NGƯỜI KHIẾM THỊ CẦN LÀM GÌ ĐỂ TIẾP CẬN VỚI DỊCH VỤ NGÂN HÀNG? - PHẦN 2

01 tháng 03/2024

 

Việc giúp đỡ người khuyết tật sử dụng dịch vụ ngân hàng không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là trách nhiệm xã hội để bảo vệ quyền bình đẳng và tự do của họ. Thế nên, ngân hàng nhà nước cần quan tâm tới người khuyết tật để họ không còn phải chật vật trong quá trình mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Góp phần đem lại một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Media/1_TH1058/Images/4823jpeg.jpeg

Nhân tiện, trong bài viết này tôi xin mạo phép chia sẻ một vài câu chuyện thực tế về việc ngân hàng phân biệt đối sử với người khuyết tật mà tôi đã đọc được ở trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Cụ thể: Bạn NTTN (là người khiếm thị) hiện nay đang làm việc tại Đồng Tháp. Cơ quan  chi trả lương hàng tháng cho nhân viên qua tài khoản cá nhân được mở tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh tỉnh Đồng Tháp. Cơ quan yêu cầu cá nhân tự đến ngân hàng để giao dịch và mở tài khoản.

 

Trước khi đến văn phòng Vietcombank để giao dịch trực tiếp N đã thực hiện mở tài khoản bằng hình thức Online và được Ngân hàng thông báo rằng bạn đã mở tài khoản thành công,  đồng thời yêu cầu N trực tiếp đến Ngân hàng để định danh số tài khoản ngân hàng. Nhưng khi N đến nơi, nhân viên giao dịch của Ngân hàng nhận ra N là người khiếm thị nên không cho N mở tài khoản online. N cho biết phía ngân hàng biết rằng bạn có thể sử dụng thành thạo ứng dụng  của ngân hàng trên điện thoại thông minh nhưng họ vẫn cương quyết không cho N mở Tài khoản. Họ nói rằng chỉ có thể cấp cho bạn số tài khoản để N nhận tiền lương chứ không phát hành thẻ ngân hàng cho N. Họ cũng không cho N sử dụng bất kỳ giao dịch Online nào của Ngân hàng - kể cả tin nhắn khi có tiền lương vào tài khoản và số tiền lương hàng tháng - và N phải đến trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng để rút tiền lương. Chỉ khi đó N mới biết tiền lương của bạn là bao nhiêu. VIỆC NÀY RÕ RÀNG LÀ GÂY THÊM KHÓ KHĂN CHO NKT VỐN ĐÃ GẶP NHIỀU TRỞ NGẠI TRONG việc DI CHUYỂN!!!

 

N nói với họ rằng làm như thế là Ngân hàng của họ đã tước đi quyền lợi của người khuyết tật được qui định tại Luật Người Khuyết tật, vì Đảng và Nhà nước đã đang và luôn quan tâm đến sự phát triển của người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng. N viện dẫn Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy , tổ chức đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối giữa người khuyết tật với Đảng, Nhà nước; bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật”. (Bạn N nắm rất tốt luật và chính sách!)

Media/1_TH1058/Images/banking-system-posts-credit-growth-of-135-in-2023-20240104105901.jpg

Dù vậy, nhân viên ngân hàng vẫn không đồng ý cho N sử dụng bất kỳ giao dịch Online nào của Ngân hàng, bảo rằng đó là qui định của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và họ chỉ là người chấp hành không thể làm khác được. Không chỉ có riêng bạn N bị các ngân hàng tìm đủ mọi cách để từ chối mà rất nhiều bạn khiếm thị khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như bạn PTT hiện đang sinh sống, làm việc tại TP HCM, bạn ấy cũng có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng. Mặc dù, đã có người sáng mắt đi cùng nhưng ngân hàng yêu cầu là cần phải có người cùng hộ khẩu, người trong gia đình như cha, mẹ, anh, chị, em,... thì mới được bảo hộ còn bạn bè thì không? Hay trường hợp của hai bạn khiếm thị khác cũng gặp khó tương tự và cho tới thời điểm hiện tại, những bạn khiếm thị mà tôi kể ở trên chưa thể mở được tài khoản cho mình. Dù cho có sự hỗ trợ của người sáng mắt đi cùng. Thế nên, mới có chuyện là rất nhiều người khiếm thị hiện nay chưa thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Như tôi đã đề cập ở loạt bài trước, hầu hết người khiếm thị đều học tập, làm việc ở các thành phố lớn vì vậy, không phải ai cũng có người thân đi cùng. Ngoài ra, việc có người giám hộ là không cần thiết vì nó sẽ mang lại nhiều rủi do hơn là đem lại sự an toàn cho chủ tài khoản. VÌ vậy, việc đảm bảo an toàn, quyền riêng tư và bảo mật cho chủ tài khoản là rất quan trọng.

 

Do đó, chúng tôi không đồng ý với yêu cầu của ngân hàng là bắt buộc người khuyết tật khi sử dụng các dịch vụ cơ bản của ngân hàng phải có người giám hộ vì bản thân người khiếm thị khi đã đủ trưởng thành, đủ tuổi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, bản thân họ cũng có đủ năng lực hành vi dân sự thì họ có quyền quyết định, quyền làm chủ cuộc sống của mình nên việc phải có người giám hộ là không cần thiết. Thay vào đó, chỉ cần người khiếm thị có chữ ký hoặc điểm chỉ, dấu vân tay và giấy tờ tùy thân là họ hoàn toàn đáp ứng đầy đủ điều kiện để họ có thể thực hiện các giao dịch trực tiếp ở ngân hàng một cách suôn sẻ mà không cần phải phụ thuộc vào người khác. Một trong những cách để người khuyết tật có thể quản lý tài chính hiệu quả là tích lũy một khoản tiền nhất định để làm vốn riêng. Ví dụ, tôi có thể dành dụm một phần thu nhập của mình để tạo ra một nguồn tiền dự phòng, để khi cần đầu tư vào một dự án hay một cơ hội kinh doanh nào đó, tôi không phải vay mượn ai. Điều này giúp tôi tiết kiệm chi phí lãi suất, tránh rủi ro và nâng cao khả năng tự chủ tài chính. Tôi chỉ giữ số tiền này cho riêng mình, không muốn tiết lộ cho bất kỳ ai vì lý do bảo mật và an toàn. Tôi hy vọng ngân hàng có thể thấu hiểu và hỗ trợ cho những khách hàng khuyết tật như tôi. Theo suy nghĩ của tôi, người khiếm thị là những công dân bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ như bất kỳ ai khác trong xã hội.

 

Họ không chỉ có trách nghiệm với những hành vi của mình, mà còn có khả năng tự bảo vệ lợi ích tài chính của mình. Khi gặp phải những vấn đề hay tranh chấp, họ sẽ biết cách giải quyết một cách minh bạch, hợp lý và hiệu quả. Dựa vào những mẩu chuyện mà tôi đã kể ở trên, theo tôi thấy, nếu chỉ vì lý do người khiếm thị không có đầy đủ hành vi năng lực dân sự là không thỏa đáng vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 6954/NHNN-TT gửi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) về năng lực hành vi dân sự của khách hàng khi thực hiện phát hành thẻ. Tại văn bản này, NHNN khẳng định đây không phải là quy định của NHNN mà chỉ là ý kiến của cá nhân cán bộ Vietcombank trong quá trình tác nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và Bộ luật Dân sự năm 2005 thì những người khuyết tật (bị câm điếc) không nằm trong diện mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, do đó họ vẫn thuộc đối tượng được xem xét để phát hành và sử dụng thẻ.

 

Thế nên, việc các ngân hàng lấy lý do là đây là do quy định của ngân hàng không thể làm khác được mà chỉ biết chấp hành thì không hợp lý. Vì vậy, tôi mong các ngân hàng hãy xem xét lại quy định của mình, linh động cho người khuyết tật có thể mở tài khoản. Tôi tin rằng, với dẫn chứng của tôi sẽ thuyết phục được ngân hàng nhà nước vào cuộc để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoài ra, tôi nhận thấy, quy định của các ngân hàng hiện nay không được đồng nhất, đồng bộ với nhau nên dẫn tới việc mỗi ngân hàng có một chính sách không khớp và khiến cho người khiếm thị gặp khó khi làm thủ tục mở tài khoản và phát hành thẻ ngân hàng. Vì vậy, tôi rất mong ngân hàng nhà nước sớm sửa đổi bổ xung các quy định để người khiếm thị có thể dễ dàng giao dịch trong nước và quốc tế. Nhằm tạo điều kiện cho chúng tôi có thêm công cụ để hòa nhập vào đời sống.

 

Về trường hợp của tôi, sau khi loạt bài phản ánh của tôi về việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người khuyết tật được đăng trên tạp chí Hòa Nhập thì tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm nhiệt tình của độc giả trên toàn quốc. Đặc biệt là từ phía các ngân hàng. Vì thế, tôi thấy rất vui khi được đóng góp tiếng nói của mình để thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật. Bản thân tôi đang mang trong mình sứ mệnh là giúp đỡ cộng đồng người khuyết tật có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn chưa cảm thấy hài lòng về những gì mà mình đang làm. Vì vậy, tôi cảm ơn các độc giả đã quan tâm tới vấn đề này và tôi rất mong các bạn khi đọc được bài này sẽ coi đây là nguồn tư liệu tham khảo để cải thiện các dịch vụ của mình để thân thiện với người khuyết tật. Từ đó, tạo ra một môi trường thân thiện cho người khuyết tật. Mặt khác, bản thân tôi cũng chưa cảm thấy cách giải quyết của ngân hàng là thỏa đáng. Lý do tôi nói như vậy là vì tôi cảm thấy vẫn còn tồn tại việc người khuyết tật đang bị các ngân hàng gây khó dễ rất nhiều.

 

Các bạn nhân viên ngân hàng nên nhìn nhận vào thực tế chứ đừng trốn tránh, thoái thác trách nghiệm nữa mà hãy chịu trách nghiệm 100%. Lúc đó, mọi vấn đề sẽ không xảy ra, lặp lại và sẽ được giải quyết êm đẹp. Chỉ khi các bạn tốt nghiệp bài học này thì các bạn mới rút ra kinh nghiệm để cải thiện sản phẩm của mình thân thiện hơn. Đằng này, các bạn tìm đủ mọi cách để trối bỏ trách nghiệm là tôi không đồng ý. Cụ thể, sau khi loạt bài của tôi được đăng thì có một số ngân hàng liên hệ với tôi yêu cầu tôi gỡ bài xuống hoặc ít nhất thì cũng phải sửa bài để tránh ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng. Điều này tôi cảm thấy không được tôn trọng mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng người khuyết tật. Tôi không chấp nhận những điều kiện đó từ các ngân hàng vì nếu tôi sửa bài thì sẽ không còn dẫn chứng nêu ra để thuyết phục độc giả và đó là xuyên tạc, bóp méo sự thật còn nếu tôi gỡ bài xuống đồng nghĩa với việc là tôi đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng người khuyết tật. Từ đó, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ và uy tín của ngân hàng chưa chắc đã được nâng cao vì bản thân họ đã mang trong mình tư duy sai, tư tưởng phân biệt đối sử với người khuyết tật từ rất lâu rồi. Vì thế, tôi mong các bạn nhân viên hiểu rõ điều này. Bản thân tôi cũng chỉ muốn góp ý để dịch vụ ngân hàng ngày càng hoàn thiện hơn chứ không muốn chỉ vì sự kì thị với người khuyết tật mà ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng.

 

Giả dụ, nếu một ngân hàng kì thị người khuyết tật thì sẽ bị mọi người quay lưng nhưng nếu ngân hàng đó có sự quan tâm tới người khuyết tật thì mọi thứ sẽ khác, bản thân họ sẽ được nhiều người biết đến là một ngân hàng có trách nghiệm với cộng đồng, đem lại lợi ích cho người khuyết tật chứ không phải là chỉ biết đổ lỗi là do người khuyết tật không có hành vi năng lực dân sự như các bạn đã từng làm trước kia. Một câu hỏi đặt ra là các bạn muốn được lên báo theo chiều hướng một drama hay các bạn muốn được mọi khách hàng yêu mến, mọi người khen ngợi? Thế nên, tôi rất mong các ngân hàng hãy xem xét lại quy định của mình để tạo điều kiện cho người khuyết tật được sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách bình đẳng như bao nhiêu người khác. Tôi mong rằng, người khuyết tật sẽ không bị làm khó khi sử dụng dịch vụ ngân hàng nữa. Vốn dĩ, ngân hàng số đã giúp ích cho người khuyết tật rất nhiều và chỉ cần các bạn kiên nhẫn cải thiện dịch vụ của mình thì tôi tin rằng, người khuyết tật sẽ đón nhận dịch vụ của các bạn trong tương lai. mặc dù, vẫn còn nhiều điều khiến tôi chưa hài lòng nhưng có một điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc là nhờ các bài báo phản ánh của tôi và các bạn, anh, chị, em khiếm thị khác mà xã hội đã có cái nhìn cởi mở về chúng tôi. Một điều tích cực là các tổ chức của người khuyết tật với UNDP đã vào cuộc để đưa ra đề xuất cải thiện các dịch vụ ngân hàng. Ít nhất, đã có sự quan tâm của các tổ chức này để đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật được sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện hơn.

 

Tôi hi vọng, một ngày không xa những người khuyết tật chúng tôi sẽ được tự do quản lý tài chính của mình mà không phải chịu bất kì sự giàng buộc từ phía ngân hàng. Tạo điều kiện cho sự hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống, xã hội. Góp phần, đem lại một xã hội nhân văn, đong đầy tình yêu thương.

Còn nữa

Cường Nguyễn - Hội Người Khiếm thị

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới