Làm sao để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội?

07 tháng 06/2021

Làm sao để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội

Tự kỉ hay rối loạn phổ tự k (RLPTK) đề cập đến một loạt các tình trạng đặc trưng bởi những thách thức về các kỹ năng xã hội, hành vi lặp đi lặp lại, giao tiếp bằng lời nói và phi ngôn ngữ. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ, chứng tự kỷ ảnh hưởng đến khoảng 1 trong số 54 trẻ em ở Hoa Kỳ hiện nay (Theo số liệu năm 2020).

Như vậy, khiếm khuyết về kỹ năng xã hội là một trong những khiếm khuyết điển hình ở trẻ RLPTK. Chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ hình thành và phát triển các kĩ năng xã hội? Ở bài viết này chúng tôi giới thiệu các kĩ thuật dạy giao tiếp xã hội của Brooke Ingersoll & Anna Dvortcsak với các bước sau:

  • Bước 1: Dùng kỹ thuật Hãy theo sự dẫn dắt của bé
  • Bước 2: Tạo cơ hội cho con tham gia vào giao tiếp
  • Bước 3: Đợi con tham gia hoặc giao tiếp
  • Bước 4: Đáp lại hành vi của con khi hành vi có ý nghĩa, làm theo hành vi, và thể hiện cho con thấy những hành vi mà bạn muốn con áp dụng.

Mỗi bước được cụ thể hóa như sau:

  • Bước 1: Dùng kỹ thuật Hãy theo sự dẫn dắt của bé.  Kỹ thuật dạy có tính chất tương tác đầu tiên là Hãy theo sự dẫn dắt của bé.  Điều này có nghĩa là bạn để cho con lựa chọn đồ chơi hoặc hoạt động.  Điều này đảm bảo rằng con sẽ có hứng thú và động lực.  Khi đó bạn đặt mình vào tầm nhìn của con, đối diện với con và tham gia chơi cùng con.
  • Bước 2: Tạo cơ hội cho bé tham gia vào giao tiếp.  Bạn có thể tạo ra cơ hội cho con tham gia hoặc giao tiếp với bạn bằng cách áp dụng một hoặc nhiều kỹ thuật dạy tương tác.  Mỗi kỹ thuật là một cách tham gia vào chơi cùng con và khuyến khích con mời bạn tham gia theo một cách nào đó.  Hãy bắt chước bé, Minh họa bằng cử chỉ điệu bộ (hãy biết chơi sinh động), và Làm mẫu và Phát triển ngôn ngữ (mô tả và bình luận về trò chơi của con) là những kỹ thuật đầu tiên mà bạn sẽ áp dụng để khiến con bạn tham gia giao tiếp với bạn.  Nếu như những kỹ thuật này không giúp cho con bạn ghi nhận sự có mặt của bạn thì một trong ba kỹ năng dạy tương tác khác có thể được áp dụng: Những vật cản thú vị, Chơi luân phiên bình đẳng, và Dụ dỗ để bé giao tiếp.  Các kỹ thuật này tạo ra các tình huống trong đó con sẽ muốn một điều gì đó gắn với bạn.  Để có được điều mình muốn - hoặc tránh được điều con không muốn (Những vật cản thú vị) - thì con phải giao tiếp với bạn.
  • Bước 3. Đợi bé tham gia hoặc giao tiếp.  Sau khi áp dụng một kỹ thuật dạy tương tác, bạn sẽ đợi xem con có ghi nhận sự có mặt của bạn hay giao tiếp với bạn theo một cách nào đó không.  Với một số trẻ, điều này có thể chỉ là một thoáng giao tiếp mắt hoặc là một sự thay đổi tư thế cơ thể.  Với những trẻ khác, có thể là điệu bộ (như chỉ, với tay, v.v.),  một sự thể hiện cảm xúc (mỉm cười, phản đối v.v.), lời nói, những cố gắng nói thành lời (phát âm gần giống lời nói), hoặc âm thanh.  Một phần quan trọng của chương trình này là học cách con bạn tự giao tiếp hiện nay và từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp của con.
  • Bước 4. Đáp lại hành vi của con khi hành vi có ý nghĩa, làm theo hành vi, và thể hiện cho con thấy những hành vi mà bạn muốn con áp dụng.  Khi con ghi nhận sự có mặt của bạn, hãy đáp lại hành vi có ý nghĩa của con - mặc dù dường như con có thể không có ý định rõ ràng.  Ví dụ, nếu con kêu lên một tiếng phản đối, hãy hiểu điều này là yêu cầu bạn dừng việc bạn đang làm.  Hãy nghe theo - và đồng thời lúc đó bạn hãy nói “Dừng lại” hoặc “Mẹ ơi, dừng lại”.  Làm như vậy để con thấy rằng âm thanh của con có ý nghĩa và đạt được hiệu quả mong muốn.  Đồng thời, cho con thấy một cách khác, và phù hợp hơn để giao tiếp cùng một ý nghĩa.  Bạn vẫn kiểm soát được hành vi nào là được chấp nhận và hành vi nào không được chấp nhận ở con.  Không nghe theo các hành vi xấu của con.

 

Ví dụ minh họa:

Trong hoạt động vệ sinh cá nhân: Sau khi cho Phúc đánh răng, mẹ bế Phúc trước gương và giơ tay nói xin chào, mẹ gõ vào gương để Phúc chú ý nhưng Phúc lại với tay xuống dưới. (Kỹ thuật theo sự dẫn dắt của bé)

Mẹ nhìn xuống thì thấy dưới gương là bồn nước rửa tay, mẹ mở vòi nước và nói “nước”, Phúc nói “nước, nước” và giơ tay dưới vòi nước. (Tạo cơ hội cho con giao tiếp và đợi con tham gia giao tiếp)

Hai mẹ con cùng thực hiện hoạt động rửa tay, mẹ để Phúc rửa tay rồi đến mẹ rửa tay luân phiên lần lượt. Trong quá trình chơi, mẹ thường xuyên nói lặp lại “nước”, “rửa tay” (Đáp lại hành vi của con khi hành vi có ý nghĩa, làm theo hành vi của con và thể hiện cho con thấy những hành vi mà bạn muốn con áp dụng)

Lưu ý: Nước – là từ trẻ đã biết, mục đích của hoạt động này là hướng dẫn trẻ chủ động nói “rửa tay” và biết chơi luân phiên. Khi trẻ đã nói được từ “rửa tay” thì mẹ sẽ hướng dẫn con nói câu dài hơn: “Con rửa tay”, “Mẹ rửa tay”, “Con muốn rửa tay”, …

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Brooke Ingersoll & Anna Dvortcsak (2010), Teaching Social Communication to Children with Autism, The GuilFord Press.
  2. Mai Thị Phương (2021), Phát triển ngôn ngữ - giao tiếp cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ thông qua các hoạt động hàng ngày, Tạp chí Khoa học Giáo dục.
  3. https://www.autismspeaks.org/what-autism.

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới