NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

23 tháng 05/2023

NÂNG CAO HIỆU QUẢ

GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa

 

PGS.TS Phạm Minh Mục

Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGD Việt Nam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tính tới thời điểm hiện tại khoảng 30% người khuyết tật vì nhiều lý do chưa có điều kiện để tham gia giáo dục chính quy tại Việt Nam. Mục tiêu Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, tới năm 2030, 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Để thực hiện được điều này, ngành giáo dục cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng và số lượng các cơ sở đào tạo có người khuyết tật tham gia. Hệ thống giáo dục thường xuyên với các ưu điểm như: tính mở, linh hoạt về hình thức thực hiện, đa dạng về chương trình đào tạo nếu thực hiện tốt sẽ đảm bảo quyền được học tập theo nhu cầu, học tập suốt đời của mọi người khuyết tật Việt Nam. Trên cơ sở phân tích nhu cầu được giáo dục; thực trạng giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật.

I. Những vấn đề chung về Giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật

1. Giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật

Khoản 2 điều 5, Luật giáo dục 2019, định nghĩa Giáo dục thường xuyên (GDTX) được là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học. Tại Việt Nam, giáo dục thường xuyên được xây dựng và phát triển là cơ sở đào tạo theo hình thức gộp các loại hình học tập không chính quy tức là không phải thuộc hệ công lập. Người tham gia hệ giáo dục thường xuyên có thể tích hợp vừa học vừa làm có thể được đào tạo từ xa.

Giáo dục thường xuyên chính là một hệ thống gồm những loại hình học tập thuộc vào phạm vi giáo dục tiếp tục không bao hàm với hình thức giáo dục chính quy ở trong hệ thống giáo dục ban đầu. Bản chất giáo dục thường xuyên vẫn là hình thức là giáo dục trực tiếp, đối tượng chính là những người lớn tuổi không nằm trong độ tuổi phổ cập giáo dục hoặc những đối tượng không có điều kiện tham gia giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông, trong đó có người khuyết tật.

Đối tượng chính của giáo dục thường xuyên phần lớn là người lớn, bởi họ là những người có mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi việc học khi đã bỏ lỡ trước đây. Các đối tượng đã quá tuổi đi học có thêm cơ hội để đi học thêm lần nữa. Đối tượng của giáo dục thường xuyên, cũng có thể là những người muốn bổ sung thêm kiến thức, hoàn thiện kỹ năng trong nghề nghiệp. Đặc biệt, người khuyết tật là những người hoặc chưa được tham gia giáo dục, đào tạo hoặc do các điều kiện cá nhân chưa được tham gia giáo dục và đào tạo chính quy thì giáo dục thường xuyên chính là cơ hội để người khuyết tật hoàn thành các chương trình giáo dục hoặc bổ sung đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp.

2. Mục tiêu của giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật

Giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật có những mục tiêu cụ thể sau:

 Giáo dục thường xuyên được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho mọi người trong đó có người khuyết tật vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời mà không bị giới hạn quá về tuổi tác. Điều này được đưa ra để nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội; góp phần xây dựng xã hội học tập.

 Xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với năng lực và các điều kiện học tập của người học, phù hợp với điều kiện địa phương một cách linh hoạt mà không phụ thuộc vào các quy định bắt buộc cần nhiều đến các thủ tục hành chính; Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể tùy theo cơ sở đào tạo sẽ khác nhau về khối lượng kiến thức, kỹ năng truyền đạt và mục tiêu khi đào tạo;

 Giáo dục và Bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp nhằm trang bị, tăng thêm năng lực thực hiện nghề; bổ sung kiến thức mới, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn nghề nghiệp để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người khuyết tật, giúp họ tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất nhằm tạo thu nhập và sống tự lập.

 Hình thức giáo dục và đào tạo cho người khuyết tật có thể rất linh hoạt; có thể diễn ra tại Trung tâm, tại gia đình hoặc ngay tại các cơ sở sản xuất; các hình thức truyền đạt cũng linh hoạt theo hướng “Cầm tay chỉ việc”, kèm cặp hoặc theo hình thức nhóm nhỏ cho những người có những điều kiện, năng lực cá nhân tương đồng;

 Do đặc điểm cá nhân của người khuyết tật, hình thức giáo dục và đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng đa dạng và cần nhiều thời gian thực hành hơn so với người bình thường, vì vậy thời gian của các chương trình giáo dục và đào tạo cũng được thiết kế một cách linh hoạt;

Như vậy, khác với mục tiêu của các chương trình giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy; Mục tiêu của giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật cũng được thiết kế một cách linh hoạt; tạo điều kiện cho người khuyết tật ở các mức độ và khó khăn khác nhau vẫn có thể tham gia các chương trình giáo dục, đào tạo để tự hoàn thiện bản thân, có kỹ năng nghề nghiệp hướng tới cuộc sống độc lập và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

3. Vai trò của giáo dục thường xuyên đối với người khuyết tật

Giáo dục thường xuyên xây dựng theo hình thức là một cấu trúc giáo dục mở với đặc điểm là dành cho mọi người dân không phân biệt lứa tuổi, trình độ, vì vậy nó đặc biệt phù hợp với người khuyết tật khi do những hạn chế về đặc điểm cá nhân mà không thể tham gia giao vào các chương trình giáo dục chính quy; Đồng thời giáo dục thường xuyên có thể thiết kế linh hoạt chương trình, cũng như hình thức giáo dục, đào tạo phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Cụ thể:

Giáo dục thường xuyên có thể tiếp nhận mọi đối tượng người học, trong đó có người khuyết tật; người học có thể có trình độ và năng lực rất khác nhau đều có thể tham gia;

Hình thức và địa điểm thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo hoàn toàn linh hoạt, vì vậy người khuyết tật có điều kiện tham gia;

Phương pháp giáo dục, đào tạo linh hoạt: Với người khuyết tật, học tập có thể theo phương pháp truyền thống như tới lớp nghe giảng viên trình bày tài liệu, song cũng có thể học theo nhóm có sự hướng dẫn, dưới hình thức trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm.

Phương tiện học tập: Ngoài phương tiện học tập như tài liệu được in ấn thường thấy, các thiết bị như vô tuyến truyền hình, máy tính, điện thoại di động; với người khuyết tật còn cần sử dụng các loại phương tiện tự thiết kế phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.

Những ý tưởng và mục tiêu giáo dục cho người khuyết tật cũng linh hoạt sao cho phù hợp với đặc điểm cá nhân của người khuyết tật; đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương và đón đầu xu thế phát triển của xã hội;

Như vậy, Giáo dục thường xuyên không những tạo điều kiện cho người khuyết tật được tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo góp phần vào việc mang lại công bằng xã hội và bình đẳng trong giáo dục. Vì vậy, khi xây dựng xã hội học tập cần xác định mọi người phải xác định học tập suốt đời như một nghĩa vụ của công dân trong đó có người khuyết tật.

4. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Tại Đức, Tất cả các trẻ em khuyết tật là người Đức và con em người nước ngoài định cư ở Đức đều có quyền được giáo dục và đào tạo như trẻ em không khuyết tật trong các trường đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật. Ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ, tất cả trẻ em khuyết tật bắt buộc phải đến trường. Nhà nước, các Bộ, các ngành liên quan kết hợp với cha mẹ trẻ khuyết tật, tạo mọi điều kiện có thể để trẻ phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó các tổ chức từ thiện cũng góp phần tích cực để giúp các em “không bị bỏ lại phía sau”. Hệ thống giáo dục và đào tạo trẻ em khuyết tật từ bậc mầm non cho đến khi kết thúc ở trường học nghề. Sau khi kết thúc lớp 9, các em sẽ được chuyển đến cấp học nghề. Nếu trẻ khuyết tật chưa đủ điều kiện để học nghề, các em được phép học đúp một vài năm ở cấp cơ sở này. Mục đích của cấp học nghề là giúp cho các thanh, thiếu niên khuyết tật có th tự lập trong cuộc sống, vì hầu hết các em đã ở tuổi vị thành niên (18 tuổi). Các em được giúp đỡ định hướng để trở thành "người lao động” theo khả năng của từng em. Thầy cô giáo và nhà trường kết hợp với phụ huynh phân tích điểm mạnh cũng như điểm hạn chế của mỗi em, qua đó sẽ định hướng việc học nghề cho học sinh. Bên cạnh học nghề các em còn được học về vấn đề xã hội rất quan trọng như: quan hệ tình yêu nam nữ, các biện pháp phòng tránh thai cho nam và nữ. Mục tiêu của hoạt động này giúp hạn chế được hiện tượng có thai ngoài mong muốn của các bạn trẻ. Người khuyết tật lớn tuổi tại Đức nếu có nhu cầu được tiếp tục theo học các khóa học, chương trình học tập phù hợp với khả năng của mình.

Tại Hàn Quốc, các dịch vụ giáo dục không chỉ dành cho trẻ khuyết tật từ tuổi mầm non, thiếu niên mà cho cả người lớn tuổi và người tuổi già. Trong hai giai đoạn đầu, các dịch vụ cung cấp cho trẻ khuyết tật và cả cha mẹ, người chăm sóc. Ở lứa tuổi thanh niên, người khuyết tật tiếp tục được giáo dục kỹ năng sống và học nghề phù hợp với năng lực như:

  • Đào tạo điều chỉnh xã hội Vệ sinh: chăm sóc móng tay, chăm sóc tóc, đánh răng, kỹ năng quan hệ cá nhân;
  • Hoạt động tăng cường thể chất, quản lý tiền bạc;
  • Huấn luyện cuộc sống hàng ngày: thời gian ăn nhẹ, thời gian uống trà, dọn dẹp;
  • Đào tạo điều chỉnh hiệu suất nghề, kiến thức nghề, đào tạo điều chỉnh môi trường nghề;
  • Quản lý và nâng cao hiệu suất nhân viên: Đào tạo thái độ và kỹ năng công việc, đào tạo điều chỉnh môi trường làm việc…

Các trung tâm cộng đồng dành cho người khuyết tật tại Hàn Quốc, cung cấp các dịch vụ đa dạng dựa trên nguyên tắc chăm sóc trọn đời và giáo dục trọn đời. Người khuyết tật lớn tuổi được tham gia các khóa học về quyền con người. Bên cạnh đó họ được tham gia chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn đánh giá về kỹ năng nghề và tham gia các chương trình giáo dục suốt đời. Hầu hết các trung tâm cộng đồng đều có bộ phận hỗ trợ phát triển và hỗ trợ gia đình, và họ nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho người khuyết tật trong suốt cuộc đời của họ. Các trung tâm cộng đồng luôn đảm bảo nhiều nguồn nhân lực khác nhau hỗ trợ người khuyết tật bao gồm: nhân viên xã hội, cố vấn phục hồi nghề nghiệp, nhà trị liệu vật lý, giáo viên giáo dục đặc biệt…

II. Thực trạng giáo dục thường xuyên có người khuyết tật tham gia ở Việt Nam

              Năm 2022, Việt Nam có tổng số 17.521 cơ sở GDTX bao gồm: 632 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX). Trong đó có 81 trung tâm GDTX và 551 trung tâm GDNN-GDTX; 5.614 Trung tâm ngoại ngữ - tin học (trung tâm NNTH; 10.192 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đạt tỷ lệ 95,14% xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ3; 1.214 cơ sở/đơn vị (trung tâm) khác thực hiện nhiệm vụ GDTX: trong đó có khoảng 1.032 trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (GDNGCK. Trong    đó có 1.007 trung tâm ngoài công lập và 25 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài.

Media/1_TH1058/Images/screenshot-2023-05-23-100857.png

Các trung tâm GDTX có cơ sở vật chất (CSVC) tốt, thuận lợi cho việc tổ chức các chương trình GDTX. Trên cả nước có 10.865 phòng học và phòng  chức năng tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX; 22.755 phòng học thuộc các trung tâm NNTH. Phần lớn các TTHTCĐ tận dụng cơ sở vật chất và những phương tiện sẵn có  ở địa phương. Theo báo cáo thống kê, cả nước hiện nay có 4.901 TTHTCĐ có trụ sở, văn phòng riêng.

Để vận hành hệ thống các cơ sở GDTX, cả nước có tổng số 26.479cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên tại các các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN- GDTX, trong đó có 3.475 CBQL, 14.529 giáo viên. 11.278 giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT và 3.251 giáo viên dạy chuyên đề, dạy nghề. 89.915 người cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của các trung tâm NNTH (8.438 CBQL, 62.727 giáo viên và 18.674 nhân viên). Số CBQL, giáo    viên nhân viên của các trung tâm NNTH công lập là 2.071 người, chiếm 2,30% tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của các trung tâm NNTH trên cả nước (giảm 4,31% so với năm học 2020-2021). Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân  viên các trung tâm đều đảm bảo trình độ đạt chuẩn theo quy định. Đối với các TTHTCĐ, cả nước có 79.703 CBQL, báo cáo viên và cộng tác viên tại 10.192 TTHTCĐ, trong đó  có 25.153 CBQL là các cán bộ cấp xã làm công tác kiêm nhiệm hoặc CBQL giáo dục tại các trường học trên địa bàn xã, có 50.187 báo cáo viên, cộng tác viên, 3.733 giáo viên biệt phái là các giáo viên của các trường học (tiểu học, THCS).

Trong năm học 2021-2022, tỷ lệ mù chữ cả nước là 1,91%. S người mù chữ trong độ tuổi 15-60 là 1.155.081 người, trong đó người mù chữ độ tuổi từ 15-35 là 249.794 người (chiếm tỷ lệ 21,63% tổng số người mù chữ trong độ tuổi). Cả nước đã huy động được 20.334 người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, trong đó: Số học viên ra học các lớp xóa mù chữ: 11.440 người (độ tuổi 15-35: 2.519 người; độ tuổi 15- 60: 6.583 người). Số học viên ra học các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ: 8.860 người (độ tuổi 15-35: 1.990 người; độ tuổi 15-60: 6.249 người). Hàng năm, Hội người khuyết tật các Tỉnh/thành trong cả nước đã tổ chức nhiều lớp xóa mù cho người khuyết tật. Tiêu biểu là công tác xoá mù chữ, phục hồi chức năng cho người mù. Từ năm 2018 – 2022, Hội người mù đã mở được 258 lớp xoá mù chữ, phục hồi chức năng cho 2189 hội viên. Trung ương Hội đã cấp 1890 bộ học cụ, 646 bộ sách xoá mù chữ cho các lớp học. Các tỉnh, thành nổi bật trong công tác mở các lớp dành cho trẻ em, xoá mù chữ, tin học cho hội viên là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Tuy nhiên, các hoạt động giáo dục này các Hội người khuyết tật đang tổ chức khá độc lập mà chưa có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục thường xuyên vì thế chưa phát huy hết kết quả giáo dục người khuyết tật.

Năm học 2021 - 2022, 100% trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện và hoàn thành kế hoạch giáo dục 32 tuần theo Công văn số 4135/BGDĐT- GDTX ngày 21/9/2021 của Bộ GDĐT. Theo số liệu báo cáo của 58/63 Sở GDĐT, tính đến thời điểm này,  cả nước có khoảng 30 địa phương có học viên học chương trình GDTX cấp THCS    với số lượng 8.685 học viên; đa số các tỉnh vẫn duy trì và huy động số người học chương trình GDTX cấp THPT với số lượng khoảng hơn 344.000 học viên. Một số tỉnh việc huy động được nhiều học viên như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hải  Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, …. Tuy nhiên, một số tỉnh huy động học viên tham gia học Chương trình GDTX cấp THPT còn thấp như: Cà Mau, Kon Tum, Lai Châu, ....

Ngoài việc thực hiện Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT, theo chức năng nhiệm vụ theo quy định, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN- GDTX còn đa dạng hóa các chương trình GDTX như: Đào tạo nghề ngắn hạn, nghề sơ cấp (3-6 tháng); liên kết với các trường đại học, cao đẳng để dạy các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp; và thực hiện dạy các chương trình bồi dưỡng thường xuyên khác đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại TTHTCĐ là 14.344.576 lượt người (tăng 477.819 lượt người so với năm học 2020-2021). Một số địa phương đã thu hút được nhiều lượt người tham gia học tập tại TTHTCĐ, như: Thành phố HCM (3.256.909 lượt người), Nghệ An (1.236.621 lượt người), Thái Bình (904.151 lượt người); Vĩnh Long (497.412 lượt người), ... Nhiều địa phương khác  cũng đã huy động được hàng trăm ngàn lượt người tham gia học tập chuyên đề, bồi dưỡng tại các TTHTCĐ33 (Ninh Bình, Bạc Liêu, ...).* Trung tâm ngoại ngữ, tin học

Trên cả nước hiện có 5.614 trung tâm ngoại ngữ, tin học (trong đó, có 159 trung tâm ngoại ngữ, tin học công lập, có 5.410 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục; có 5.379 trung tâm ngoại ngữ và 235 trung tâm tin học) với nhiều chương trình tương ứng với nhiều ngoại ngữ như tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc,… đã đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho khoảng hơn 1.347.000 người học, chủ yếu là người học trong độ tuổi phổ thông và mầm non từ 3 đến 18 tuổi, tập trung nhiều ở các thành phố lơn và trung tâm của các tỉnh.

* Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.

Các chương trình, khóa học ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp theo nhiều hình thức và phương thức học tập đa dạng, đặc biệt là các hình thức học tập cộng đồng (câu lạc bộ, giao lưu, cuộc thi) thu hút được người dân quan tâm tham gia tại một số trung tâm học tập cộng đồng, và các cơ sở GDTX ngoài công lập. Cụ thể, theo báo cáo thống kê của 62/63 Sở GDĐT, số lượt người học tại các TTHTCĐ, tại trung tâm NNTH khoảng gần 16.464.000 lượt người học. Trên cả nước hiện nay có 1.228 trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX, trong đó có khoảng 1.032 trung tâm giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (GDNGCK) (1007 trung tâm tư thục, tăng hơn 136 trung tâm so với năm học 2020-2021; và 25 trung tâm GDKNS có vốn đầu tư nước ngoài). Năm học 2021-2022, có 54/63 tỉnh/thành phố có trung tâm và đơn vị/cơ sở đăng ký hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK, đã tổ chức dạy học, giáo dục kỹ năng sống đáp ứng nhu cầu của 1.622.247 lượt người học, trong đó có 60.767 người học kỹ năng sống trên 18 tuổi, học tại các trung tâm giáo dục kỹ năng sống  và 1.559.557 là các học sinh học kỹ năng sống tại các trường mầm non, phổ thông.

Tuy nhiên trong các báo cáo về công tác GDTX chưa tìm thấy các số liệu liên quan đến sự tham gia của người khuyết tật cũng như các giải pháp nhằm tăng cương thù hút sự tham gia giáo dục thường xuyên của người khuyết tật trong thời gian tới. Đây là một khoảng trống, một thiêu sót lớn cần được lấp đầy nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận công bằng, tham gia giáo dục chất lượng, giáo dục suốt đời của người khuyết tật.

III. Nhu cầu tham gia giáo dục thường xuyên của người khuyết tật

Theo kết quả Điều tra Quốc gia người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016, hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên (khoảng hơn 6,2 triệu người) là NKT. Tỷ lệ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng lên theo tuổi, tỷ lệ của nữ cao hơn nam. Dự báo trong tương lai, tỷ lệ khuyết tật có thể tăng lên do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số và gia tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận trường học của TKT thấp hơn nhiều trẻ em không khuyết tật. 

Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhưng không có con số chính xác báo cáo về tỉ lệ trẻ khuyết tật 5 tuổi đi học.

Bảng số 1: Tỉ lệ trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật tham gia giáo dục tại các cơ sở GDPT

Học sinh (HS) phổ thông

Tiểu học

THCS

THPT

Đúng độ tuổi (%)

Tổng (%)

Đúng độ tuổi (%)

Tổng (%)

Đúng độ tuổi (%)

Tổng (%)

Tổng HS

95,59

99

88,01

93,78

68,01

75,17

HS khuyết tật

81,69

88

67,43

74,68

33,56

39,35

HS không khuyết tật

96,05

100

88,59

94,32

68,65

75,83

Nguồn: Điều tra quốc gia người khuyết tật Việt Nam năm 2016, Tổng cục thống kê

Trong giáo dục phổ thông, trẻ khuyết tật đi học nhiều nhất ở cấp học tiểu học, giảm ở cấp trung học cơ sở và giảm sâu ở cấp THPT. Điều đó cho thấy càng lên các cấp học cao, tỉ lệ HSKT không đi học càng lớn. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của TKT 81,67%, trong khi tỷ lệ này của trẻ không khuyết tật là 96,05%. Chênh lệch về tỷ lệ đi học giữa TKT và không khuyết tật tăng lên ở các cấp học cao hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có 33,56% TKT đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 68,65% trẻ em không khuyết tật.

Kết quả khảo sát thu được từ 3 tỉnh thử nghiệm cho kết quả tương đồng với khảo sát quốc gia năm 2016. Bên cạnh đó còn chỉ ra: không có NKT tại 3 tỉnh từng tham gia học tập và tốt nghiệp trình độ đại học và cao đẳng. Trẻ khuyết tật vận động là nhóm trẻ tham gia học tập cấp THPT. Trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật tâm thần kinh và trẻ khuyết tật nghe nói tham gia học tập nhiều nhất ở cấp tiểu học, giảm ở cấp THCS và rất ít trẻ tham gia học cấp THPT.

Kết quả khát sát sâu với 42 người điếc trưởng thành của Tỉnh Nam Định (2020) cho kết quả: 42/42 người Điếc đều được đi học; 13/42 người Điếc đã hoàn thành chương trình tiểu học (trình độ tương đương với lớp 3 về kỹ năng đọc, viết và tính toán). Không có người điếc học hết cấp THCS và THPT. 6/42 tham gia học cấp trung học cơ sở đến lớp 8 thì bỏ học;

Kết quả khảo sát Viện KHGDVN thực hiện vào tháng 12/2022 do 52 Sở Giáo dục - Đào tạo cung cấp cho kết quả tương đồng với khảo sát quốc gia năm 2016. Tại 3 Tỉnh Sơn La, Đồng Tháp và Vĩnh Phúc, trẻ khuyết tật vận động là nhóm trẻ tham gia học tập cấp THPT nhiều nhất. Trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật tâm thần kinh và trẻ khuyết tật nghe nói tham gia học tập nhiều nhất ở cấp tiểu học, giảm ở cấp THCS và không tham gia học cấp THPT. Có 35,81% tổng số trẻ khuyết tật chưa được đi học. Trong đó, số trẻ khuyết tật chưa đến tuổi đi học rất ít, 97% thuộc nhóm chưa được đến trường do các điều kiện khách quan và chủ quan. Báo cáo Quốc hội năm 2015 về Trẻ em ngoài trường học cho thấy có khoảng 50% trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chưa được đến trường. Số liệu khảo sát thu thập từ nhiều nguồn như đã trình bày ở trên cho thấy tình trạng trên chưa được cải thiện rõ rệt. Vì thế, cần có sự điều chỉnh về chính sách và các điều kiện giáo dục để mọi trẻ khuyết tật đều được thụ hưởng nền giáo dục hòa nhập, công bằng, có chất lượng.

Về đào tạo nghề cho NKT có sự chênh lệnh rõ rệt, cứ 100 người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên thì chỉ có 7 người được dạy nghề (7,3%), trong khi con số này ở người không khuyết tật là 22 người (21,9%). 22/42 người Điếc được học nghề đơn giản tại Trung tâm phục hồi chức năng hoặc cơ sở bảo trợ của ngành Lao động - Thương binh - Xã hội không học tạo các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Giáo dục tương quan chặt chẽ với chênh lệch về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nhóm NKT và không khuyết tật. Chênh lệch này lớn nhất ở những người chưa tốt nghiệp tiểu học với 56,84 điểm phần trăm (81,42% so với 24,58%), rút ngắn còn 50,47 điểm phần trăm đối với người tốt nghiệp tiểu học và chỉ còn 29,21 điểm phần trăm đối với những người tốt nghiệp THCS. Đối với những người có bằng cấp cao hơn, sự chênh lệch này tăng nhẹ lên 40 điểm phần trăm, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với nhóm không có bằng cấp. Do không được đến trường cũng như việc thụ hưởng giáo dục còn thấp nên NTK thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Điều tra Quốc gia người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, NKT có nhu cầu làm việc để có thu nhập và sống độc lập, nhưng chỉ chưa đầy 1/3 NKT có việc làm. Tỷ lệ NKT có việc làm giữa các vùng có sự khác biệt, trong đó cao nhất ở vùng Tây Nguyên 39,8%, Trung du và miền núi phía Bắc 37,9% và thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ 24,3%. Tuy nhiên, Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng đồi núi điều kiện đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn tới cơ hội việc làm của NKT vận động thân dưới, do đó tỷ lệ NKT vận động thân dưới có việc làm thấp nhất (trong đó, Tây Nguyên là 33,8%; Trung Du và miền núi phía Bắc là 31,9%). Kết quả điều tra này chỉ ra rằng, tác động của khuyết tật tới cơ hội việc làm của NKT không giống nhau, phụ thuộc vào những hoàn cảnh và môi trường cụ thể mà người lao động làm việc.

NKT vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận cơ hội việc làm. Hầu hết NKT sống ở nông thôn, trình độ văn hóa thấp, môi trường thiếu thông tin về việc làm, bản thân NKT thường sống khép kín, thụ động, cộng thêm những rào cản xã hội như: Thái độ phân biệt, đối xử... Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức sử dụng lao động cũng chưa sẵn sàng nhận NKT vào làm việc, vì hiệu quả làm việc của họ không cao và họ không chủ động được một số hoạt động như những người bình thường.

IV. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật

Người khuyết tật vừa là đối tượng cần được ưu tiên, vừa là lực lượng lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực trong xã hội. Để đảm bảo quyền được giáo dục và đào tạo nghề bình đẳng, chất lượng và học tập suốt đời theo như cam kết của chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hệ thống giáo dục thường xuyên cần phát huy hơn nữa tính linh hoạt đa dạng trong hình thức tổ chức, quy mô và chất lượng của mình. Để thực hiện được mục tiêu đó, trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp sau:

1. Giải pháp 1. Hoàn thiện và thực hiện các chính sách về giáo dục thường xuyên cho người khuyết tật

  • Xây dựng, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ ưu tiên, khuyến khích giáo viên và những người làm việc với NKT để họ yên tâm, gắn bó lâu dài với giáo dục thường xuyên và chế độ ưu tiên, giúp đỡ, tạo điều kiện để làm việc với NKT;
  • Xây dựng, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho hoạt động giáo dục và đào tạo tại các cơ sở GDTX với NKT;
  • Xây dựng, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo nghề cho NKT;
  • Ngành giáo dục cần xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cao nhận thức, phổ biến và hướng dẫn chính sách hỗ trợ về giáo dục người khuyết tật cho tất cả cán bộ, giáo viên, người khuyết tật tại các Trung tâm GDTX và cộng đồng.
  • Ngành Giáo dục cần phải phát triển một chiến lược để củng cố và phát triển hệ thống Trung tâm GDTX có đủ nhân lực và vật lực để tạo điều kiện cho người KT được tham gia giáo dục và đào tạo nghề tại Trung tâm GDTX; Trung tâm GDTX tập trung thiết kế dịch vụ toàn diện, đa dạng để đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo nghề của NKT; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng cho các Trung tâm GDTX.

2. Giải pháp 2. Truyền thông nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, các lực lượng cộng đồng về chức năng, nhiệm vụ, vai trò và ý nghĩa của Trung tâm giáo dục thường xuyên trong giáo dục và đào tạo nghề cho người khuyết tật tại địa phương

  • Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục thường xuyên cho NKT tại cộng đồng;
  • Nâng cao năng lực về tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo nghề cho NKT cộng đồng;
  • Tần tăng cường nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò, năng lực của NKT và sự đóng góp của họ. Hiện nay, về cơ bản, Nhà nước đã quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, nhưng trong thực tế, sự hiểu biết, nhận thức của một bộ phận không nhỏ của xã hội còn hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường công tác truyền thông/ tuyên truyền là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cần tuyên truyền rộng rãi cơ chế, chính sách đối với NKT, nhiệm vụ chăm sóc và tạo điều kiện của các ngành, các cấp để NKT phát huy năng lực, hòa nhập cộng đồng và tham gia nhiều hơn cho xã hội.
  • Nâng cao nhận thức về vấn đề NKT trong bản thân đối tượng, gia đình, cộng đồng và xã hội, cần thực hiện có hiệu quả và thường xuyên các hoạt động truyền thông, giáo dục. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào các quyền, nghĩa vụ của NKT, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về NKT; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình đối với NKT… Cần xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ NKT. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm GDTX về giáo dục và đào tạo NKT; … Qua đó, dần tác động vào nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử của xã hội với NKT, tạo điều kiện thuận lợi hơn để NKT thể hiện năng lực và sự đóng góp của mình.
  • Quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức giáo dục thường xuyên cho NKT của các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực NKT thông qua các Dự án về nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực hoạt động và phát triển cơ hội học tập, việc làm cho NKT cũng góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về NKT.
  • Tăng cường phối hợp và sự tham gia tích cực của cả xã hội, đặc biệt các tổ chức vì và của NKT với Trung tâm GDTX. Cùng với việc đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức; còn phải thường xuyên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm để xác định mục tiêu, giải pháp tuyên truyền phù hợp với xu hướng tiếp cận, nhu cầu của đối tượng cũng như tình hình thực tế của địa bàn, địa phương.

3. Giải pháp 3. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các trùn tâm GDTX thực hiện giáo dục và dào tạo NKT

  • - Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, kỹ thuật viên tại các Trung tâm GDTX đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng khi tham gia thực hiện giáo dục và đào tạo NKT;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực là người khuyết tật có khả năng trực tiếp hoặc phối hợp với Trung tâm GDTX trong các hoạt động giáo dục, đào tạo nghề cho NKT tại Trung tâm và tại địa phương; lập kế hoạch và tiến hành đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng họ như những nguồn nhân lực phục vụ công tác giáo dục.

4. Giải pháp 4. Xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật và các điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương

  • Xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo nghề nhằm thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, đồng thời tận dụng nguồn lực theo từng địa phương đặc trưng dựa trên điều kiện thực tế.
  • Xây dựng và ban hành các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nguồn nhân lực cho giáo dụcvà đào tạo nghề cho NKT tại Trung tâm, gồm: Chương trình giáo dục liên thông để có thể cấp chúng nhận hoàn thành các chương trình giáo dục phổ thông cơ bản; Chương trình đào tạo nghề cơ bản và đặc thù phù hợp với NKT và điều kiện của đại phương; chương trình bồi dưỡng theo chứng chỉ, tín chỉ cho giáo viên (nhân viên Trung tâm) hỗ trợ, giáo viên các cấp học; chương trình bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý giáo dục các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho cho giáo dục và đạo tạo nghề cho NKT.
  • Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất các trường, lớp phục vụ cho nhu cầu giáo dục và đào tạo nghề cho NKT; Trường lớp đủ ánh sáng, bàn ghế, bảng, trang thiết bị dạy học; trường lớp, lối đi phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo cung cấp các thiết bị dạy học đặc thù: Sách giáo khoa, đồ dùng dạy học phù hợp với đặc điểm của NKT; đảm bảo cung cấp đầy đủ các thiết bị hỗ trợ trong học tập và đào tạo nghề.

5. Giải pháp 5. Huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện GDTX cho người khuyết tật

  • Huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện giáo dục và đào tạo nghề cho NKT nhằm thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đào tạo nghề ch NKT; đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có, phát triển các nguồn lực tiềm năng để thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề cho người KT.
  • Tạo cơ chế phối hợp các ban ngành và tổ chức xã hội, như: Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc vận động và tạo điều kiện cho NKT được tham gia giáo dục và đào tạo nghề tại TT.
  • Thu hút cộng đồng, và các ngành hữu quan cùng tham gia vào công tác huy động, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm NKT.
  • Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc tham gia vào công tác quản lý giáo dục, dạy bằng cách giám sát, động viên, khuyến khích, góp ý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp thực hiện giáo dục và đào tạo nghề cho NKT tại TT.
  • Thu hút sự tham gia liên ngành trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục và dạy nghề cho NKT.

V. Khuyến nghị

5.1. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo 

  • Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương cụ thể hoá nội dung gióa dục và đào tạo nghề cho NKT tại các Trung tâm GDTX; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; quy định chế độ theo dõi, giám sát kiểm tra, đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện giáo dục và đào tạo nghề cho NKT. 
  • Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi các quy định về chế độ chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tham gia giáo dục và đào tạo nghề cho NKT.
  • Phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức biên chế giáo viên dạy dạy nghề cho NKT, hoàn thiện các cơ chế chính sách tuyển dụng, sử dụng quản lý việc giáo dục và dạy nghề cho NKT tại các Trung tâm GDTX;
  • Cân đối và phân bổ ngân sách hàng năm cho giáo dục và dạy nghề cho NKT tại các Trung tâm GDTX;
  • Xây dựng mức đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng nội dung, yêu cầu triển khai giáo dục và dạy nghề cho NKT tại TT;
  • Huy động nguồn lực, nguồn tài trợ phục vụ việc triển khai thực hiện giáo dục và dạy nghề cho NKT tại các Trung tâm.

5.2 Khuyến nghị với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên

  • Cán bộ quản lý ở các Trung tâm cần được tập huấn, nâng cao nhận thức của mình về việc giáo dục và dạy nghề cho NKT, có cái nhìn đúng đắn, đa dạng về năng lực và khả năng đóng góp cho sự phát triển của NKT.
  • Quản lý các trung tâm cần có sự hỗ trợ, động viên đối với các GV tham gia giáo dục và dạy nghề cho NKT, khích lệ GV hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thường xuyên tạo điều kiện để các GV được học hỏi, trao đổi lẫn nhau và tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn trong giáo dục và dạy nghề cho NKT.
  • Mỗi Trung tâm, mỗi địa phương có cơ chế hoạt động khác nhau, điều kiện cơ sở vật chất khác nhau với những thế mạnh và hạn chế riêng. Ở Việt Nam, các Trung tâm GDTX thực hiện giáo dục và dạy nghề cho NKT còn chưa nhiều, nên để việc giáo dục và dạy nghề cho NKT được hiệu quả thì các Trung tâm, địa phương cần kết nối với nhau, đảm bảo tính hệ thống. Thường xuyên chia sẻ những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm cho nhau để cùng phát triển với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
  • Vấn đề cơ sở vật chất cũng có những tác động ảnh hưởng đến kết quả giáo dục và dạy nghề cho NKT. Do đó, các Trung tâm cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu để GV có thể thực hiện được các nhiệm vụ giáo dục và dạy nghề cho NKT. Ngoài ra, cán bộ quản lý cũng có thể triển khai các hoạt động nhằm khuyến khích, động viên các GV tích cực sáng tạo các đồ dùng, phương tiện đặc thù hỗ trợ cho việc giáo dục và dạy nghề cho NKT. Có các cơ chế khen thưởng kịp thời để các GV chuyên tâm và cố gắng trong việc giáo dục và dạy nghề cho NKT.

5.3 Khuyến nghị với giáo viên Trung tâm

  • GV có vai trò vô cùng quan trọng đối với giáo dục và dạy nghề cho NKT, mỗi GV cần tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phát triển kĩ năng của mình về vấn đề giáo dục và dạy nghề cho NKT. Đặc biệt, GV cần phải hiểu rõ những đặc điểm phát triển, khả năng và nhu cầu của từng người khuyết tật nhằm thực hiện giáo dục và dạy nghề cho NKT có hiệu quả.
  • GV cũng cần phải có quan niệm đúng đắn về những khả năng và nhu cầu của NKT để có sự tin tưởng vào năng lực của NKT. Luôn cố gắng nỗ lực, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các hoạt động giáo dục và dạy nghề cho NKT.
  • GV là người nên chủ động liên lạc, phối hợp và thiết lập mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các lực lượng cộng đồng trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục và dạy nghề cho NKT. GV luôn đứng ở vị trí người đồng hành cùng NKT để có những thấu hiểu và tìm ra các phương pháp, biện pháp giáo dục và dạy nghề cho NKT phù hợp nhất với đặc điểm của NKT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2022, Báo cáo kết quả hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 đối với GDTX.
  2. Cho Joon Ho , 2020, Phúc lợi cho người khuyết tật và giáo dục chọn đời dành cho người khuyết tật, Tạp chí Khoa học Giáo dục.
  3. Luật Giáo dục năm 2019, Nhà xuất bản Lao động.
  4. Tổng cục thống kê, 2018, Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016, Nhà xuất bản Tổng cục thống kê
  5. Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ GDĐT về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên
  6. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Thu thập dữ liệu quản lý hệ thống giáo dục học sinh khuyết tật Việt Nam năm 2022, Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng Mã số: 2022-22TX

 

 

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới