Vai trò và nội dung luyện nghe cho trẻ khiếm thính

04 tháng 11/2023

Chúng ta biết rằng vào thời kỳ La Mã, con người đã chú ý tới việc dạy người điếc nói, khi đó sức nghe của người điếc được chứng minh là có. Itard đã chỉ ra rằng người khiếm thính còn lại sức nghe và sức nghe đó ở dạng “tiềm ẩn” và phải được “đánh thức”. Ông đã xây dựng các bài tập luyện nghe để kích thích khả năng nghe của người điếc. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy vai trò đầu tiên của viêc luyện nghe với trẻ khiếm thính là: tận dụng sức nghe còn lại để phát triển khả năng nghe của trẻ.

Các kỹ năng nghe của trẻ phát triển qua các giai đoạn, mất thính lực ảnh hưởng tới các kỹ năng nghe của trẻ. Nhưng với trẻ khiếm thính thì dù mất thính lực ở mức độ nào thì đa số trẻ vẫn có khả năng nghe được các âm thanh có cường độ lớn như tiếng trống, tiếng sấm…. Do đó luyện nghe có tác dụng tận dụng sức nghe còn lại của trẻ. Hơn nữa, việc luyện nghe còn là điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ lời nói. Trẻ khiếm thính sau khi cấy điện cực ốc tai khả năng nghe của trẻ rất tốt. Do vậy việc luyện nghe lại càng đóng vai trò quan trọng đối với trẻ khiếm thính sau khi cấy điện cực ốc tai.

Mặc dù có ít trẻ khiếm thính còn nghe được những âm thanh ở giải tần cao như tiếng sáo, nhưng đa số trẻ còn nghe được những âm thanh có tần số thấp (trầm) như tiếng sấm. Nếu được luyện nghe, trẻ sẽ phát triển và biết tận dụng tối đa khả năng nghe còn lại của mình. Tuỳ theo mức độ nghe của trẻ, sự can thiệp sớm hay muộn, sự phù hợp của máy trợ thính mà khả năng nghe và ngôn ngữ nói được hình thành và phát triển ở các mức độ khác nhau. Việc tận dụng phần còn lại của thính lực (khả năng nghe của trẻ) có một ý nghĩa đặc biệt trong hình thành và phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ.

Trẻ khiếm thính trước khi cấy điện cực ốc tai ở mức độ điếc sâu, hầu như không nghe thấy âm thanh lời nói. Sau khi cấy điện cực ốc tai ngưỡng nghe của trẻ sẽ thấp xuống. Nhưng trẻ không thể nghe thấy âm thanh ngay được vì trẻ chưa có kinh nghiệm nghe và chưa nghe được âm thanh.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy ngay từ khi nằm trong bụng mẹ trẻ đã có thể nghe được âm thanh và có thể phản ứng lại với các âm thanh nghe được. Con đường nghe của trẻ phát triển một cách tự nhiên. Còn với trẻ cấy điện cực ốc tai việc nghe sẽ khác với trẻ bình thường:

- Trẻ bình thường nghe thông qua việc tiếp nhận âm thanh một cách tự nhiên.

- Trẻ đeo máy trợ thính nghe qua máy trợ thính.

- Trẻ cấy điện cực ốc tai nghe qua các thiết bị ốc tai điện tử.

Trẻ phát triển kỹ năng nghe qua bốn giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nghe phát hiện âm thanh “có hay không có âm thanh”.

Giai đoạn 2: Phân biệt âm thanh.

Giai đoạn 3: Phát hiện âm thanh.

Giai đoạn 4: Nhận dạng  và hiểu lời nói.

Luyện nghe cho trẻ khiếm thính cũng phải dựa trên các cơ sở giai đoạn phát triển kỹ năng nghe như trẻ bình thường.

Khi tiến hành luyện nghe cho trẻ khiếm thính chúng ta phải nắm được các giai đoạn phát triển các kỹ năng nghe của trẻ bình thường. Đối với trẻ khiếm thính, do mất sức nghe nên các kỹ năng nghe của trẻ sẽ phát triển chậm hơn so với trẻ bình thường . Ở mỗi kỹ năng nghe thì nội dung luyện nghe cho trẻ lại khác nhau. Nhưng các kỹ năng nghe đó có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Kỹ năng trước làm cơ sở nền tảng để phát triển kỹ năng tiếp theo. Sau khi trẻ đã có kỹ năng nghe thì lại là cơ sở cho việc học ngôn ngữ nói. Thông qua nghe trẻ hiểu được ngôn ngữ lời nói.

Trẻ bình thường đạt tới kỹ năng nghe cuối cùng vào khoảng 9 – 12 tháng tuổi. Trẻ khiếm thính sẽ cần thời gian dài hơn với sự hỗ trợ đặc biệt để có thể phát triển theo trình tự đó. Chẳng hạn trẻ khiếm thính phải đến 4 tuổi mới đạt được giai đoạn 3.

      • Nội dung luyện nghe cho trẻ khiếm thính:

Giai đoạn 1: Nghe phát hiện âm thanh “ có hay không có âm thanh”:

Mục đích: Để trẻ khiếm thính phát hiện ra có âm thanh hay không có âm thanh.

Về mặt tần số có thể chia âm thanh ra làm 3 loại:

- Các âm thanh có tần số trầm : Tiếng trống, tiếng thở dài,  nguyên âm /u/, phụ âm /m/…..

- Các âm thanh có tần số trung : tiếng chuông, nguyên âm /a/,…

- Các âm thanh có tần số cao: Tiếng sáo, các phụ âm /x/, /s/….

Còn nếu phân loại dựa vào cách tạo ra âm thanh có:

- Âm thanh do con người tạo ra: Vỗ tay, giậm chân, cười, khóc, ….

- Âm thanh do các dụng cụ phát ra như: Trống, kèn, sáo,… Những âm thanh tự nhiên: mưa, sấm, chớp….

Những âm thanh giọng nói: nguyên âm, phụ âm vô thanh,hữu thanh, gọi tên, từ, câu hát….

Ở giai đoạn này khi luyện nghe không quan trọng trẻ phải nói âm thanh nghe được là âm thanh gì như “trống”. Tuy nhiên khi trẻ nói được không nên gạt đi mà cần khen trẻ, động viên trẻ.

Khi luyện nghe, cần giải thích cho trẻ biết nhiệm vụ của mình là gì.

Luyện nghe tránh trẻ nhìn thấy hình miệng hay nguồn âm thanh phát ra. Giáo viên có thể cho trẻ nhắm mắt lại, đứng phía sau trẻ hoặc ngồi cạnh trẻ bên tai nghe tốt.

Ở giai đoạn này nên bắt đầu luyện nghe cho trẻ từ những âm dễ nhất và nên dựa vào thính lực đồ để biết trẻ nghe ở những âm nào là dễ. Thông thường đó là những âm trầm.

Trong quá trình luyện nghe, các bài tập cần được xây dựng dưới các hình thức trò chơi sẽ khiến trẻ hứng thú hơn. Đặc biệt khi luyện nghe trẻ cần được đeo máy.

Các bài tập luyện nghe đưa ra phải phù hợp với trẻ không nên quá dễ và quá khó với trẻ.

Đối vơi giai đoạn 1, khi luyện nghe chú ý không chỉ luyện nghe với các âm đơn lẻ mà cần kết hợp với các chuỗi âm thanh như: bababababa, mamamma…

Gia đoạn 2: Phân biệt âm thanh “giống nhau hay khác nhau”.

Mục đích: Luyện cho trẻ khiếm thính phân biệt được hai âm khác nhau bằng cách nghe hai âm và trả lời “giống nhau” hay “khác nhau”.

Nghe phân biệt âm thanh “giống nhau hay khác nhau” đặc biệt quan trọng đối với trẻ nghe khó khăn ở giai đoạn 3. Để trẻ có thể nói âm thanh “giống nhau” hay “khác nhau” cũng  cần rất nhiều thời gian. Giáo viên phải cung cấp khái niệm giống nhau và khác nhau cho trẻ. Do vậy, lúc đầu giải thích nhiệm nghe của học sinh kết hợp với việc giải thích hình miệng.

Khi luyện nghe có thể luyện theo nhóm âm thanh:

    • Âm do các dụng cụ phát ra:

Âm trầm – âm trầm và âm trầm – âm trung

Âm trầm – âm trầm và âm trầm – âm cao

Âm trung – âm trung và âm trung – âm cao

Âm trung – âm trung và âm trung – âm trầm

Âm cao – âm cao và âm cao – âm trầm

Âm cao – âm cao và âm cao – âm trung

Ví dụ:

Tiếng trống – tiếng trống và tiếng trống – tiếng chuông

Tiếng trống – tiếng trống và tiếng trống – tiếng sáo

    • Âm thanh của cơ thể.
    • Tiếng con vật ghi âm.
    • Tiếng con vật bắt chước.
    • Âm thanh của môi trường : tiếng xe máy, ô tô….
    • Âm thanh lời nói : âm láy, nguyên âm, phụ âm, tiếng nói ( giọng nam, giọng nữ…).
    • Âm thanh lời nói có âm điệu và siêu đoạn khác nhau: bababaBAba, bababababaBA, ….. có cường độ bằng nhau, cường độ khác nhau tần số bằng nhau, tần số bằng nhau, trường độ không bằng nhau.

Giai đoạn 3: Phát hiện âm thanh.

Mục đích: Trẻ phải biết được âm thanh và nguồn gốc của âm thanh là từ đâu.

Ở giai đoạn này trẻ đã có thể phân biệt âm thanh do vậy việc phát hiện âm thanh là âm thanh gì với trẻ không còn khó khăn.

Đối với giai đoạn nào cũng vậy khi tiến hành luyện nghe cần phải giải thích rõ nhiệm vụ của trẻ.

Cho trẻ luyện tập các bài tập theo nhóm:

    • Âm thanh do dụng cụ phát ra.
    • Âm thanh của con vật ( ghi âm, bắt chước).
    • Âm thanh môi trường.
    • Âm thanh lời nói.
    • Âm thanh để phân biệt giữa âm điệu và tất cả các thành tố của lời nói.
    • Ngôn ngữ trong hội thoại nhìn lại : câu, cụm từ, từ có ít khác biệt về mức độ âm vị.

Giai đoạn 4: Nhận biết và hiểu lời nói.

Mục đích: trẻ phải hiểu lời nói qua kênh thính giác. Để làm như vậy trẻ sẽ không nhắc lại câu hỏi mà sẽ đưa ra câu trả lời nếu là câu hỏi và đưa ra hành động nếu là yêu cầu.

Bất kỳ giai đoạn nào khi luyện nghe cũng cần giải thích nhiệm của trẻ, ở giai đoạn 4 cần giải thích cho trẻ thế nào là nghe và hiểu lời nói.

Ở giai đoạn này hoạt động luyện nghe cho trẻ có thể thiết kế dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Đầu tiên nên bắt đầu với nhũng câu chuyện liên quan tới bản thân trẻ như:

Con tên gì?

Con mấy tuổi?...

Nếu trẻ không thực hiện được giáo viên có thể giúp đõ trẻ. Có thể cho trẻ nhìn hình miệng xem giáo viên nói gì.

Ở giai đoạn 4 các bài tập có thể là:

-  Chép chính tả (nếu học sinh biết viết).

- Kể chuyện cho học sinh nghe, học sinh có thể nắm được nội dung chuyện, tên các nhân vật trong chuyện.

- Viết chuyện, hay chính là viết lại một câu chuyện theo cách riêng của học sinh về những gì trẻ thấy thú vị, những gì trẻ được trải nghiệm.

- Sử dụng các âm láy, trẻ nghe và nhắc lại hoặc viết vào vở.

- Nói chuyện theo các chủ đề: ngắn gọn dễ hiểu với trẻ.

- Hát cho trẻ nghe và cho trẻ ngâm nga theo lời bài hát hoặc thực hiện các động tác trong lời bài hát, phân biệt  ca từ trong bài hát….

- Chơi các trò chơi : bán hàng, cho búp bê ăn…để trẻ có thể nghe, phản hồi và tương tác với người khác, hiểu người khác đang làm gì, nói gì.

- Đọc thơ cho trẻ nghe, để trẻ cảm nhận được nhịp điệu của bài thơ, thuộc được bài thơ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ y tế viện tai mũi họng, tổ chức y tế thế giới VTN/PBD – 001. Bài giảng thính học, Hà Nội, 11 – 15/12/1995.
  2. Can thiệp sớm- một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ khiếm thính. Số 14, tháng 6-2002.
  3. Dene Stovall. Dạy trẻ khiếm thính nói. Biên dịch: Tổ giáo dục trẻ khiếm thính, khoa giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007.
  4. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Đại cương giáo dục trẻ khiếm thính, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.
  5. Trần Thị Thiệp, Luyện nghe, Tài liệu dịch
  6. Auditory skills program  for students with Hearing Impairment (book 1), Text by Sylvia Romanik, Illustrated by John Gillies, 1990.

Nguyễn Hằng

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới