Thông tin luận án "Giáo dục kĩ năng học đường cho trẻ tự kỉ chuẩn bị vào lớp 1" của tác giả Mai Thị Phương

04 tháng 06/2021

TRÍCH YẾU LUẬN ÁN TIẾN SĨ

1. Tên tác giả: Mai Thị Phương

2. Tên luận án: Giáo dục kĩ năng học đường cho trẻ tự kỉ chuẩn bị vào lớp 1

3. Chuyên ngành: Lí luận và lịch sử giáo dục               Mã số: 62 14 01 02

4. Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

5. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu:

Mục tiêu: Đề xuất các biện pháp giáo dục kĩ năng học đường nhằm giúp trẻ tự kỉ vào học lớp 1 hòa nhập hiệu quả hơn. 

Đối tượng nghiên cứu: Giải quyết mối quan hệ giữa những khó khăn đặc thù của trẻ tự kỉ với những yêu cầu của học sinh tiểu học. 

6. Phương pháp nghiên cứu: Các phương pháp nghiên cứu lí luận, phương pháp nghiên cứu thực tiễn (quan sát, sử dụng bảng hỏi, phỏng vấn, thực nghiệm sư phạm, nghiên cứu trường hợp); các phương pháp khác (phương pháp chuyên gia, thống kê toán học).

7. Các kết quả chính của luận án:

Xây dựng khái niệm kĩ năng học đường (KNHĐ): "Kĩ năng học đường là những kĩ năng học sinh sử dụng tại môi trường lớp học, trường học được thể hiện ở việc thực hiện có kết quả một hành động hay hoạt động nào đó bằng cách vận dụng tri thức, kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với điều kiện thực tế nhằm giúp cho các em thích ứng với cuộc sồng ở trường phổ thông." Từ khái niệm này, hệ thống các KNHĐ được cấu trúc thành 04 nhóm: Nhóm kĩ năng tương tác với cán bộ, giáo viên ở trường, các bạn ở lớp; Nhóm kĩ năng tuân theo nội quy, quy định ở trường; Nhóm kĩ năng sử dụng và giữ gìn đồ dùng học tập, đồ dùng trường lớp; Nhóm kĩ năng tự phục vụ ở trường. 

Thiết kế được bảng kiểm tra các KNHĐ cho trẻ tự kỉ mức nhẹ và trung bình lứa tuổi mẫu giáo. Bảng kiểm tra nhằm đánh giá mức độ KNHĐ của trẻ tự kỉ trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu KHGDCN nhằm giáo dục KNHĐ cho trẻ. 

Thực trạng nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 4 nhóm KNHĐ, hầu hết trẻ tự kỉ thực hiện tương đối tốt các kĩ năng trong nhóm kĩ năng tự phục vụ và gặp khó khăn ở 3 nhóm còn lại. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, các giáo viên đã và đang sử dụng nhiệu biện pháp phát triển các kĩ năng này nhưng hiệu quả của các biện pháp chưa cao.

Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, luận án đề xuất 3 nhóm biện pháp bao gồm 11 biện pháp cụ thể để giáo dục KNHĐ. Các biện pháp này hướng vào nâng cao năng lực giáo viên để giúp trẻ thực hiện các KNHĐ nhằm giúp các em hòa nhập tốt hơn ở môi trường tiểu học hòa nhập.  Kết quả thực nghiệm sư phạm trên 02 trường hợp trẻ tự kỉ mức độ nhẹ và vừa đã thể hiện tính hợp lí và tính khả thị của các biện pháp đã đề xuất. 

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới