THỬ NGHIỆM THƯ VIỆN SÁCH ĐIỆN TỬ TẠI SÓC TRĂNG

02 tháng 06/2023

"Thư viện số miễn phí dành cho trẻ em Việt Nam" được thực hiện bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với sự tài trợ của UNICEF và sự đồng hành của Global Digital Library, VIETSOFTPRO, VAEFA, nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sách truyện được lựa chọn từ nguồn truyện nước ngoài, truyện xuất bản trong nước, truyện viết mới và được thể hiện bằng 8 tiếng dân tộc Khmer, J’rai, H’mông, N’mông, Ê đê, Chăm, Thái, Ba na và ngôn ngữ kí hiệu nhằm đảo bảo quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng cho trẻ em là người dân tộc cũng như trẻ em là người khuyết tật.

Thư viện sách điện tử được thử nghiệm từ ngày 16 – 18/05/2023 tại trường mầm non Long Phú, trường tiểu học Long Phú C và trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Sóc Trăng. Hoạt động thử nghiệm được thực hiện nhằm tìm ra các ưu nhược điểm và đề xuất giải pháp để hoàn thiện ứng dụng thư viện sách điện tử. Đối tượng thử nghiệm bao gồm học sinh người dân tộc Khmer, học sinh khiếm thính, học sinh khiếm thị, cùng với các giáo viên phổ thông và giáo viên giáo dục đặc biệt.

Tại trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Sóc Trăng, kết quả thử nghiệm thư viện sách điện tử như sau:

Tất cả học sinh hai nhóm đều rất hứng thú với truyện đọc trên nền tảng web cũng như ứng dụng. Đối với học sinh khiếm thính việc đọc truyện trên 2 nền tảng đều vô cùng thuận lợi, các em có thể tự khám phá được kho truyện sau khi được hướng dẫn. Các video kể truyện bằng ngôn ngữ kí hiệu đã giúp các em học được kí hiệu mới nhanh và có thể nắm bắt được nội dung cơ bản của truyện sau khi đọc 2 lần. Cả nhóm học sinh khiếm thính đều thích đọc các truyện được kể bằng video hơn so với các truyện đọc đơn thuẩn. Bên cạnh đó các em mong muốn có thêm nhiều video truyện kể bằng ngôn ngữ kí hiệu hơn nữa.

Đối với nhóm học sinh khiếm thị nhìn kém, đọc truyện trên nền tảng web thuận lợi với các em hơn do có thể phóng to trang sách giúp các em đọc được chữ cũng như nhìn rõ hình ảnh hơn. Trên ứng dụng chưa thực hiện được thao tác này nên khá khó khăn để các em có thể tự lựa chọn được truyện muốn đọc. Điểm thuận lợi đối với nhóm học sinh khiếm thị khi sử dụng ứng dụng truyện, các em có thể nghe qua kênh tiếng. Đối với học sinh không nhìn được hoàn toàn, việc tự đọc truyện trên nền tảng web hay ứng dụng đều rất khó khăn do chưa có phần mềm hỗ trợ đọc màn hình.

Đối với nhóm giáo viên, các thầy cô đều rất hào hứng khám phá thư viện truyện trên nền tảng web cũng như ứng dụng. Họ đều nhận định thư viện truyện trên hai nền tảng sẽ hữu ích trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học cho học sinh. Sau khi được chia sẻ về cách khai thác và sử dụng thư viện truyện trong giáo dục học sinh khuyết tật của Trung tâm, các giáo viên bước đầu đã hình dung việc khai thác tối đa nội dung truyện, ứng dụng trong các hoạt động dạy học như kể chuyện, phát triển kĩ năng đọc, nhận thức, giáo dục kĩ năng sống, mỹ thuật cho học sinh tại trung tâm. Bên cạnh đó, giáo viên mong muốn sẽ có thêm nhiều sách truyện hơn nữa, đặc biệt video truyện được kể bằng ngôn ngữ kí hiệu.

Dựa trên kết quả thử nghiệm, đề xuất để hoàn thiện ứng dụng thư viện sách điện tử bao gồm:

  • Cần có chức năng âm lượng ở mỗi sách để có thể điều chỉnh mức độ âm lượng khi cần thiết. Hoặc đối với học sinh khiếm thị có thể tắt đi để sử dụng hỗ trợ đọc màn hình của thiết bị;
  • Đối với các video sách cần có thêm chức năng thay đổi tốc độ nhanh, chậm để có thể quan sát, bắt chước kí hiệu khi cần thiết. Đồng thời có chức năng tua xem lại đoạn video theo nhu cầu;
  • Các nút chức năng cần để màu sắc rõ nét/nổi bật để học sinh dễ quan sát và thao tác.
  • Tích hợp thêm chức năng đọc màn hình để hỗ trợ học sinh khiếm thị tiếp cận thuận lợi với thư viện truyện;
  • Có thêm các chức năng phóng to, thu nhỏ màn hình ứng dụng, trang sách để học sinh tiếp cận được dễ dàng hơn;
  • Bổ sung lựa chọn 8 kênh tiếng dân tộc cũng như bổ sung video truyện đã xây dựng trên nền tảng web. Đồng thời bổ sung thêm video truyện mới để học sinh khiếm thính có nhiều lựa chọn hơn;
  • Bổ sung thêm các bài tập đọc hiểu cuối video truyện liên quan đến ngôn ngữ kí hiệu để giúp học sinh khiếm thính có thể tăng cường củng cố, ôn tập kí hiệu mới, câu thể hiện bằng kí hiệu…
  • Thêm nội dung đọc hiểu truyện dạng trắc nghiệm ở các mức độ khác nhau đáp ứng đa dạng năng lực và nhu cầu của học sinh. Ví dụ các dạng bài như: Trẻ mầm non, trẻ đọc hiểu hạn chế: nối hình nhân vật trong truyện với bóng của nó, ghép hình, tô màu, sắp xếp trật tự chuỗi sự kiện trong truyện bằng hình ảnh, ghép hình ảnh tạo thành bức tranh nội dung của câu chuyện,…Tiểu học: nối hình nhân vật với chữ, nối ý tạo thành câu, nối tranh với câu phù hợp, lựa chọn câu trả lời cho câu hỏi nội dung truyện, sắp xếp các ý tạo thành trật tự chuỗi sự kiện trong truyện, lựa chọn thông điệp câu chuyện muốn gửi đến người đọc
  • Thêm nguồn mở: video sử dụng truyện của thư viện trong giáo dục học sinh – dành cho cả người chăm sóc và giáo viên: kể chuyện, sắm vai, vẽ nhân vật trong truyện…

Hoạt động thử nghiệm thư viện sách điện tử miễn phí tại Sóc Trăng đã diễn ra thành công tốt đẹp. Học sinh và giáo viên đều đánh giá cao lợi ích của thư viện sách đối với các hoạt động giáo dục cho trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng. Trên cơ sở thử nghiệm, thư viện sách điện tử sẽ được hoàn thiện, tối ưu hóa chức năng để đảm bảo tiếp cận thuận tiện cho mọi đối tượng, trong đó có trẻ em khuyết tật.

Một số hình hảnh buổi thử nghiệm sách điện tử lại Sóc Trăng

Media/1_TH1058/Images/tg301148.jpg
Media/1_TH1058/Images/tg301121.jpg
Media/1_TH1058/Images/tg301052.jpg
Media/1_TH1058/Images/tg300258.jpg

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới