TẬP HUẤN “GIÁO DỤC GIỚI TÍNH CHO HỌC SINH KHUYẾT TẬT PHÁT TRIỂN” TẠI ĐÀ NẴNG

07 tháng 06/2024

Medipeace là tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào năm 2009. Trải qua 15 năm hoạt động và phát triển, tổ chức đã triển khai các dự án tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của tổ chức cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ y tế cho trẻ khuyết tật, và tăng cường tính tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật và hỗ trợ trang thiết bị và dụng cụ trợ giúp giáo dục. Hiện nay, tổ chức Medipeace đang triển khai dự án “Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam – giai đoạn 2023 – 2025”. Dự án được thực hiện tại 03 địa bàn: Đà Nẵng, Quảng Bình và Quảng Trị, với sự tham gia của 06 cơ sở giáo dục: 1) Trung tâm hỗ trợ triển Giáo dục Hòa nhập (PTGDHN) Đà Nẵng; 2) Trường chuyên biệt Tương Lai, Tp. Đà Nẵng; 3) Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị; 4) Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; 5) Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới, Quảng Bình; 6) Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Với mục đích tăng cường năng lực cho giáo viên và nhân viên về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật phát triển, trong thời gian cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2024, tổ chức Medipeace đã phối hợp với nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc Gia (NCSE) tổ chức khóa tập huấn “Giáo dục Giới tính cho học sinh Khuyết tật Phát triển”, với sự tham dự của 20 cán bộ và giáo viên tại Trung tâm Trung tâm hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Đà Nẵng. Giảng viên phụ trách hoạt động tập huấn bao gồm TS. Nguyễn Thị Kim Hoa (Giám đốc NCSE) và ThS. Lê Thị Tâm (Trưởng phòng chuyên môn NCSE).

Media/1_TH1058/Images/5bc41fe1-f/h1.png
Hình 1. Nhóm giảng viên chia sẻ chương trình giáo dục giới tính trong 02 đợt tập huấn

Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy 100% giáo viên trong Trung tâm đánh giá cao vai trò của việc triển khai công tác giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật phát triển (90% học viên đánh giá ở mức độ “rất quan trọng” và 10% học viên đánh giá ở mức độ “quan trọng”). Tuy nhiên, 95% học viên cho rằng: giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật phát triển là hoạt động có nhiều thách thức (95% đánh giá ở mức độ “rất khó khăn” và “khó khăn”). Các giáo viên đã chia sẻ đa dạng các khó khăn mà học gặp phải khi triển khai hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật phát triển như chưa biết cách lồng ghép, soạn giáo án; chưa biết xác định nội dung giáo dục giới tính nào là phù hợp cho học sinh; thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học hỗ trợ. Đặc biệt, hầu hết các giáo viên cho rằng khó khăn khi triển khai hoạt động này là đến từ học sinh khuyết tật phát triển vì khả năng nhận thức và học tập của các em còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát ban đầu đã giúp cho nhóm giảng viên có những thông tin cơ bản ban đầu về đặc điểm, khả năng và nhu cầu của các học viên trong lớp tập huấn. Từ đó, một số điều chỉnh về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học đã được hai giảng viên tiến hành nhằm giúp cung cấp kiến thức và kỹ năng về giáo dục giới tính phù hợp với trình độ và mong chờ của học viên.

Trong khóa tập huấn đầu tiên (được triển khai vào ngày 28 – 29/5/2024), nhóm giảng viên tập trung giới thiệu 08 lĩnh vực trong 04 cuốn tài liệu “Hướng dẫn Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện” cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cụ thể: 1) Nhận thức về giới; 2) Tính dục và hành vi tình dục; 3) Giá trị, quyền, văn hóa và tính dục; 4) Kĩ năng đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc; 5) Các mối quan hệ; 6) Cơ thể con người và sự phát triển cơ thể con người; 7) Sức khỏe tình dục và sinh sản; 8) Bạo lực và cách giữ an toàn. Sau đó, nhóm giảng viên đã hướng dẫn cho học viên cách thức lồng ghép những lĩnh vực này vào trong các hoạt động giáo dục (cấp mầm non) và các môn học (cấp tiểu học, THCS, THPT).

Media/1_TH1058/Images/e61cd962-5/h2.png
Hình 2: Học viên trong lớp tham gia các hoạt động tập huấn

Ở khóa tập huấn thứ hai (được triển khai vào ngày 06 – 07/6/2024), học viên trong lớp tập huấn được tìm hiểu thêm 17 chủ đề giáo dục giới tính trong “Cẩm nang Giáo dục giới tính – tài liệu dành cho giáo viên dạy học cho học sinh khuyết tật trí tuệ”. 17 chủ đề này được chia thành 03 chủ đề: “Phát triển nhận thức giới tính”, “Phát triển kỹ năng giới tính”, “Phát triển quan hệ xã hội liên quan đến giới tính”. Từ những nội dung kiến thức về giáo dục giới tính đã được giới thiệu cả ở hai khóa tập huấn, nhóm giảng viên đã trang bị cho học viên một số chiến lược dạy học đặc thù (ví dụ: phân tích nhiệm vụ, dạy học xâu chuỗi, câu chuyện xã hội...); cách thức đánh giá nhận thức và kỹ năng giới tính của học sinh khuyết tật phát triển đang tham gia học tập trong trung tâm; và cách thức lựa chọn nội dung dựa trên chương trình và khả năng của học sinh để xây dựng khung chương trình giáo dục giới tính cho toàn bộ học sinh của Trung tâm trong năm học 2023 – 2024.

Media/1_TH1058/Images/b37f8cce-3/h3.png
Hình 3. Hướng dẫn sử dụng mô hình và hình ảnh trực quan trong triển khai hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật phát triển

Dự án hi vọng với những kiến thức và kỹ năng cốt lõi liên quan đến giáo dục giới tính đã được giới thiệu trong khóa tập huấn lần này, các giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ PTGDHN Đà Nẵng sẽ có thể ứng dụng hiệu quả vào công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật phát triển trong trung tâm. Nhờ đó, giúp giảm thiểu cả hành vi giới tính chưa phù hợp, đồng thời tăng cường nhận thức và hành vi giới tính phù hợp cho học sinh khuyết tật phát triển trong Trung tâm.

Media/1_TH1058/Images/a4.png
Hình 4. Học viên của lớp chụp ảnh cùng nhóm giảng viên sau khóa tập huấn
Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới