức của họ về chúng tôi. Có lẽ, nhiều người đọc bài viết này của tôi sẽ cảm thấy bất bình. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào hoàn cảnh của người khuyết tật như chúng tôi thì bạn đọc sẽ có cái nhìn khác, nhưng tới thời điểm hiện tại, tất cả độc giả đều bênh vực phía nhân viên ngân hàng.

Hầu hết, mọi người đều cho rằng những yêu cầu như chỉ được giao dịch tại chi nhánh nơi mở thẻ và mỗi lần giao dịch phải đi cùng người giám hộ và có chữ ký của người đó. Đồng thời, ngân hàng còn khống chế mỗi lần giao dịch không quá 10 triệu đồng, một tuần giao dịch không quá 5 lần; không sử dụng Internet Banking và không rút tiền tại máy ATM là cách tốt nhất để bảo vệ những rủi ro cho người khiếm thị.

Trước khi gặp anh Đông thì Vietcombank cũng nghĩ những quy định trên là hoàn toàn hợp lý và rất nhân văn nhưng sau buổi làm việc với anh thì họ đã phải đi hết bất ngờ này tới bất ngờ khác khi biết rằng người khiếm thị có thể sử dụng smartphone và laptop , không những để giao dịch ngân hàng mà còn làm được nhiều việc khác như lướt facebook, zalo, tiktok, đọc báo, giao dịch chứng khoán, bán hàng online... mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh thì anh Đông cũng may mắn được mở thẻ với các dịch vụ như bao người bình thường khác mà không phải được áp dụng những quy định rất nhân văn từ phía ngân hàng đưa ra. Tuy rằng, vấn đề của anh Đông đã được giải quyết nhưng vấn đề của tôi và một số người khiếm thị khác thì chưa hoàn toàn giải quyết triệt để. Mặc dù, có một số ngân hàng linh động cho phép người khiếm thị mở tài khoản online và cung cấp dịch vụ phát hành thẻ tại nhà. Tuy nhiên, việc định danh hay xác thực lại thông tin là rất khó khăn.

Đã rất nhiều lần người khiếm thị hay người khuyết tật chúng tôi đều phản ánh nhưng hầu hết người khuyết tật không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Thậm chí, còn bị làm khó nữa. Cụ thể, sau sự việc ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông hay 4 bạn nhân viên khuyết tật đang làm việc cho công ti Kym Việt bị ngân hàng từ chối mở tài khoản thì ngân hàng nhà nước đã vào cuộc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người khiếm thị hay người khuyết tật vẫn gặp khó trong việc mở tài khoản ở một số chi nhánh hoặc một số ngân hàng. Trong đó, bản thân tôi là ví dụ điển hình cho việc đó. Mặc dù, tôi đã có tài khoản ngân hàng nhưng việc định danh lại tài khoản rất khó khăn khi mà chưa có đầy đủ công cụ hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam sử dụng ngân hàng.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng đó là thái độ phục vụ của nhân viên ngân hàng đối với khách hàng khuyết tật. cụ thể, tôi có vài người bạn đã có tài khoản nhưng không thể định danh được tài khoản vì ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải có giấy giám hộ. Có chi nhánh khi biết khách hàng là người khiếm thị thì họ khóa luôn tài khoản không cho phép sử dụng nữa mà có sử dụng thì cũng bị hạn chế, bất kể là chúng tôi có giải thích, thanh minh thế nào thì họ cũng không chấp nhận cho chúng tôi sử dụng. Tôi đã từng liên hệ với 8 ngân hàng thì có 2 ngân hàng yêu cầu phải có người hỗ trợ và 6 ngân hàng còn lại thì yêu cầu phải có người giám hộ. Lý do họ đưa ra là người khiếm thị không thể ký, không thể đọc,... còn một lý do đáng phải lưu tâm là họ cho rằng, người khuyết tật không có hành vi năng lực dân sự nên không đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Theo như lời giải thích của ngân hàng số cake, theo quy định 89/2021/QĐ TGĐ ngày 18/10/2021 điều kiện khách hàng được tham gia gói dịch vụ CAKE: Đối với khách hàng từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp khách hàng là người khiếm thị không thuộc đối tượng tham gia gói dịch vụ CAKE thế nên, mới có chuyện là những người khiếm thị không đủ điều kiện để định danh tài khoản và họ khóa tài khoản của người đó luôn. Trừ khi, bạn mở tài khoản và không có nhu cầu nâng cấp để giao dịch nước ngoài hay tăng hạn mức thì mọi việc trở nên bình thường. Miễn sao, ngân hàng không biết bạn là khách hàng khiếm thị là được. Nói trắng ra, bạn mở tài khoản online dùng chui nhưng không công khai tài khoản cho ngân hàng biết coi như không có chuyện gì xảy ra thì họ sẽ coi bạn như khách hàng thông thường. Tình trạng này xảy ra không chỉ có các ngân hàng số như cake, timo mà các ngân hàng truyền thống cũng vậy, họ đưa ra lời giải thích như sau: hiện nay, ngân hàng chưa có quy định hay khung pháp lý hoặc các dịch vụ để hỗ trợ khách hàng khuyết tật nên người khuyết tật cần phải có người giám hộ hay người hỗ trợ đi kèm để giúp thực hiện giao dịch một cách suôn sẻ.

Những khó khăn đó nếu không được khắc phục, trường hợp người khuyết tật cần tiền gấp thì một khi rời người hỗ trợ ra thì họ sẽ gặp khó khăn ngay. Từ đó, họ sẽ không thể giao dịch một cách chủ động được mà phải phụ thuộc vào người khác. Điều này, gây bất tiện, rủi ro hơn là an toàn. Thế nên, việc giúp đỡ người khiếm thị sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách độc lập là rất quan trọng. Chưa kể, thêm một cái giấy giám hộ thôi cũng là thêm một thủ tục cản trở người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng. Mặc dù, ngân hàng số sinh ra đã giải quyết các vấn đề rào cản trên nhưng việc định danh tài khoản hay bổ xung thông tin là điều mà người khiếm thị không thể làm vì mọi thứ đều diễn ra qua video.

Bản thân họ đã không thể định danh qua video thì điều kiên quyết là họ phải ra tại quầy để định danh. Tuy nhiên, có nơi thì họ cho phép định danh theo cách thông thường nhưng có nơi bắt buộc phải có giấy giám hộ hoặc phải có người ủy quyền. Điều này gây bất lợi cho người khiếm thị và đồng nghĩa với việc tài khoản của họ không thể sử dụng hoặc không thể tận dụng hết các dịch vụ ngâng cao của ngân hàng. Thậm chí, tài khoản của họ bị giám sát và theo dõi, ảnh hưởng tới quyền riêng tư, bí mật của chủ thẻ. Điều này, gây cản trở họ hòa nhập cuộc sống hoặc tước đi cơ hội được sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách bình đẳng của người khuyết tật.

Không những thế, việc từ chối họ mở tài khoản hay định danh tài khoản sẽ ảnh hưởng tới lợi ích hay quyền công dân của người khuyết tật hoặc nặng hơn là đẩy họ ra bên lề cuộc sống. Cũng có thể uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo. Bản thân người khuyết tật cũng là một khách hàng tiềm năng, nếu không tận dụng thu hút họ thì ngân hàng sẽ thiếu đi một nguồn khách hàng lớn. Ngoài ra, để kiếm được một công việc với người khuyết tật đã khó nhưng để tìm được một nơi gửi tiền an toàn lại càng khó hơn. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện để người khuyết tật có thể mở tài khoản hoặc phát hành thẻ thì ngân hàng cần đưa ra các chính sách dành riêng cho các đối tượng khách hàng này và cần cải thiện cơ sở vật chất, hệ thống, hạ tầng để người khuyết tật có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng hơn. 

Đặc biệt, nên quan tâm tới khả năng tiếp cận và những vấn đề của từng dạng tật để hiểu rõ khách hàng, bản thân cán bộ nhân viên ngân hàng cũng cần phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp để làm việc với khách hàng có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt. Về việc ký và đọc: Mặc dù khó nhưng không phải là không có cách giải quyết, chỉ là vấn đề thời gian và chúng ta có quyết liệt thay đổi nó hay không mà thôi. Thông thường, các ngân hàng ngần ngại vì chữ ký của người khiếm thị không giống nhau. Tuy nhiên, nếu thay bằng điểm chỉ hoặc chữ ký điện tử thì mọi thứ sẽ khác. Chữ ký thì có thể làm giả nhưng vân tay thì không thể nên mọi thứ rất an toàn và bảo mật. Nó cũng tương tự như khi chúng ta đi làm thẻ căn cước công dân vậy? Không hề phức tạp và lắm thủ tục.

Ngoài ra, các form điền thông tin hay hợp đồng, các giấy tờ liên quan có thể làm tại nhà hoặc ngân hàng có thể gửi qua email để người khiếm thị có thể đọc trước rồi điền vào. Sau đó, sử dụng chữ ký điện tử hoặc có thể xác nhận thông qua email hay tới tại chi nhánh đó để điểm chỉ. Khi giao dịch trên mobile banking hay internet banking có thể có thông báo cho người khiếm thị biết là họ đã giao dịch bao nhiêu tiền. Từ đó, sẽ giảm bớt rủi ro hơn còn những rủi ro khác thì ngay cả những người không khuyết tật cũng gặp phải chứ không riêng gì người khuyết tật. Khi giao dịch tại quầy, có thể triển khai dịch vụ giao dịch bằng chữ nổi hay các cây ATM có hỗ trợ đọc màn hình để người khiếm thị chủ động trong việc giao dịch một cách thuận tiện nhất. Việc người khuyết tật gặp khó khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng không chỉ nằm ở những rào cản như vật lý, thể chế, giao tiếp hay thông tin mà còn nằm ở thái độ của nhân viên ngân hàng nữa. Có những người cảm thấy rất hài lòng vì sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên nhưng cũng có những người không dám nói mình là người khuyết tật vì sợ bị từ chối cung cấp dịch vụ.

Thế nên, thái độ của nhân viên ngân hàng nó ảnh hưởng tới quyền được sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật. Ngoài ra, thiếu quy định đồng bộ cũng dẫn tới việc người khuyết tật khó có cơ hội được sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Việc quyền lợi của người khuyết tật không được đảm bảo, tôn trọng. Đặc biệt là quyền công dân của người khuyết tật không được ngân hàng đề cập. Những rào cản này dẫn đến việc người khuyết tật vẫn chưa được thừa nhận là một đối tượng khách hàng quan trọng của ngân hàng khiến cho họ gặp khó khi tìm cho mình một nơi để tiếp cận tài chính. Đồng thời, việc này đi ngược lại với luật người khuyết tật năm 2010. Thế nên, cần có một giải pháp để khắc phục được tình trạng này.

Để giải thích cho những gì mà tôi đã nói ở trên thì tôi sẽ đưa ra một câu chuyện thực tế mà tôi đã gặp phải khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Câu chuyện này đã xảy ra từ cách đây 3 tháng trước khi tôi tới ngân hàng VP Bank chi nhánh Đắk Lắk địa chỉ Số 35 – 37 Ngô Quyền, Phường Tân Lợi, Thành Phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk để định danh tài khoản ngân hàng số cake. Tuy nhiên, khi ra tại quầy thì nhân viên tìm đủ mọi cách từ chối với lý do tôi là người khiếm thị và họ chỉ chấp nhận khi tôi có người làm chứng thì họ mới định danh cho tôi. Cách đây một năm, tôi cũng đã thử xác thực tài khoản nâng cao qua video nhưng nhân viên ngân hàng không thể hỗ trợ được và yêu cầu tôi phải ra tại quầy. Tuy nhiên, khi ra tại quầy tôi lại gặp khó như những gì mà tôi đã kể ở trên.

Đầu tháng 5  năm 2023, tôi đã cố gắng thực hiện lại quá trình xác thực, định danh thông tin để nâng cấp hạn mức tài khoản của tôi thông qua cuộc gọi video (kyc). Khi đang trong quá trình cập nhật thông tin giấy tờ cá nhân của tôi để hoàn tất quy trình xác thực, nhân viên yêu cầu tôi chờ đợi một lát để họ hỏi bên phía ngân hàng về trường hợp của tôi xem tôi có đủ điều kiện để nâng cấp hạn mức tài khoản hay không? Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến từ phía ngân hàng, nhân viên hẹn tôi vào sáng hôm sau sẽ cho tôi biết kết quả. Sáng hôm sau, tôi liên hệ lại với ngân hàng thì nhận được câu trả lời là "hiện nay, ngân hàng chỉ hỗ trợ tôi sử dụng tài khoản chứ không hỗ trợ tôi nâng cấp tài khoản. Điều đó, đồng nghĩa với việc tôi không thể sử dụng được các tính năng nâng cao của ngân hàng. Bao gồm, việc thanh toán quốc tế. Tôi có hỏi nhân viên về lý do thì được nhân viên cho biết, do trường hợp của tôi là người khiếm thị nên ngân hàng chỉ hỗ trợ tôi sử dụng tài khoản của mình. Điều đáng nói là nếu xác thực cơ bản, tôi chỉ sử dụng được các tính năng cơ bản và không thể sử dụng được các tính năng như thanh toán quốc tế, nhân viên có nói với tôi là tôi được phép giao dịch không quá năm mươi triệu một tháng nhưng năm mươi triệu hay một trăm triệu tôi không quan tâm vì thu nhập của tôi không tới mức đó nhưng cái tôi cần là thanh toán quốc tế để tôi có thể đăng ký các dịch vụ liên quan tới công việc của tôi như domain, hosting hay đăng ký tham gia dịch vụ google AdSense. Ngoài ra, hiện nay việc định danh điện tử là không hợp lệ vì tài khoảng sẽ không được đảm bảo là an toàn bảo mật.

Trong khi đó, nhu cầu của tôi là cần phải thanh toán quốc tế để phục vụ cho công việc của tôi. Tôi rất bức xúc vì chỉ vì lý do tôi là người khiếm thị nên bị phân biệt đối sử không công bằng hay sao? Chỉ có những khách hàng không khuyết tật thì mới được đối sử tử tế còn chúng tôi thì lại bị hạn chế các dịch vụ chỉ vì lý do đơn giản là do chúng tôi là người khuyết  tật. Tôi không hiểu, với nhận thức của nhân viên hay bên ngân hàng mà làm cản trở quá trình hòa nhập của chúng tôi. Hơn thế, sau ba tuần tôi đã cố gắng kiên nhẫn để gọi lại cho ngân hàng để thực hiện lại quy trình xác thực nhưng không có bất kì nhân viên nào tiếp nhận cuộc gọi của tôi cả. mặc dù vậy, tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó chúng tôi có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng như bao người bình thường khác mà không gặp bất kì rào cản nào.

Tôi muốn lắng nghe một lời xin lỗi hay một lời giải thích cụ thể từ phía ngân hàng để chúng tôi biết thêm nguyên nhân. Từ đó, mọi thứ dễ dàng giải quyết thỏa đáng hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa thể định danh được tài khoản của mình. Ngoài tôi thì còn một vài người bạn khiếm thị khác của tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Thậm chí, có người bị khóa tài khoản, có người thì bị yêu cầu bắt buộc phải có giấy giám hộ thì mới được tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thế mới nói, việc người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung gặp khó khi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải tới bây giờ mới đề cập đến. Còn nhớ, cách đây 6 năm, ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông hay bốn bạn khiếm thính bẩm sinh đang làm việc ở công ti Kym Việt cũng bị ngân hàng từ chối mở tài khoản chỉ vì lý do những người khuyết tật không có hành vi năng lực dân sự. Mặc dù, các cơ quan báo trí, ngân hàng nhà nước đã vào cuộc quyết liệt nhưng cũng chỉ giải quyết được yêu cầu của một số người khiếm thị chứ không thể hoàn toàn giải quyết một cách triệt để cho phần lớn người khiếm thị. Thế nên, việc từ chối mở thẻ hay định danh tài khoản cho người khuyết tật chỉ vì không có giấy giám hộ là không hợp lý.

Vì vậy, việc giao dịch không tiền mặt đối với người khuyết tật rất quan trọng do họ không thể đi lại hoặc đi lại khó khăn. Đặc biệt, những dạng tật như khiếm thị thì việc giao dịch không tiền mặt sẽ giúp họ kiểm soát tốt tài chính hơn là sử dụng tiền mặt. Giả dụ, bạn mua một đơn hàng thiết yếu, nếu bạn dùng tiền mặt thì sẽ bị chủ cửa hàng quỵt tiền và người khiếm thị không thể cứ cầm một sấp tiền trên tay được, nếu mua đơn hàng có trị giá 500.000 thì họ sẽ không trả lại tiền thừa cho bạn. Nếu bạn dùng thẻ thì sẽ giảm bớt rủi ro đó, nếu bị quỵt thì có thể đòi lại tiền.

Việc thay đổi nhận thức của nhân viên ngân hàng về vấn đề khuyết tật không chỉ một sớm, một chiều nhưng về việc hỗ trợ họ thì rất dễ vì hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thì người khiếm thị hay người khuyết tật có thể hoàn toàn giao dịch thông qua internet banking hay mobile banking. Miễn sao, ứng dụng hay website của ngân hàng đó phải đáp ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận và các nguyên tắc kỹ thuật do w3c đặt ra. Việc quá nhiều thủ tục dẫn đến việc sở hữu một tài khoản ngân hàng với người khuyết tật đã khó lại càng thêm khó. Từ đó, thiếu đi một công cụ để người khuyết tật hòa nhập xã hội. Trong khi nhu cầu giao dịch không tiền mặt là rất phổ biến, tiện lợi và rất phù hợp với người khuyếttật. đặc biệt, với công cuộc chuyển đổi số quốc gia thì việc này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Việc giúp người khuyết tật tiếp cận với dịch vụ ngân hàng không chỉ thể hiện tính nhân văn cao cả mà còn giúp họ đảm bảo quyền lợi trong việc quản lý tài chính. Giúp xã hội công bằng, bình đẳng hơn, tạo ra giá trị cho xã hội và đất nước. Từ đó, giảm bớt khó khăn, rào cản khi ngườikhuyết tật tham gia vào các dịch vụ công. Làm xóa bỏ khoảng cách giữa người khuyết tật với cộng đồng. Đồng thời, giúp uy tín của ngân hàng tăng cao và sẽ có nhiều người tin dùng các dịch vụ của họ hơn, góp phần giảm bớt sự kì thị, phân biệt đối sử với người khuyết tật. Đưa đến một xã hội không rào cản, một xã hội văn minh, mở rộng khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp, coi khách hàng khuyết tật là một phần của ngân hàng.

Điều này thể hiện rõ trong việc các ngân hàng tôn trọng quyền được sử dụng các dịch vụ của họ phù hợp với luật người khuyết tật 2010 mà nhà nước đã ban hành. Việc giúp người khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng nhằm giúp họ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự phụ thuộc vào người khác. Giúp họ có một cuộc sống chủ động hơn. Đồng thời, làm tăng cơ hội của người khuyết tật được tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Với tư cách của một người khuyết tật đã từng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tôi hi vọng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật và tôi rất mong các ngân hàng hãy lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật để hiểu rõ nhu cầu của họ, tìm hiểu xem họ đang cần gì. Từ đó, cải thiện các dịch vụ ngân hàng thân thiện với người khuyết tật hơn và điều chỉnh sửa đổi các quy định của ngân hàng, đưa ra giải pháp phù hợp với tất cả mọi đối tượng khách hàng, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Nhằm giúp họ có thêm công cụ để hòa nhập vào đời sống, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, góp phần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, ngân hàng cần tạo ra một môi trường thân thiện, tiếp cận, công bằng, bình đẳng để bất kì ai cũng có thể sử dụng các dịch vụ của ngân hàng không phân biệt khách hàng khuyết tật hay không khuyết tật. Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người khuyết tật khẳng định bản thân, nhằm nâng cao đời sống của người khuyết tật. Tôi rất mong ngân hàng đừng làm khó người khuyết tật nữa vì chúng tôi đã rất khó khăn trong cuộc sống rồi mà còn khó khăn khi tìm nơi gửi tiền thì chúng tôi biết phải làm gì để mình được hòa nhập với xã hội? Hy vọng một tương lai không xa, người khuyết tật sẽ không còn gặp khó khi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng nữa và quyền của người khuyết tật được tôn trọng. Vì một xã hội không rào cản, hãy quan tâm giúp đỡ người khuyết tật để họ không còn phải chật vật trong hành trình hò

Media/1_TH1058/Images/anh-minh-hoa.jpg

a nhập cộng đồng.

                                                                                                                   Cường Nguyễn – Hội Người khiếm thị

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới