HỘI THẢO THỰC TRẠNG GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT VIỆT NAM, HÀN QUỐC VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO TƯƠNG LAI

08 tháng 08/2022

Hôm nay ngày 06 tháng 08 năm 2022, tại trường đại học Baekseok đã diễn ra hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật”.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Viện Giáo dục Đặc biệt Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Konyang, Đại học Baeseok, Đại học Chungang, Đại học Hankuyng, Đại học Kuyngdong, các trường chuyên biệt và các nhà khoa học đến từ Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo có sự tham gia đông đảo của sinh viên giáo dục đặc biệt từ các các trường đại học của Hàn Quốc. Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nội dung trọng tâm của hội thảo là trao đổi về thực trạng cũng như định hướng phát triển giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc, Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục.

Ở phiên thứ nhất, ông Lee Hanwoo – Viện trưởng Viện Giáo dục Đặc biệt Quốc gia Hàn Quốc đã trình bày các vấn đề thực tiễn của giáo dục đặc biệt Hàn Quốc như tỉ lệ học sinh khuyết tật ở từng đối tượng, mô hình trường học, cập nhật luật giáo dục đặc biệt, chương trình, kế hoạch giáo dục đặc biệt trong thời gian tới. Bài trình bày của ông đã chia sẻ, mỗi năm tỉ lệ trẻ khuyết tật tại Hàn Quốc tăng khoảng 5% và khoảng 100.000 trẻ năm 2022, trong đó tỉ lệ trẻ khuyết tật trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ tăng cao hơn cả. Trong bài chia sẻ của mình, ông Lee cũng nhấn mạnh các vấn đề cần chú trọng về giáo dục đặc biệt trong 5 năm tới, bao gồm: thay đổi nhận thức của người dân về người khuyết tật; cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập; nâng cao năng lực giáo dục đặc biệt cho giáo viên cũng như nhà nghiên cứu; trọng tâm giáo dục suốt đời cho người khuyết tật; thực hiện giáo dục người khuyết tật phù hợp với từng mô hình, từng đối tượng ở từng giai đoạn.

Media/1_TH1058/Images/991e5922-b/3.png

Ông Lee Hanwoo – Viện trưởng NISE trình bày tại hội thảo

Cũng tại phiên toàn thể này, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã trình bày các vấn đề về thực tiễn cũng như các giải pháp cho giáo dục đặc biệt Việt Nam, bao gồm: tỉ lệ trẻ khuyết tật ở Việt Nam; tỉ lệ trẻ khuyết tật tham gia 3 phương thức giáo dục hòa nhập, hội nhập và chuyên biệt; những thành tựu giáo dục đặc biệt Việt Nam đã đạt được; hệ thống các cơ sở giáo dục cho người khuyết tật ở Việt Nam; các vấn đề còn tồn tại cũng như đề xuất các giải pháp cho giáo dục đặc biệt Việt Nam trong thời gian tới.

Media/1_TH1058/Images/b4b59edf-f/4.png

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc NCSE trình bày tại hội thảo

Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Kim Hoa cũng nhấn mạnh sự thiếu hụt toàn diện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực được đào tạo về giáo dục đặc biệt, trang thiết bị, phương tiện đồ dùng dạy học, cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu đa dạng của người khuyết tật ở từng địa phương, đặc biệt 50% trẻ khuyết tật nặng chưa được tiếp cận giáo dục. Trên cơ sở thực tiễn TS. Nguyễn Thị Kim Hoa cũng đề xuất 4 giải pháp trọng tâm để cải thiện chất lượng giáo dục đặc biệt Việt Nam trong thời gian tới, gồm: thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đặc biệt, số hóa dữ liệu giáo dục đặc biệt, đa dạng hóa mô hình giáo dục đặc biệt và cần thực hiện phối hợp liên ngành, phát triển nguồn lực cho giáo dục đặc biệt.

Ở phiên thứ hai, bà Hà Thanh Vân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quận Tân Bình thành phồ Hồ Chí Minh đã chia sẻ thêm thông tin về việc thực hiện chương trình giáo dục tại các cơ sở chuyên biệt Việt Nam cũng như đưa ra các khuyến nghị trong thời gian tới.

Media/1_TH1058/Images/f1847874-c/5.png

Bà Kim Jiyi – Giáo viên giáo dục đặc biệt tại Seongnam Sungkwang

Đối với các nhà khoa học, giáo viên đến từ Hàn Quốc, họ đã tập trung chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục. Các bài chia sẻ nhấn mạnh tư tưởng giáo dục thể chất cho học sinh khuyết tật cần đảm bảo 3 yếu tố: An toàn – thành công – mãn nguyện. Việc thực hiện giáo dục thể chất cũng cần dựa trên đặc điểm của từng đối tượng học sinh khuyết tật và đáp ứng đa dạng khả năng, nhu cầu của các em.

Hội thảo kết thúc vào lúc 16h30 cùng ngày với những hi vọng mới cho nền giáo dục đặc biệt Việt Nam và Hàn Quốc. Các nhà khoa học cũng mong đợi, trong thời gian tới ngành giáo dục đặc biệt của hai nước sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu, chia sẻ, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau.

                                                                                                 Ths. Phạm Trang

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới