Đánh giá triển khai công tác giáo dục hòa nhập tại Quảng Uyên, Cao Bằng và Na Rì, Bắc Cạn

26 tháng 03/2021

Tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc dự án Quyền học tập trẻ em do Childfund tài trợ và vận hành bởi Viện ACDC, trong các ngày từ 16 – 19/3/2021, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã tiến hành hoạt động giám sát, tư vấn về giáo dục hòa nhập các trường dự án tại Quảng Uyên (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Cạn). 

Nhóm chuyên gia tiến hành hoạt động giám sát, tư vấn ở các nội dung: Đánh giá kế hoạch giáo dục hòa nhập/kế hoạch vận hành phòng hỗ trợ Giáo dục hòa nhập, kế hoạch giáo dục cá nhân, giờ học hòa nhập và giờ hỗ trợ cá nhân tại mỗi trường. Kết quả cho thấy:

  • Công tác Giáo dục hòa nhập đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT địa phương;
  • Giáo viên của trường nuôi dạy Trẻ khuyết tật có thể trở thành tư vấn địa phương, hỗ trợ công tác giáo dục hòa nhập cho các trường;
  • Mỗi huyện xây dựng được 02 phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập (bao gồm mầm non và tiểu học), tập trung ở các trường có nhiều học sinh khuyết tật;
  • Các giáo viên được phân công dạy học sinh khuyết tật đều tâm huyết, nhiệt tình, có năng lực làm việc với trẻ;
  • 100% các trường đã triển khai tập huấn lại cho toàn thể giáo viên.
  • 100% giáo viên vận dụng kiến thức đã được tập huấn để xây dựng Kế hoạch giáo dục cá nhân, dạy học hòa nhập và hỗ trợ cá nhân;

BGH nhà trường đã sát sao trong chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giám sát thực hiện công tác Giáo dục hòa nhập, phân công giáo viên hợp lý, có thời gian biểu rõ ràng;

Media/1_TH1058/Images/bkan1.jpg
Giáo viên hỗ trợ cá nhân HSKT tại Phòng hỗ trợ
 

Từ kết quả giám sát, một số giải pháp được đề xuất để công tác giáo dục hòa nhập giai đoạn tiếp theo được triển khai hiệu quả hơn:

Đối với Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT

  • Giám sát thường xuyên công tác giáo dục hòa nhập ở địa phương. Hoạt động giám sát thực hiện GDHN trở thành một phần trong báo cáo giáo dục thường niên tại địa phương;
  •  Có kế hoạch dự giờ chéo giữa các trường để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ giáo dục hoàn hập;
  • Đánh giá thi đua đối với giáo viên và nhà trường đã tham gia công tác Giáo dục hòa nhập;
  • Xem xét các phản hồi từ CBQL, GV sử dụng các biểu mẫu: Kế hoạch Giáo dục hòa nhập, kế hoạch vận hành Phòng hỗ trợ và Kế hoạch Giáo dục cá nhân để thống nhất sử dụng chung trong toàn tỉnh vào năm học tiếp theo;
  • Đánh giá hiệu quả vận hành Phòng hỗ trợ để có định hướng trong phát triển hệ thống Phòng hỗ trợ trong toàn huyện/toàn tỉnh;

 Đối với trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Tỉnh

  • Cử giáo viên có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về Giáo dục hòa nhập để trở thành tư vấn địa phương trong giai đoạn triển khai các hoạt động tiếp theo của dự án;
  • Tư vấn địa phương cần được tập huấn về kỹ năng giám sát, hỗ trợ theo một quy trình chặt chẽ và được chia sẻ về hoạt động cũng như mục tiêu của dự án nhằm thực hiện vai trò tư vấn hiệu quả;
  • Phối hợp chặt chẽ với ban quản lý dự án để thực hiện hỗ trợ trực tiếp tại trường Khuyết tật của tỉnh cho một số trường hợp học sinh.

Đối với Childfund

  • Rà soát các trường hợp trẻ nghi ngờ khuyết tật để tư vấn, hỗ trợ giám định y khoa trước khi xác định mức độ khuyết tật;
  • Cơ sở vật chất liên quan đến phục vụ học sinh khuyết tật cần tư vấn trước khi thực hiện nhằm giảm thiểu những rủi ro cho học sinh khuyết tật và giảm thiểu chi phí sửa chữa.
Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới