KHOA HỌC GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

12 tháng 02/2022

PGS.TS Nguyễn Đức Minh

 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

  1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, chăm sóc, giáo dục người khuyết tật đã có từ lâu đời. Với truyền thống nhân ái, người khuyết tật không bị ghét bỏ mà được quan tâm, chăm sóc. Ngay trong bộ luật đầu tiên của Việt Nam, Luật Hồng Đức đã có Điều 294 quy định: “Ở những phường hẻm hay trong kinh thành hoặc ở hương thôn, xã có người bệnh tật không ai nuôi nấng, nằm ở dọc đường sá, cầu, điếm, chùa, quán thì cho phép quan bản phường xã đó dựng lều cho họ ở, chăm sóc che chở, cấp cơm cháo, thuốc men cứu sống họ, không được bỏ mặc họ rên rỉ, khốn khổ. Không may kẻ ấy chết thì trình quan trên, liệu bề chôn cất, không được để hài cốt phơi bày ra đó. Nếu trái lệnh này thì quan phường xã bị biếm hay bị bãi chức…”. Ta thấy rất rõ các quy định dạng “quy phạm pháp luật” ngày trước đã có các chế tài nếu không thực hiện đúng. Không có tư liệu về giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục thời phong kiến. Có một số cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người có các dạng khuyết tật được thành lập cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, giáo dục người khuyết tật với tư cách như một chuyên ngành của giáo dục học thì được hình thành rất muộn. Để phát triển giáo dục đặc biệt, giáo dục Việt Nam đã thực hiện từng bước và bước đầu tiên là phát triển khoa học giáo dục đặc biệt. Bài viết này đưa ra một số mốc về quá trình hình thành, phát triển của khoa học giáo dục đặc biệt Việt Nam và một số định hướng chính cho giáo dục đặc biệt Việt Nam trong bối cảnh cách mạng cộng nghệ 4.0.

  1. Nội dung nghiên cứu
    1. Nghiên cứu Giáo dục Đặc biệt giai đoạn đến 1987

Chiến tranh khốc liệt, đói nghèo trong gần hết cả thế kỷ XX là nguyên nhân làm ra tăng số người khuyết tật tại Việt Nam. Đất nước bị chia cắt thành hai miền. Miền Nam có một số cơ sở giáo dục chuyên biệt tiếp nhận một số ít trẻ khuyết tật để nuôi dưỡng và dạy học. Miền Bắc chưa có điều kiện để thành lập các cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng và công bảng tham gia giáo dục cho mọi người vẫn luôn là mối quan tâm của Nhà nước. Những trẻ khuyết tật nhẹ vẫn được các trường phổ thông tiếp nhận, giáo dục. Những trẻ khuyết tật đặc biệt nặng thì không thể đến trường vì nhà trường không đủ điều kiện để tiếp nhận. Trong tình hình rất khó khăn đó, cuối những năm 60, thế kỷ XX Nhà nước quyết định nhờ Liên xô đào tạo chuyên gia về giáo dục đặc biệt cho Việt Nam. Một nhóm thầy giáo là hiệu trưởng, hiệu phó tiêu biểu của các trường cấp 1 (tiểu học) và cấp 2 (THCS) được lựa chọn để cử sang nước bạn học về giáo dục đặc biệt.

...

Tập tin đính kèm
Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới