Hội thảo chuyển đổi và nhân bản Sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn

11 tháng 06/2021

Ngày 10/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 456/KH - BGDĐT về việc Chuyển đổi và nhân bản Sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn. Mục đích của Kế hoạch này nhằm xác định nhu cầu sử dụng Sách giáo khoa chữ nổi của học sinh các lớp 1,2,6 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2021 -2022 và xây dựng các bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille mẫu các lớp 1,2,6 để nhân bản sách các lớp đủ cung cấp cho học sinh khuyết tật nhìn trước năm học 2021 -2022. 

Để thực hiện được kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức các hoạt động triển khai kế hoạch. 

Ngày 7/6/2021, tại trụ sở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam số 52 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về việc chuyển đổi và nhân bản sách giáo khoa lớp 1,2,6. Tham dự Hội thảo trực tuyến có các trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Trường Hỗ trợ và Giáo dục trẻ em thiệt thòi Thái Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Hội người mù Việt Nam. Hội thảo đã lắng nghe các đơn vị chia sẻ quy trình, kinh nghiệm chuyển đổi Sách giáo khoa chữ nổi. Việc chuyển đổi Sách giáo khoa cần đảm bảo tối đa kênh chữ và kênh hình để học sinh khuyết tật nhìn có thể tri giác trọn vẹn thông tin. Hội thảo cũng liệt kê tiềm lực các đơn vị trong việc in ấn, nhân bản sách giáo khoa. Song song với các hoạt động này, công tác thu thập số liệu nhu cầu sử dụng sách giáo khoa chữ nổi cũng đã được gửi văn bản đến Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Hội người mù các tỉnh. 

Tiếp sau Hội thảo trực tuyến này là các Hội thảo chuyển đổi và Thẩm định Sách giáo khoa chữ nổi các đơn vị tiến hành chuyển đổi để đầu tháng 8.2021 có thể tiến hành in ấn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng sách cho năm học 2021 - 2022. 

 

Media/1_TH1058/Images/braill-web.jpg

Hình ảnh Hội thảo trực tuyến

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới