Sách xúc giác, cánh cửa giúp trẻ khiếm thị mở rộng hiểu biết về thế giới

31 tháng 03/2021

Sách với trẻ em như người bạn, là nguồn tri thức và giải trí tuyệt vời. Thiếu hụt về khả năng nhìn khiến cho trẻ em khiếm thị khó tiếp cận được với thế giới thông tin và hình ảnh trong sách. Khoảng trống này đang được nhóm nghiên cứu viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tìm cách lấp đầy bằng cách sáng tạo ra sách xúc giác - nơi trẻ em khiếm thị có cơ hội tiếp cận với sách, làm quen với chữ nổi từ nhỏ và hình thành biểu tượng một cách đúng đắn.

Trẻ khiếm thị có thêm cơ hội đọc sách

Ths Trịnh Thu Thanh, Giám đốc Dự án “Sách xúc giác, sách để sẻ chia” cho biết: Sách dành cho trẻ em khiếm thị rất ít, và không có bán sẵn trên thị trường. Vì vậy cơ hội để trẻ được đọc sách gần như không có. Trẻ chủ yếu được nghe thông qua sách nói hoặc cha mẹ đọc lại cho trẻ. Điều này làm cho trẻ thiếu hút cơ hội được làm quen với chữ nổi trước khi đi học. Thêm vào đó, hình được in trong sách giáo khoa cho học sinh là các hình nổi, ở mức độ cao trong việc hình thành biểu tượng về sự vật hiện tượng. Khi thiếu hụt cơ hội được sờ đồ vật thật, một phần đồ vật, hình ảnh xúc giác trên trang sách mà trẻ đã phải tiếp cận ngay với hình nổi khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tri giác hình nổi.

Nếu có những cuốn sách xúc giác, trẻ khiếm thị sẽ được làm quen với chữ nổi từ rất sớm, giống như trẻ sáng mắt được nhìn thấy chữ ở mọi nơi. Đồng thời sách xúc giác cũng giúp trẻ hình thành biểu tượng về sự vật hiện tượng một cách khoa học từ dễ đến khó. Bên cạnh đó sách xúc giác còn hình thành niềm yêu thích đọc sách và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Những cuốn sách xúc giác cũng sẽ thầy cô giáo và các thành viên gia đình có thêm  thêm đồ dùng dạy học; có thêm cơ hội đọc sách, chia sẻ cùng nhau về những nội dung gần gũi, mới lạ liên quan đến trải nghiệm của trẻ.

Sách xúc giác được làm bằng bìa và vải

Chia sẻ về cách làm những cuốn sách xúc giác, Ths Trịnh Thu Thanh cho rằng khâu đầu tiên là chọn chủ đề làm sách, tên sách và nội dung cuốn sách. Giáo viên, cha mẹ có thể chọn những bài thơ, câu chuyện, sách tranh của trẻ sáng mắt để chuyển sang phiên bản xúc giác dành cho trẻ khiếm thị. Tuy nhiên khi chuyển từ sách tranh sang sách xúc giác, giáo viên cha mẹ nên lưu ý chọn hình ảnh trong sách để thể hiện, hoặc có thể sửa lại phần lời cho phù hợp với trẻ khiếm thị. Nhiều từ trừu tượng không có trong trải nghiệm của trẻ sẽ khiến trẻ khó hình dung, đặc biệt là những cuốn sách ở mức độ sách trải nghiệm, sách đồ vật. Hoặc đơn giản, cha mẹ, giáo viên chỉ cần điều chỉnh hoặc thêm 1 vài chi tiết vào trong sách tranh và dán thêm chữ nổi. Ví dụ, một câu chuyện về chú chim trong sách tranh, cha mẹ, giáo viên chỉ cần dán thêm một sợi lông chim thật vào hình chú chim, thêm phần chữ nổi, như vậy là đã có sách điều chỉnh cho trẻ khiếm thị.

Khâu quan trọng nhất trong làm sách xúc giác là chọn cách thể hiện đối tượng, hình ảnh xúc giác lên trên trang sách. Dựa vào mức độ nhận thức và kĩ năng sờ của trẻ, giáo viên và cha mẹ sẽ chọn cả đồ vật thật, một phần của đồ vật đó hoặc các hình ảnh xúc giác. Mỗi trang sách nên chỉ có 1 đồ vật hoặc 1 hình ảnh xúc giác. Nếu gắn nhiều hơn 1 đồ vật thì cần sắp xếp các đồ vật một cách ngay ngắn để trẻ dễ sờ. Đồng thời việc chọn gắn đồ vật mà trẻ có thể lấy ra để sờ toàn bộ đồ vật bằng hai tay hay đồ vật, hình ảnh xúc giác được gắn chặt trên trang sách cũng cần dựa trên mức độ nhận thức và trải nghiệm của trẻ.

Để làm được sách xúc giác có nhiều nguyên liệu và cách thức khác nhau, trong đó làm sách bằng bìa và vải là hai chất liệu thường được sử dụng bởi sự tiện dụng và hiệu quả.  Để làm sách xúc giác bằng bìa thì cần chuẩn bị bìa giấy carton cỡ dày, kéo, keo dính, băng dính hai mặt…Đặt đồ vật hoặc hình ảnh xúc giác lên trang và xác định phần đặt chữ in. Chữ nổi Braille được viết trên giấy trong, đặt đè lên chữ in. Chú ý chọn loại keo phù hợp để gắn đồ vật, hình ảnh xúc giác. Sách bằng bìa có ưu điểm nguyên liệu dễ kiếm, các thao tác làm sách dễ thực hiện, thời gian thực hiện nhanh. Mọi giáo viên và cha mẹ đều có thể làm được. Sách bìa phù hợp với sách ở mức độ đơn giản, nội dung tryện ngắn gọn, xoay quanh chính trải nghiệm của trẻ.  

Media/1_TH1058/Images/sxg1.jpg

Để làm sách xúc giác bằng vải cần chuẩn bị các loại vải thô dày một màu, miếng canvas nhựa, xốp dẻo, các loại kéo, kim, chỉ. Nếu có thêm 1 máy may loại công nghiệp thì càng tốt. Thông thường mọi thứ được đính trên vải bằng cách khâu bằng chỉ hoặc dính bằng keo. Đôi khi các đồ vật có thể được gắn bằng cách khác như băng dán velcro, ruy băng… Việc làm trang sách đòi hỏi nhiều công đoạn hơn làm trang sách bằng bìa. Phần bên trong của trang sách được đặt một lớp xốp dẻo dày hoặc miềng canvans; sau đó phủ vải thô bên ngoài. Điều này giúp việc khâu lên trang một cách dễ dàng, trang sách có độ cứng nhất định để trẻ có thể lật giở và trẻ không cảm nhận thấy hình ảnh xúc giác hay phần chữ nổi ở trang sau.

Dù làm sách ở mức độ dễ hay khó, sách bằng bìa cứng hay bằng vải đều phải đảm bảo độ chắc chắn; có tính tương phản giữa trang sách và đồ vật, hình ảnh xúc giác gắn lên trang sách; kích cỡ sách, kích cỡ đồ vật, hình ảnh phù hợp, vừa vặn với đôi bàn tay trẻ; và tất nhiên cần đảm bảo an toàn khi trẻ sờ, tránh vật sắc nhọn gây tổn thương cho đôi bàn tay.

Khi đọc sách xúc giác cho trẻ khiếm thị cũng giống như cách đọc sách cho trẻ sáng mắt. Đối với sách xúc giác, cha mẹ và giáo viên có thể cho trẻ cảm nhận các hình ảnh xúc giác trước, sau đó sẽ đọc cho trẻ nghe hoặc trẻ tự sờ đọc chữ nổi. Cũng có thể với các trẻ khác, sẽ đọc phần lời trước rồi sau đó khám phá phần hình ảnh xúc giác của truyện. Việc này phụ thuộc vào sở thích, khả năng cũng như trải nghiệm của trẻ với sách xúc giác. Điều quan trọng là trẻ được khám phá sách, được sờ đọc chữ nổi và cảm thấy vui vẻ khi đọc sách.

Thư viện sách xúc giác

Hiện nay, nhóm đã làm được 30 cuốn sách xúc giác với bốn mức độ từ dễ đến khó về biểu tượng sự vật và văn bản truyện với cả hai hình thức sách bìa và sách vải. Mục tiêu của nhóm là đến cuối năm 2021, Dự án sẽ xây dựng được 1 thư viện nhỏ tại Hà Nội có ít nhất 100 đầu sách xúc giác. Trẻ em có thể đọc sách tại chỗ hoặc mượn về nhà. Dự án cũng bắt đầu triển khai hoạt động cho mượn với các em học sinh khiếm thị của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Dự kiến hoạt động cho mượn sách này kéo dài trong 6 tháng. Dự án “Sách xúc giác, sách để sẻ chia” cũng kỳ vọng cũng sẽ truyền cảm hứng cho các nhà chuyên môn, giáo viên, cha mẹ hoặc bất kì ai quan tâm sẽ nhân rộng thư viện ở các địa phương khác.

Media/1_TH1058/Images/doc-sach-ndc.jpg

Học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội đọc sách xúc giác

Nhà báo Tô An, báo Thanh Niên Việt

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới