Seminar khoa học số 1 về phát triển chương trình giáo dục dự kiến cho học sinh khuyết tật học hòa nhập và chuyên biệt tại Việt Nam

12 tháng 09/2021

Nằm trong chuỗi các seminar khoa học về phát triển chương trình giáo dục cho trẻ khuyết tật thuộc dự án “Nâng cao năng lực về giáo dục đặc biệt của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia” giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tổ chức Angels’ Haven Hàn Quốc, ngày 10.9.2021, buổi seminar khoa học số 1 đã diễn ra. Tham dự seminar, về phía Hàn Quốc gồm có ông Kwon O Seong, giám đốc Angels’ Haven Việt Nam, các chuyên gia giảng dạy của Dự án. Về phía Việt Nam, đại biểu tham dự gồm PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các nghiên cứu viên, giáo viên của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia. Đặc biệt seminar khoa học có sự tham gia và trình bày về các chương trình giáo dục trẻ khuyết tật của bà Hà Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và bà Hoàng Thị Nga, Phụ trách khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. 

Media/1_TH1058/Images/pvt-nguyen-duc-minh.jpg

Phát biểu khai mạc seminar khoa học, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng và vai trò của việc xây dựng và phát triển chương trình giáo dục dành cho học sinh khuyết tật trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc phát triển chương trình giáo dục dành cho học sinh sinh khuyết tật thể hiện sự tiếp cận công bằng, giáo dục có chất lượng và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của Việt Nam.

Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã trình bày chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật cấp Tiểu học, bao gồm học sinh khiếm thị, học sinh khiếm thính, học sinh khuyết tật trí tuệ, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2010. Chương trình giáo dục này được xây dựng dựa trên tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học năm 2000 có điều chỉnh phù hợp với khả năng và nhu cầu của học sinh khuyết tật với mục tiêu hướng tới giáo dục hòa nhập. Đối với mỗi dạng khuyết tật sẽ có số năm học Tiểu học từ 6 – 8 năm, bao gồm các môn học cơ bản và các môn học đặc thù. Chương trình giáo dục chuyên biệt đang được sử dụng tại các trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật ở một số tỉnh thành trên cả nước.

Media/1_TH1058/Images/t1.jpg

Phần trình bày tiếp theo về chương trình giáo dục học sinh đa tật của bà Hà Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tân Bình. Học sinh đa tật được hiểu là học sinh có từ hai dạng khuyết tật trở lên kết hợp với nhau. Với những khó khăn đặc thù do sự kết hợp các dạng tật, thì chương trình giáo dục phổ thông và chương trình giáo dục chuyên biệt cấp Tiểu học chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu của các học sinh này. Học sinh đa tật học xong chương trình giáo dục vẫn chưa có kỹ năng sống cần thiết, thiếu các kỹ năng việc làm và thiếu kỹ năng hợp tác với người khác. Học sinh đa tật trở về nhà vẫn phụ thuộc sự chăm sóc của gia đình và không thể hòa nhập cuộc sống. Vậy nên, học sinh đa tật cần được xây dựng một chương trình riêng, phù hơp với khả năng học tập và tình trạng tật để từ việc học kiến thức, kĩ năng trong nhà trường, học sinh đa tật có thể ứng dụng trọng cuộc sống thực tế tại gia đình và cộng đồng. Chương trình giáo dục học sinh đa tật được kéo dài trong chín năm, năm năm Tiểu học và bốn năm Trung học tương đương với chín cấp độ. Chương trình này bao gồm mười bộ môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Kỹ năng giao tiếp, Tự phục vụ, Tin học, Âm nhạc, Thể dục, Hướng nghiệp và Định hướng di chuyển, được thực hiện thông qua các chủ đề hoạt động để phát triển kỹ năng cho học sinh. Chương trình này đang được thực hiện đối với học sinh đa tật, bao gồm trẻ mù không có ngôn ngữ nói, trẻ mù và bại não, trẻ khiếm thị tự kỷ tại Hồ Chí Minh.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chương trình giáo dục cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại Hoa Kỳ, bà Hoàng Thị Nga, Phụ trách khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tập trung chia sẻ về chương trình giáo dục cơ bản. Chương trình giáo dục cơ bản có năm lĩnh vực, bao gồm Học đường chức năng, Tự chăm sóc bản thân, Cộng đồng, Nghề nghiệp và Vui chơi giải trí. Mỗi một lĩnh vực lại được chia thành sáu mức độ tương ứng với các mức độ và độ tuổi phát triển của học sinh từ 0 tuổi đến Trung học phổ thông, chuyển tiếp từ trường học tới đi làm. Chương trình giáo dục cơ bản lấy năm hướng dẫn cốt lõi để hướng đến sự thành công, bao gồm Các trải nghiệm dựa vào trường học, Học dựa trên các trải nghiệm tiền nghề nghiệp, Phát triển giai đoạn thanh niên, Kết nối các hoạt động và Sự hỗ trợ, tham gia của gia đình. Các mức độ hỗ trợ của học sinh gồm phụ thuộc, hướng dẫn, có khả năng, áp dụng, luyện tập và độc lập. Chương trình này áp dụng mô hình kim cương trong việc đánh giá mức độ thực hiện kỹ năng của học sinh khuyết tật.

Dựa trên tình hình thực tiễn chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chương trình giáo dục chuyên biệt cấp Tiểu học năm 2010 của Việt Nam, chương trình giáo dục đặc thù do các cơ sở xây dựng và kinh nghiệm quốc tế phát triển chương trình của Hoa Kỳ, đặc biệt là của Hàn Quốc, seminar khoa học đã thảo luận định hướng phát triển chương trình giáo dục cho học sinh khuyết tật giai đoạn tới. Seminar thảo luận về chính xác hóa tên chương trình để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình mới sẽ tiếp cận giáo dục hòa nhập mang tính khả thi và phù hợp. Chương trình sẽ dành cho toàn bộ học sinh khuyết tật học hòa nhập và học chuyên biệt. Chương trình cũng phát triển, mở rộng thêm nhóm nội dung kĩ năng đặc thù, tích hợp phát triển kỹ năng đặc thù vào các môn học, hoạt động. Chương trình giáo dục đề cao giáo dục chuyển tiếp giữa các cấp học. Việc phân phối chương trình cũng cần được thực hiện linh hoạt, cách thức cụ thể. Trong giai đoạn 2021 – 2030, chương trình giáo dục được tập trung xây dựng ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó cấp Tiểu học xây dựng chương trình chi tiết, cấp Trung học xây dựng chương trình khung.

Các nội dung của phát triển chương trình giáo dục cho học sinh khuyết tật tại Việt Nam tiếp tục được thảo luận trong seminar khoa học tiếp theo của Dự án.

Media/1_TH1058/Images/t.jpg

Tg: Th.S Trịnh Thị Thu Thanh

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới