Học tập trực tuyến với học sinh khiếm thị - Kinh nghiệm từ nhóm Play and Learn Hà Nội

04 tháng 09/2021

Play and Learn là nhóm hỗ trợ trẻ em khiếm thị tại Hà Nội. Nhóm được thành lập từ năm 2016, dưới sự tư vấn chuyên môn và điều hành hoạt động của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia. Mục đích của nhóm là tạo môi trường vui chơi, học tập cho trẻ khiếm thị, cung cấp tài liệu hướng dẫn học tập, kết nối cha mẹ có trẻ khiếm thị với các dịch vụ khác như khám mắt, mua đồ dùng học tập.

Các hoạt động chính của nhóm bao gồm tổ chức sinh hoạt theo chủ để phát triển kỹ năng đặc thù của trẻ khiếm thị (giao tiếp, kỹ năng xã hội, định hướng di chuyển); tổ chức lớp học Tiếng Anh, lớp học Võ thuật; liên kết tổ chức lớp học phần mềm Công nghệ thông tin dành cho trẻ em khiếm thị; hoạt động đến thăm và hỗ trợ trẻ đa tật, thanh niên đa tật tại gia đình; tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại; tư vấn và hướng dẫn cha mẹ cách thức hỗ trợ con tại nhà. Nhóm tổ chức sinh hoạt đều đặn 2 buổi một tháng. Đồng thời Play and Learn cũng tạo lập một fanpage trên Facebook để đăng tải các thông tin, hoạt động của nhóm.

Hiện nay, nhóm Play and Learn có hơn 50 gia đình trẻ khiếm thị và khiếm thị đa tật cùng một số người khiếm thị lớn tuổi tham gia.

Do tình hình dịch bệnh Covid 19 kéo dài và phức tạp, các hoạt động của Play and Learn được chuyển đổi sang hình thức sinh hoạt trực tuyến. Các buổi sinh hoạt trực tuyến được tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần trong khoảng 1 giờ 30 phút. Các chủ đề sinh hoạt được thiết kế dựa trên các nội dung trẻ khiếm thị yêu thích nhằm mở rộng vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, hình thành các phẩm chất tốt đẹp như chủ đề: Các anh hùng nhỏ tuổi, Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ, Mùa thu mùa khai trường.

Mặc dù hạn chế về khả năng nhìn, nhưng trẻ khiếm thị có thể sử dụng máy tính để tham gia sinh hoạt trực tuyến khá thuận lợi. Nhiều trẻ khiếm thị ở lớp 5, lớp 6 đã thực hiện được thao tác cơ bản như bật, tắt mic, gửi ảnh, gửi đường link liên quan nội dung chủ đề sinh hoạt. Với những học sinh nhỏ tuổi hơn, độ tuổi ở lớp 1, 2, các em cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cha mẹ trong việc hình thành thói quen ngồi ngay ngắn, giơ tay và nói tên của bản thân khi trình bày ý kiến.

Theo đánh giá của cha mẹ và chính các em nhỏ của nhóm Play and Learn, các buổi sinh hoạt trực tuyến đã góp phần giúp các em học sinh khiếm thị rút ngắn khoảng cách giãn cách xã hội, được giao lưu và học hỏi cùng nhau cũng như từng bước tạo thói quen học tập trực tuyến, cải thiện kỹ năng sử dụng máy tính. Play and Learn dự kiến tiếp tục triển khai các hoạt động sinh hoạt trực tuyến đến khi các trường học đi học trở lại.

Kinh nghiệm học tập trực tuyến cho học sinh khiếm thị ở nhóm Play and Learn cho thấy, học sinh khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia học bằng hình thức trực tuyến. Để đảm bảo hiệu quả học trực tuyến cho học sinh khuyết tật, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thời lượng sinh hoạt trực tuyến không nên kéo dài quá. Giữa các hoạt động cần có thời gian nghỉ ngơi.

Thống nhất những quy tắc nhất định khi tham gia học tập trực tuyến, ví dụ như ngồi học ở không gian yên tĩnh, tắt mic khi chưa có ý kiến, nếu trẻ chưa biết tắt mic thì cần giữ yên lẵng, khi có ý kiến cần giơ tay và nói tên của mình, chờ đợi người khác trong khi họ đang nói.

Nội dung học tập trực tuyến nên hấp dẫn, thiết thực gắn liền với sở thích của học sinh để tạo hứng thú cho học sinh.

Nên sử dụng linh hoạt các hoạt động trong học tập trực tuyến như trò chơi, vận động, thao tác trả lời bằng cách nói và viết trên thiết bị.

Đa dạng hóa các tài liệu học tập, sử dụng nhiều video có hình ảnh, âm nhạc phù hợp chủ đề học tập.

Phát huy sự hỗ trợ tối đa của cha mẹ học sinh trong quá trình học tập trực tuyến bằng cách thông báo trước những đồ dùng chuẩn bị của buổi học, hướng dẫn cha mẹ thao tác hỗ trợ con. Cha mẹ cùng với trẻ thảo luận các chủ đề sinh hoạt và gửi lại cho nhóm để xây dựng kho chủ đề sinh hoạt.

Media/1_TH1058/Images/capture1jpg.jpg

 

 

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới