NỖ LỰC GIẢI QUYẾT CÔNG TÁC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

14 tháng 08/2023

Hiện nay, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ban ngành đặc biệt, với sự lỗ lực không ngừng của các trung tâm giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật mà đã có nhiều người khuyết tật được giáo dục, dạy nghề. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, bất cập còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để dẫn đến việc số lượng người khuyết tật ở nước ta được giáo dục, dạy nghề còn rất thấp.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Bà Đinh Việt Anh phó chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết, hiện nay các cấp hội đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn như xoa bóp, bấm huyệt, các lớp kỹ năng chăn nuôi, tin học văn phòng, làm đồ thủ công, làm tăm tre... cho các hội viên và đã đạt được nhiều thành công nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Lý do là thiếu hụt cơ sở vật chất cho việc hỗ trợ học viên, cơ hội nghề nghiệp cho những người khuyết tật đặc biệt là người khiếm thị còn rất hạn chế, thiếu các cơ sở giáo dục, dạy nghề ở cấp cơ sở như huyện, xã, thôn và các tỉnh lẻ. Ngoài ra, việc tìm đầu ra cho học viên là rất khó khăn vì các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về người khuyết tật. Chưa kể, trình độ học vấn của người khuyết tật hiện nay còn thấp, nhiều người khuyết tật vẫn còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm, có những người khuyết tật chưa định hướng được nghề nghiệp phù hợp dẫn đến việc họ không biết thế mạnh của mình là gì, vì vậy, họ đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội được tham gia vào thị trường lao động vốn đã nhiều sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, có những học viên đã học rất nhiều nghề nhưng khi hoàn thành thì lại không kiếm được công việc ổn định. Vì thế, vẫn còn nhiều người khiếm thị chưa kiếm được việc làm. Ngoài ra, gia đình vẫn còn có tư tưởng bao bọc sợ con ra ngoài dễ bị lợi dụng nên gia đình không muốn tạo điều kiện cho con em họ đi học nghề. Có một số ít người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa chưa biết được các trung tâm đào tạo nghề nên họ không biết phải tìm ở đâu, chỉ khi có người quen giới thiệu thì gia đình mới cho họ đi học. Việc tham gia vào thị trường lao động là ước mơ không chỉ riêng bất kì ai, trong đó có cả người khuyết tật. Ngoài việc đào tạo nghề, việc tìm việc làm cho học viên rất quan trọng. Chưa kể, công tác tư tưởng cho gia đình học viên để họ đồng ý đưa con em họ tham gia học nghề là rất khó khăn. Thế nhưng, để làm được điều đó cần có sự chung tay của cộng đồng và xã hội để giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội được học nghề, "CẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁO DỤC, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIÚP HỌ CÓ CÔNG ĂN VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG" - Bà Đinh Việt Anh bày tỏ.

Vẫn còn thiếu sự hỗ trợ phù hợp

Hiện nay, cả nước có hơn sáu triệu người khuyết tật chiếm 7.6% dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ người khuyết tật được giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm còn thấp. Chưa kể, tỉ lệ người khuyết tật có bằng cấp còn hạn chế. Sự hỗ trợ người khuyết tật chưa phù hợp dẫn đến số lượng người khuyết tật chưa đảm bảo được sinh kế. Để nhận được sự hỗ trợ này, hầu hết người khuyết tật phải đi học ở những thành phố lớn và họ bắt buộc phải xa gia đình. Ở những tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có rất ít trung tâm đào tạo nghề cho họ. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật trẻ thì càng khó có cơ hội tiếp cận với những nghề mới. Thế nên, khả năng bị bỏ lại là rất cao. Nhiều tổ chức đã cố gắng hỗ trợ người khuyết tật tốt nhất có thể nhưng tình trạng người khuyết tật chưa được đào tạo nghề vẫn còn cao. Cần có những giải pháp tối ưu để tất cả người khuyết tật được hỗ trợ việc làm ở mức tối đa, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh quá trình hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống.

Nhìn ra thế giới

Ở các nước phát triển, người ta rất chú trọng quan tâm tới giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật. Tiêu biểu như ở Pháp, người khiếm thị được ưu tiên cung cấp, hướng dẫn đào tạo, họ được làm việc trong mọi lĩnh vực: công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, kỹ sư xây dựng…

Họ được đi học như người bình thường, học trường bình thường bởi họ có những công cụ hỗ trợ, mỗi trường học luôn có bộ phận giúp đỡ học sinh khuyết tật. Họ cũng học đại học, làm thạc sĩ, tiến sĩ … như tất cả mọi người.

Các doanh nghiệp ở Pháp bắt buộc phải tuyển người khuyết tật. Ở Mỹ, việc tách biệt trường dành cho người bình thường và người khuyết tật là không có, bởi mọi người tin rằng ai cũng cần có quyền được phát triển bình đẳng. Hay ở Nepal, người khuyết tật được nhận vào làm việc cho các công ty nếu họ đáp ứng đầy đủ nhu cầu từ phía nhà tuyển dụng. Nếu trường hợp, các công ty không nhận người khuyết tật vào làm việc chỉ vì lý do bị khiếm thị nên không đáp ứng đủ điều kiện công việc thì người lao động có thể khởi kiện công ty đó ra tòa với điều kiện là họ phải có bằng chứng đầy đủ khẳng định là công ty đó có thái độ kì thị, phân biệt đối xử và có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó. Trên đây là những ví dụ tiêu biểu để chúng ta có thể tham khảo trong việc cải thiện chất lượng cũng như khắc phục khó khăn trong việc giáo dục, dạy nghề cho người khuyết tật ở nước ta. Mong rằng, Đảng và Nhà nước ta có những chế tài hợp lý để người khuyết tật có thêm cơ hội việc làm, góp phần nâng cao đời sống, giảm bớt sự phụ thuộc vào gia đình, xã hội, đạt được mục tiêu CHƯƠNG TRÌNH CUỐC GIA xóa đói, giảm nghèo bền vững và chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030..

Cường Nguyễn – Hội Người Khiếm thị

Media/1_TH1058/Images/anh-11.jpg

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới