Chương trình giáo dục cơ bản của Hàn Quốc

10 tháng 09/2021

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực về giáo dục đặc biệt của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia" giữa Viện Khoa học Giáo Việt Nam và Tổ chức Angel's Haven Hàn Quốc, ngày 9.9.2021, buổi đào tạo số 3 dành cho các nhà nghiên cứu đã được thực hiện với chủ đề “Chương trình giáo dục cơ bản của Hàn Quốc”. Giảng viên: Giáo sư Jeong Joo Young – Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt cấp tiểu học, Đại học Konyang.

Giáo sư Jeong Joo Young đã giới thiệu về Chương trình giáo dục cơ bản hiện hành của Hàn Quốc (chương trình 2015) với các nội dung chính: Đối tượng, mục tiêu, đặc điểm, quá trình phát triển, phân phối chương trình, những tranh luận trong quá trình thực hiện và những đề xuất cho việc phát triển Chương trình giáo dục cơ bản trong tương lai. Trong đó nhấn mạnh:

-           Là chương trình thay thế dành cho những học sinh từ lớp 1 – lớp 12 gặp khó khăn khi tham gia Chương trình giáo dục chung và Chương trình định hướng lựa chọn.

-           Là chương trình giáo dục được xây dựng, thiết kế đáp ứng nhu cầu của người học. Nội dung giáo dục của chương trình gắn liền với thực tiễn cuộc sống và lấy đời sống của học sinh làm nền tảng.

-           Là chương trình trọng tâm phát triển 06 năng lực cốt lõi: Tự quản lý bản thân, giao tiếp, thẩm mỹ, tư duy sáng tạo, xử lý thông tin kiến thức và hòa nhập cộng đồng. Tiêu chuẩn năng lực ở mỗi môn học sẽ được xây dựng dựa trên 6 năng lực trọng tâm này.

Media/1_TH1058/Images/t1png.png

Giáo sư Jeong cũng chia sẻ: Dù là chương trình được phát triển mới nhất nhưng các nhà phát triển chương trình giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc cũng đã nhận thấy vấn đề cần phải giải quyết: tính hợp lý của nội dung môn học, những hạn chế trong đánh giá, khả năng ứng được yêu cầu của học sinh hoặc phương thức trải nghiệm bị giới hạn bởi môn học. Từ đó, Giáo sư Jeong cho rằng trong tương tai, Chương trình giáo dục cơ bản Hàn Quốc cần: 1) Có những điều chỉnh về nội dung giáo dục theo mục đích giáo dục của trường học: Sắp xếp các trải nghiệm cung cấp cho người học thành các chủ đề và được cấu trúc, phân bổ hợp lý, trong đó các chủ đề cuộc sống là cốt lõi để phát triển các kĩ năng cho học sinh; 2) Đánh giá kết quả giáo dục: tập trung vào đánh giá quá trình bao gồm cả trong giờ học, sự thay đổi tích cực, thành công của học sinh.

Nội dung đào tạo của Giáo sư Jeong vô cùng hữu ích cho các nhà nghiên cứu giáo dục đặc biệt Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam cần phát triển chương trình dành cho học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt dựa trên Chương trình phổ thông 2018.

                                                                                    Ths. Phạm Trang

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới