Tập huấn “Can thiệp để học sinh khuyết tật sống độc lập” tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng

31 tháng 10/2023

Từ ngày 28/10/2023 đến ngày 29/10/2023, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia (NCSE) phối hợp với tổ chức Medipeace tiến hành khóa tập huấn “Can thiệp để học sinh khuyết tật sống độc lập”. Đây là một trong những hoạt động của dự án “Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền trung Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2025”. Khóa tập huấn được tiến hành trực tiếp bởi ThS. Lê Thị Tâm – Trưởng phòng Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đặc biệt và trợ giảng ThS. Nguyễn Thị Hằng – Trưởng nhóm giáo viên. Đối tượng tham gia khóa tập huấn là các cán bộ, giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Nội dung của khóa tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn giáo viên tiếp cận với các kiến thức liên quan tới nội dung Kĩ năng sống độc lập. Đặc biệt cơ sở đầu tiên của việc hỗ trợ học sinh Kĩ năng sống độc lập là việc cấu trúc hóa môi trường học tập, sinh sống của trẻ khuyết tật. Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tính tự lập của học sinh khuyết tật.

Media/1_TH1058/Images/a.jpg

Hình ảnh 1: Tập thể giảng viên, cán bộ và giáo viên gia khóa tập huấn

Ngày đầu tiên của khóa tập huấn, các giáo viên được tiếp cận với khái niệm cũng như các nội dung liên quan tới kĩ năng sống độc lập trong Luật người khuyết tật. Tìm hiểu về chương trình kĩ năng sống hiện tại của Trung tâm, hiện tại Trung tâm đang áp dụng chương trình kĩ năng sống của Viện khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng năm 2010. ThS. Lê Thị Tâm đã trình bày và chia sẻ về đặc điểm về tư duy của trẻ rối loạn phát triển – cơ sở quan trọng để tiến hành cấu trúc hóa môi trường. Việc cấu trúc hóa môi trường cần đảm bảo tính dễ tiếp cận, dễ tiếp nhận thông tin một cách rõ ràng. Do đó dán nhãn là một trong những kĩ thuật quan trọng trong việc cấu trúc hóa môi trường cho học sinh khuyết tật nói chung và học sinh Rối loạn phát triển nói riêng. Để thực hiện việc cấu trúc hóa môi trường tốt nhất, nhóm báo cáo viên đã cùng toàn bộ giáo viên tham gia khóa tập huấn tham quan lớp học, định hình các khu vực cần dán nhãn trong lớp học cũng như các khu vực trong trung tâm.

Media/1_TH1058/Images/b.jpg
Media/1_TH1058/Images/b2.jpg

Hình ảnh 2: Giáo viên ghi chú các khu vực cần thực hiện việc dán nhãn

Nối tiếp các nội dung của ngày tập huấn thứ nhất, ngày thứ hai nhóm báo cáo viên tập trung hướng dẫn giáo viên của Trung tâm các cách thức thực hiện việc dán nhãn các khu vực trong lớp học. Các giáo viên được hướng dẫn cách thiết kế tên lớp học, tên các hoạt động trong lớp học, quy trình thực hiện các đồ dùng, thiết bị trong các phòng học chức năng… Thông qua hoạt động thực hành thiết kế tên lớp học, hoạt động học tập,…giáo viên đã biết cách tìm kiếm thông tin, hình ảnh trên internet, cách sử dụng ứng dụng Microsof để phục vụ cho việc cấu trúc hóa môi trường.

Media/1_TH1058/Images/c.jpg
Media/1_TH1058/Images/c2.jpg

Hình ảnh 3: Giáo viên thực hành và trình bày sản phẩm đã thực hiện

Kết thúc khóa tập huấn, đại diện Trung tâm hỗ trợ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng bà Phạm Thị Hạnh -  phó giám đốc đã phát biểu cảm ơn hai báo cáo viên và tổ chức Medipeace đã tạo điều kiện và cơ hội cho cán bộ, giáo viên Trung tâm được tham gia khóa tập huấn vô cùng ý nghĩa và thiết thực này. Bà hi vọng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Medipeace và NCSE trong thời gian tới.

Với mong muốn làm được những điều tốt đẹp và ý nghĩa nhất cho học sinh khuyết tật, nhóm báo cáo viên hi vọng Trung tâm sẽ thực hiện tốt các nội dung được tập huấn. Đồng thời tổ chức Medipeace sẽ kết hợp với NCSE tiếp tục mở ra các khóa đào tạo tấp huấn để nâng cao năng lực cho giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng trong thời gian tiếp theo.

Nguyễn Hằng

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới