- Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Trường Quốc tế Hàn Quốc từ Thành phố Hồ Chí Minh
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ Hội thảo khoa học thường niên 2024 “Giáo dục trong thế giới số”
- HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU NHIỆM VỤ THEO CHỨC NĂNG NĂM 2024
- Hội thảo khoa học thường niên 2024 với chủ đề “Giáo dục trong thế giới số”
- THÔNG TIN VỀ RÀ SOÁT HỒ SƠ HỌC SINH KHUYẾT TẬT CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- TẬP HUẤN CHUYÊN ĐỀ LẬP MỤC TIÊU VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC CÁ NHÂN CHO TRẺ CÓ NHU CẦU GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT TẠI BÌNH PHƯỚC
- 3,302
- 2,491
- 21,119
- 143,708
- 2,198,812
THỬ NGHIỆM LEGO CHỮ NỔI CHO TRẺ KHIẾM THỊ VIỆT NAM
17 tháng 03/2024
THỬ NGHIỆM LEGO CHỮ NỔI CHO TRẺ KHIẾM THỊ VIỆT NAM
TS Trần Thị Văng
Ths Nguyễn Thị Hằng
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: vangtt@vnies.edu.vn
Tóm tắt: Tiếp cận học thông qua chơi là một hướng tiếp cận mới đem lại nhiều lợi ích cho trẻ em nói chung trong đó có trẻ em khiếm thị. Tuy nhiên, lựa chọn đồ dùng, đồ chơi như thế nào để có thể phát huy tối đa những lợi ích đó là điều cần nghiên cứu và thử nghiệm. Đồ chơi LEGO là một loại đồ chơi rất phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên để sử dụng cho đối tượng trẻ khiếm thị, đồ chơi này cần được điều chỉnh để có thể tăng cường tính dễ tiếp cận, tối đa hóa lợi ích của công cụ này. Chính vì vậy, LEGO đã điều chỉnh công cụ sử dụng bộ chữ cái, dấu thanh của Tiếng Việt để giúp trẻ khiếm thị Việt Nam có cơ hội tiếp cận trong học và chơi. Bài báo tập trung trình bày một số kết quả nghiên cứu chính của quá trình thử nghiệm bộ LEGO chữ nổi cho trẻ em khiếm thị Việt Nam. Kết quả cho thấy: Trẻ em khiếm thị Việt Nam rất hứng thú với công vụ LEGO chữ nổi, giáo viên đã ứng dụng tốt công cụ này trong hỗ trợ trẻ em, tuy nhiên công cụ LEGO cần được điều chỉnh để có thể hỗ trợ tốt hơn cho trẻ khiếm thị học thông qua chơi.
Abstract: Learning through play is a new approach that brings many benefits to typical children, including children with visual impairment. However, choosing learning materials and toys to maximize those benefits is something that needs research and testing. LEGO is a very popular toy in Vietnam, however, to be used for children with visual impairment, this toy needs to be adapted to increase and accessibility maximize the benefits of children. this tool. Therefore, LEGO has adjusted the tool to use the Vietnamese alphabet and diacritics to support Vietnamese children with visual impairment have access to learn and play. The article focuses on presenting some main research results of the testing process of Braille LEGO sets for visually impaired children in Vietnam.
Từ khóa: Trẻ khiếm thị, LEGO chữ nổi, học thông qua chơi, thử nghiệm
Keywords: Children with visual impairment, LEGO Braille Brick, learning through play, experiment
- Mở đầu
Theo Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật năm 2016, có 2,79 % trẻ em có ít nhất một khuyết tật, tương đương với khoảng trên 663.900.000 trẻ em từ 2 đến 17 tuổi và 5,6 triệu người khuyết tật từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, trẻ khuyết tật từ 2 - 4 tuổi chiếm 2,74%; và trẻ khuyết tật từ 5 - 17 tuổi chiếm 2,81% tổng số trẻ em trong độ tuổi. Tỉ lệ trẻ khuyết tật nhìn chiếm 0,15%. Trong đó, khuyết tật nhìn từ 2-4 tuổi chiếm 0,9%; 5 – 17 tuổi chiếm 0,15%, >18 tuổi chiếm 1.56% (Tổng cục Thống kê, 2019). Trẻ khiếm thị tuy chiếm số lượng không nhiều nhưng vẫn tồn tại khách quan trong xã hội và có nhu cầu được tiếp cận bình đẳng và chất lượng với các hoạt động học tập và vui chơi.
Học thông qua chơi là một hướng tiếp cận giáo dục trong đó học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ, hứng thú, các hoạt động chơi được kết nối với mục tiêu học tập nhằm phát triển phẩm chất và năng lực (Joseph A. Dimino, 2015, Eduwen, F.O, 2016, Parker, R. & Thomsen, B.S., 2019).
Trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, việc đổi mới các phương pháp dạy học, trong đó có phương pháp học thông qua chơi là một phương pháp như vậy (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học, 2021).
Đồ chơi LEGO đã phổ biến với trẻ em trên toàn thế giới, tuy nhiên với trẻ em khiếm thị Việt Nam, đồ chơi còn mới mẻ. Đồ chơi LEGO là một công cụ đã được thử nghiệm để là công cụ ứng dụng Học thông qua chơi cho trẻ em tiểu học tại Việt Nam. Tuy nhiên, học sinh khiếm thị chưa được tiếp cận nhiều với đồ chơi này. Nhằm đánh giá mức độ phù hợp và tính khả thi của LEGO chữ nổi đối với trẻ khiếm thị Việt Nam từ đó có những điều chỉnh bộ LEGO chữ nổi phù hợp hơn trước khi triển khai đại trà trên toàn quốc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và một số kết quả nghiên cứu chính được thể hiện trong bài báo này.
- Kết quả nghiên cứu
- Một số khái niệm sử dụng trong nghiên cứu
- Khiếm thị
- Một số khái niệm sử dụng trong nghiên cứu
Có nhiều thuật ngữ khác nhau liên quan đến vấn đề về mắt như khuyết tật nhìn, khuyết tật thị giác, khiếm thị. Trong tài liệu này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ khiếm thị. Khiếm thị là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường. Trẻ khiếm thị là trẻ em dưới 18 tuổi, có khuyết tật thị giác, sau khi sử dụng các phương tiện trợ thị, trẻ vẫn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, vui chơi (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019).
-
-
- LEGO chữ nổi
-
LEGO là một thương hiệu đồ chơi lắp ráp và sau hơn một trăm năm kể từ ngày xuất hiện, LEGO đã trở thành thương hiệu đồ chơi được trẻ em và người lớn trên toàn thể giới yêu thích. LEGO chữ nổi là một công cụ được chế tạo riêng trong đó các chấm nổi trên gạch Lego được thiết kế riêng theo bảng chữ cái, dấu thanh theo hệ thống chữ Braille Tiếng Việt. Đây là công cụ được LEGO sản xuất thử nghiệm nhằm tăng cường cơ hội vui chơi và học tập cho trẻ em khiếm thị Việt Nam (Quỹ The LEGO Foundation, 2017).
-
- Những vấn đề chung về nghiên cứu thực trạng
2.2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Thử nghiệm mức độ phù hợp và tính khả thi của LEGO chữ nổi đối với trẻ khiếm thị Việt Nam từ đó có những điều chỉnh bộ LEGO chữ nổi phù hợp hơn trước khi triển khai đại trà trên toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể
- Điều chỉnh bộ công cụ: chữ nổi trên mảnh ghép, màu sắc mảnh ghép, chữ in trên mảnh ghép, số lượng các mảnh ghép từng loại trong một bộ nhằm hoàn thiện bộ công cụ LEGO chữ nổi Tiếng Việt trước khi sản xuất hàng loạt;
- Xác định những rào cản tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ khiếm thị hiện nay nhằm xem xét các phương pháp giảng dạy có liên quan và ý nghĩa như thế nào tại địa phương thử nghiệm, làm căn cứ để mở rộng việc sử dụng LEGO ra nhiều trường học, trung tâm có trẻ khiếm thị trên khắp Việt Nam.
2.2.2. Khách thể nghiên cứu
- Trẻ khiếm thị tại 05 cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt: Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội (trường hòa nhập); Thư viện bàn tay khéo léo (chuyên biệt); Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Tp. Hồ Chí Minh (trường chuyên biệt); Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thái Nguyên (chuyên biệt và hòa nhập);
- 20 cán bộ nghiên cứu và giáo viên dạy trực tiếp trẻ khiếm thị
2.2.3. Phạm vi và thời gian nghiên cứu
- Trẻ khiếm thị: tập trung vào 02 nhóm trẻ: 1) Trẻ khiếm thị trước tuổi học (5-7 tuổi) chuẩn bị vào lớp 1; 2) Trẻ khiếm thị học tiểu học (lớp 1 - lớp 5);
- Đơn vị tham gia thử nghiệm: Tiêu chí lựa chọn đơn vị tham gia thử nghiệm: đại diện 03 miền: Bắc – Trung – Nam
- Thời gian thử nghiệm: 11/ 2023-1/2024
2.2.4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thực hành: Mỗi giáo viên tiến hành thực hiện tối thiểu 5 hoạt động khác nhau dựa trên trẻ mà mình lựa chọn. Mỗi hoạt động giáo viên sẽ quay video và ghi nhật kí hoạt động (theo biểu mẫu) để tóm tắt thông tin về hoạt động, mô tả tiến trình hoạt động cũng như những đánh giá hoặc điều chỉnh cần thiết về LEGO (nếu có);
- Phương pháp đánh giá bằng phiếu hỏi: Sau quá trình thử nghiệm, giáo viên sẽ đánh giá về các vấn đề liên quan đến quá trình thử nghiệm thông qua phiếu hỏi được thiết kế sẵn như: học tập thông qua chơi, nhận định về LEGO chữ nổi, quá trình thử nghiệm, đánh giá mức độ phù hợp, khả thi và những điều chỉnh, đề xuất cần thiết.
-
- Một số phát hiện chính
2.3.1. Đánh giá về sự tham gia của trẻ trong thử nghiệm LEGO
a. Số lượng trẻ tham gia thử nghiệm LEGO
Bảng 1. Tổng hợp số lượng trẻ khiếm thị tham gia thử nghiệm
Dựa vào bảng tổng hợp trên cho thấy: có 94 trẻ khiếm thị tham gia vào quá trình thử nghiệm, trong đó có 84 trẻ mù (89%) và 10 trẻ nhìn kém (11%). Trong 94 trẻ tham gia có 60% là trẻ học trong môi trường chuyên biệt (trong trường chuyên biệt hoặc học chuyên biệt tại trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và 40% là trẻ học trong môi trường hòa nhập (học hòa nhập cùng các trẻ không khiếm thị).
Các trẻ tham gia thử nghiệm đều được lựa chọn có chủ đích trong độ tuổi từ 4 – 12 tuổi trong đó số lượng trẻ từ 8-12 tuổi tương đương với nhóm trẻ từ 6 – 8 tuổi chiếm khoảng 40%, còn lại là trẻ 4-6 tuổi (chiếm khoảng 20%).
Khoảng 2/3 số trẻ tham gia thử nghiệm đã đọc, viết được chữ nổi còn lại (32%) đang ở trong giai đoạn học đọc, viết chữ nổi braille.
- Số trẻ khuyết tật dạng khác tham gia cùng: Bên cạnh nhóm chính là trẻ khiếm thị tham gia thử nghiệm thì còn có những nhóm trẻ khác đặc biệt là trẻ khuyết tật ở các dạng khuyết tật khác cùng tham gia. Tại cơ sở giáo dục hòa nhập có sự tham gia của trẻ không khuyết tật và các cơ sở giáo dục chuyên biệt có sự tham gia của 32 học sinh khuyết tật ở các dạng khuyết tật khác như: khuyết tật trí tuệ, khuyết tật vận động và rối loạn phổ tự kỉ. Các nhóm trẻ có thể chơi cùng nhau thông qua các trò chơi theo nhóm. Theo đánh giá từ các giáo viên, các trẻ ở khuyết tật ở các dạng tật khác nhau có trình độ tương đương nhau hoàn toàn có thể chơi cùng nhau vì tính tiếp cận đa giác quan của bộ LEGO.
b. Đánh giá mức độ vui vẻ, tích cực của trẻ khiếm thị tham gia
Các giáo viên đều đánh giá tất cả các trẻ khi tham gia chơi LEGO đều thấy vui hoặc rất vui, tham gia rất tích cực hoặc tích cực trong quá trình chơi LEGO. Các trẻ đều thể hiện niềm hứng thú khi biết hôm nay được chơi LEGO. Nhiều giáo viên thiết kế bài dạy của lớp thông qua chơi LEGO giúp trẻ rất hứng thú. Dưới đây là tổng hợp kết quả đánh giá từ giáo viên và những nhận định nổi bật.
Biểu đồ 3. Mức độ vui vẻ của trẻ khiếm thị khi tham gia chơi LEGO
Biểu đồ 4. Mức độ tích cực của trẻ khiếm thị khi tham gia chơi LEGO
c. Đánh giá mức độ tập trung của trẻ khiếm thị trong hoạt động
Biểu đồ 5. Mức độ tập trung của trẻ khiếm thị trong hoạt động
Từ kết quả tổng hợp trên có thể thấy: trẻ khiếm thị tham gia vào thử nghiệm có mức độ tập trung cao trong suốt quá trình chơi LEGO. 95% số lượng trẻ có thể tập trung trong suốt quá hoạt động và 5% có thể tham gia được nửa thời gian của hoạt động. Việc trẻ tập trung tham gia trong quá trình thực hiện là yếu tố quan trọng giúp trẻ có thể hình thành được các kỹ năng trong quá trình chơi.
2.3.2. Tự đánh giá của giáo viên
a. Nhận thức của giáo viên về học thông qua chơi
Qua đánh giá từ 20 cán bộ nghiên cứu và giáo viên cho thấy: giáo viên có những quan điểm tương đồng nhau và đúng đắn về “học thông qua chơi”, câu trả lời tập trung vào những điểm cơ bản như: 1) Tâm thế học tập vui vẻ, chủ động; 2) Trẻ được tương tác trong quá trình chơi – học; 3) Trẻ được trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề; 4) Trẻ lĩnh hội kiến thức và hình thành kỹ năng trong quá trình chơi; 5) Các kỹ năng được phát triển có thể là: vận động, ngôn ngữ - giao tiếp, tương tác xã hội, trí tưởng tượng, nhận thức,….
““Học thông qua chơi” là cách tiếp cận giáo dục giúp các em học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ. Mục tiêu học tập được kết nối với hoạt động chơi nhằm thúc đẩy sự tham gia và tự chủ của các em học sinh.”- L.T.T- NCSE
“Theo tôi, học thông qua chơi là một quá trình mà trong đó đưa trẻ được phát triển đa dạng các kỹ năng ở đa dạng các lĩnh vực phát triển khác nhau thông qua hoạt động chơi và khám phá thế giới xung quanh mình. Các lĩnh vực phát triển có thể là kỹ năng vận động (thô, tinh), kỹ năng ngôn ngữ - giao tiếp, kỹ năng tương tác xã hội, trí tưởng tượng, óc khám phá và tò mò khoa học...” - L.T.T- NCSE
b. Mức độ tự tin khi sử dụng các hoạt động đã được xây dựng sẵn
Có 12/20 giáo viên có thể tự tin trong việc triển khai các hoạt động đã được xây dựng với trẻ khiếm thị. "Trong việc sử dụng các hoạt động chơi trong tương lai, tôi cảm thấy rất tự tin vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiểu rõ về cách áp dụng chúng vào quá trình giảng dạy. Tôi tin rằng sự sáng tạo và tương tác tích cực từ các hoạt động này sẽ mang lại trải nghiệm giáo dục đầy ý nghĩa cho học sinh. (N.T.H – NCSE).
Còn lại giáo viên cho rằng có những hoạt động mình chỉ tự tin 1 phần hoặc chỉ tự tin với những hoạt động đã thực hiện vì không phải 1 giáo viên đã thực hiện với tất cả các hoạt động trong quá trình thử nghiệm.
c. Khả năng tự thiết kế hoạt động chơi mới
100 giáo viên có thể tự thiết kế hoạt động chơi mới. Giáo viên cho rằng dựa trên khả và nhu cầu của từng trẻ, mỗi trẻ có mức độ chơi, sử dụng chữ nổi khác nhau nên trò chơi cũng khác nhau. “Tùy từng nhóm chơi, trình độ nhận thức của các em để sáng tạo các hoạt động chơi từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp” – L.T.G – ĐN.
Sau khi quan sát, làm quen với trẻ có thể thiết kế hoạt động chơi phù hợp với nhóm trẻ đó. Ví dụ, sau các buổi thực hành với nhóm trẻ, có thể cùng các bạn chơi trò chơi: Tên ai đây nhỉ? Trẻ sờ tên của bạn trong lớp đã được ghép sẵn, nói được tên của bạn, nêu được gồm những chữ cái nào? P.T.T – NCSE.
Có những giáo viên cho rằng họ hứng thú trong việc phát triển câu chuyện, sáng tạo hoạt động trong quá trình chơi với trẻ. “Tôi nghĩ là tôi có thể. Tôi sẽ tạo ra những câu chuyện tiếp nối hoặc tôi sẽ thêm vào một số yếu tố gây hững thú cho trẻ. Hoặc tôi sẽ kết hợp hai hoặc ba hoạt động với nhau để tạo thành một câu chuyện thú vị cho trẻ. L.T.T – NCSE.
Có những giáo viên đã tự thiết kế hoạt động ngay khi làm quen với trẻ, dựa trên hứng thú và nhu cầu của trẻ, tự thiết kế trò chơi qua LEGO Thiết kế các hoạt động theo các môn học giảng dạy trên lớp theo nội dung bài học.
Như vậy, từ những chia sẻ trên cho thấy, qua quá trình tập huấn và thử nghiệm, các giáo viên hoàn toàn có thể đủ năng lực để hướng dẫn việc học thông qua chơi đối với giáo viên, phụ huynh khác, đồng thời phát triển hoạt động chơi LEGO cho trẻ khiếm thị ở các lứa tuổi khác nhau.
2.3.3. Đánh giá về khả năng học thông qua chơi LEGO của trẻ khiếm thị
100% các giáo viên cho rằng trẻ khiếm thị hoàn toàn có khả năng học thông qua chơi LEGO vì thực tế qua trải nghiệm đã cho thấy điều đó. Có thể khái quát lại như sau:
Thông qua chơi LEGO giúp trẻ phát triển năng lực, hình thành kỹ năng rèn luyện kĩ năng ghi nhớ, tập trung, phát triển xúc giác, kĩ năng tính toán, mở rộng vốn từ; kĩ năng vận động tinh, kỹ năng nhận thức, kỹ năng ngôn ngữ... Qua đó trẻ phát triển được xúc giác, tri giác không gian tốt hơn. Ngoài ra trẻ còn biết tham gia các trò chơi có luật, phát triển thêm về vốn từ vựng (trò chơi tìm từ theo chủ đề), nắm được các quy tắc chính tả, tăng thêm kiến thức về đời sống xã hội (biết về môi trường sống của các con vật qua trò chơi “Giải cứu co vật”), … Trẻ phát triển được nhận thức, cảm xúc, sáng tạo, tưởng tượng. Ví dụ như trẻ tham gia trò chơi xây dựng thành phố, trẻ cần tìm và gọi tên chữ cái trên các mảnh ghép LEGO, đặt tên cho các toà nhà, đếm số lượng tầng của toà nhà và khái quát được số tầng. Sau khi xây xong các toà nhà, trẻ so sánh chiều cao, nói được toà nhà nào cao/thấp hơn. Tiếp theo, trẻ tưởng tượng ra thành phố của mình và đóng vai là 1 hướng dẫn viên đưa mọi người đi thăm thành phố của mình. Trẻ học các kĩ năng tiền đọc chữ nổi Braille, chữ nổi Braille, kĩ năng định hướng di chuyển (phía trên/ dưới/ trái/ phải, trước/ sau), trẻ học toán với các con số, phép tính, so sánh.
- Thông qua chơi LEGO giúp trẻ khiếm thị phát triển kỹ năng xã hội như kỹ năng nhóm, chờ tới lượt, thể hiện ý tưởng của bản thân, sự sáng tạo và tư duy thiết kế. Ví dụ, khi học sinh hợp tác xây dựng một công trình, họ không chỉ phát triển kỹ năng làm việc nhóm mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy logic. Sử dụng LEGO chữ nổi cũng tăng cường tương tác với chữ Braille, tạo ra môi trường học tập tích cực và thú vị. Trẻ hoàn toàn học được tốt, hiệu quả và vui vẻ qua quá trình chơi LEGO chữ nổi. Ví dụ: buổi đầu tiên, tôi làm việc với một bé chưa biết đến chữ nổi, tôi dạy bé vị trí các chấm trên LEGO, nhận diện chữ cái có trong tên của bé, hướng đặt đúng của các chữ cái và dấu thanh trên bảng. bé rất hào hứng và rất nhanh tìm và xếp được tên của mình trên bảng vào cuối giờ học. Cuối buổi học đầu tiên, bé nói: “Lần đầu tiên con được chơi LEGO, con rất thích, thích nhiều như 2 quả trái đất và rất mong muốn được chơi tiếp ở buổi học sau” và bé đã rất hứng thú và vui vẻ. Trẻ có thể học thông qua quá trình chơi LEGO. Nó mang lại hiệu quả cho học sinh như tiếp thu bài học dễ dàng hơn, không áp lực, vui vẻ, tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên. Ví dụ: Học sinh có thể nhớ chữ dễ dàng hơn mà không nhất thiết phải nhớ máy móc các chấm nổi…
2.3.4. Đánh giá mức độ phù hợp của LEGO chữ nổi với trẻ khiếm thị Việt Nam
Biểu đồ 6. Mức độ phù hợp của LEGO chữ nổi với trẻ khiếm thị Việt Nam
16/20 người sử dụng bộ LEGO chữ nổi thử nghiệm cho rằng rất phù hợp và phù hợp với trẻ khiếm thị Việt Nam. Khi được hỏi trong quá trình giám sát, giáo viên cho rằng: cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều thấy đây là 1 bộ đồ chơi cực kì thú vị và rất vui vì cuối cùng ở Việt Nam, trẻ khiếm thị đã có được đồ chơi phù hợp, các trẻ khiếm thị đều thích chơi. Tuy nhiên, có 4 người sử dụng cho rằng chỉ phù hợp 1 phần. Khi được hỏi 01 giáo viên đánh giá phù hợp 1 phần cho rằng: Áp dụng cho trẻ khiếm thị lớn nên khi cho trẻ chơi nhóm còn thiếu, còn mảnh LEGO là phù hợp với trẻ khiếm thị lớn.
20 cán bộ, giáo viên đã sử dụng bộ LEGO chữ nổi đều nhận định về những ưu điểm của bộ LEGO chữ nổi tiếng Việt. Cụ thể các ưu điểm như sau:
- Về hình dạng, chất liệu, màu sắc:
+ Bộ LEGO được sản xuất với chất liệu tốt, có kích thước phù hợp;
+ Bộ LEGO có màu sắc với độ tương phản tốt;
+ Bộ LEGO có ộ lớn, bề mặt từng viên gạch phù hợp; Chất liệu an toàn;
+ Bộ LEGO được thiết kế đẹp, sắc nét, các chấm nổi rõ ràng, đều.
- Về bảo quản: Được đựng trong họp gọn gàng.
- Về công năng:
+ Các chấm nổi to nên trẻ dễ làm quen được với các số và chữ cái, dấu thanh;
+ Các chữ cái Tiếng Việt được thể hiện phù hợp;
+ Số lượng chữ cái, chữ số và dấu thanh nhiều và có 3 bảng chơi/ 1 bộ nên GV có thể tổ chức trò chơi nhóm cho HS;
+ Có bảng ghép cỡ lớn để tạo ra một không gian chơi cho trẻ khuyết tật nhìn;
+ Kích thước phù hợp với học sinh Tiểu học;
+ Giá trị kiến thức về Toán, Tiếng việt rất cao ( đọc, viết, tìm âm, vần, tiếng, từ, số…);
+ Áp dụng vào tìm hiểu thế giới tự nhiên phù hợp ( con vật, đồ vật…);
+ Có tính ứng dụng cao;
- Về ý nghĩa:
+ Phù hơp với trình độ nhận thức, con đường tiếp nhận thông tin của trẻ khiếm thị;
+ Tăng cường khả năng tương tác: Bộ LEGO chữ nổi cung cấp trải nghiệm tương tác tốt, giúp trẻ tương tác với môi trường xung quanh và với nhau thông qua việc xây dựng và chơi.
+ Phát triển kỹ năng xây dựng và tư duy không gian: Trẻ em khuyết tật nhìn có thể phát triển kỹ năng xây dựng và tư duy không gian thông qua việc sử dụng bộ LEGO chữ nổi, giúp họ nâng cao khả năng tự chủ và sáng tạo.
+ Thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy logic: Bộ LEGO chữ nổi kích thích sự sáng tạo và tư duy logic thông qua quá trình thiết kế và xây dựng các mô hình, giúp trẻ phát triển kỹ năng quan trọng này. Hỗ Trợ Phát Triển Ngôn Ngữ Braille: LEGO chữ nổi có thể được thiết kế để phản ánh ký hiệu và chữ Braille, hỗ trợ trẻ em khuyết tật nhìn trong việc học và phát triển ngôn ngữ Braille của họ.
+ Khuyến khích sự hợp tác và giao tiếp: Quá trình xây dựng và chơi với LEGO chữ nổi thường liên quan đến hoạt động nhóm, khuyến khích sự hợp tác và giao tiếp giữa trẻ em, tạo ra một môi trường tích cực.
+ Tạo ra một sân chơi bình đẳng: Bộ LEGO chữ nổi mang lại cơ hội cho trẻ em khuyết tật nhìn để tham gia vào các hoạt động giáo dục và giải trí một cách bình đẳng, giúp họ cảm thấy hòa nhập hơn trong cộng đồng.
+ Tăng cường phát triển tâm hồn và trí não: Việc sáng tạo và xây dựng với LEGO chữ nổi không chỉ hỗ trợ phát triển trí não mà còn tăng cường tinh thần tích cực và lòng tự trọng của trẻ em khuyết tật nhìn.
+ Dễ dàng tương tác với môi trường học tập: LEGO chữ nổi có thể tích hợp vào môi trường học tập một cách linh hoạt, giúp trẻ em khuyết tật nhìn tham gia vào các hoạt động học tập một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ giáo viên, bộ LEGO chữ nổi tiếng Việt còn một số hạn chế như sau:
- Về hình dạng, chất liệu, màu sắc:
+ Miếng LEGO hơi trơn và góc, cạnh sắc. Cảm giác khá đau khi cầm cả một nắm các khối LEGO hoặc khi tìm một khối LEGO bất kì trong một rổ LEGO;
+ Khó lắp các khối LEGO vào bảng LEGO, một số trẻ khi lắp thường xuyên bị trượt khối hoặc không ấn để khối gắn liền với bảng;
+ Với trẻ khiếm thị dưới 6 tuổi, miếng LEGO có kích thước hơi nhỏ;
+ Chữ sáng phía dưới gạch LEGO hơi khó nhìn đối với trẻ thị lực quá kém;
+ Độ bám các phím có 1 chấm khá kém, trẻ xếp hình dễ bị đổ;
- Về bảo quản:
+ Cái hộp như thế sẽ dễ bê nhưng sẽ dễ rơi các viên gạch ra bên ngoài;
+ Bộ LEGO chữ nổi còn cồng kềnh, khó tìm kiếm các LEGO, học sinh mất nhiều thơi gian để tìm kiếm;
+ Đối với trẻ nhỏ thì việc tháo gỡ các LEGO còn gặp khó khăn (vì hơi chặt bị đau tay);
- Về công năng:
+ Bộ LEGO chưa phù hợp với tất cả các trẻ khiếm thị các lứa tuổi khác nhau;
+ HS khó xác định trên dưới của LEGO cần có kí hiệu để phân biệt;
+ Với nhóm trẻ lớn: Bộ LEGO có ít LEGO chỉ dành cho chơi cá nhân và chơi tự do, còn chơi với số lượng từ 2 người trở lên sẽ thiếu các ký tự để lắp ghép đặc biệt là các dấu báo số, báo hoa, dấu phép tính,... khi chơi LEGO với Toán học và Tiếng việt;
+ Khó phân biệt chiều hướng đúng của các gạch LEGO;
+ LEGO chứa dấu thanh, các dấu trong câu như dấu chấm, dấu phẩy, chấm phẩy… còn hơi khó nhận biết đối với trẻ.
+ Vì các chấm trên gạch LEGO lớn, nên khi trẻ sờ sẽ đếm số chấm trên gạch LEGO thay vì sờ từ trái sang phải theo nguyên tắc đọc chữ nổi. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kĩ thuật đọc chữ nổi.
+ Các gạch LEGO không có mốc định vị hơi khó khăn khi dạy các trẻ nhỏ, chậm, phải mất khoảng thời gian rèn luyện
+ Thiếu 1 số ký hiệu; kích thước LEGO khác nhau, số lượng miếng LEGO theo tần suất xuất hiện ở tiếng Việt.
2.3.5. Đề xuất điều chỉnh LEGO Tiếng Việt cho trẻ em khiếm thị Việt Nam
- Định hướng: Chỉnh theo 2 cách: Cách 1) Tạo 1 điểm mốc ở phần chữ in thường; Cách 2) Tạo độ nhám ở phần mặt chữ in thường;
- Kích thước: Có thể thiết lập thành 3 kích thức LEGO: kích thước lớn: 8 chấm (như hiện tại nhưng tăng về số lượng để dành cho trẻ khiếm thị kèm theo vận động hạn chế hoặc trẻ chơi tạo sản phẩm như cầu thang); kích thước vừa (như hiện tại) và kích thước nhỏ và chấm trên 1 ô braille bằng với ô braille quy chuẩn để phù hợp với khả năng đọc chữ nổi của trẻ khiếm thị lớn;
- Phân loại: Nên chia bộ LEGO theo từng nhóm và trong các hộp khác nhau để đảm bảo giáo viên, phụ huynh và trẻ khiếm thị có thể dễ dàng trong việc lựa chọn bộ LEGO phù hợp với khả năng của trẻ khiếm thị;
- Số lượng: Làm các chi tiết giống nhau với số lượng nhiều hơn đặc biệt các kỹ hiệu sử dụng với tần suất cao như: Dấu báo số, dấu báo hoa, các nguyên âm, chấm 5, dấu phép tính, số 0,……đặc biệt với bộ LEGO của trẻ lớn cần tăng số lượng miếng LEGO để trẻ có thể sáng tạo hơn trong các trò chơi.
- Bảo quản: Có quai xách và nắp kín hơn, không bị rơi. Có thể có các hộp chia nhỏ để phân loại các miếng LEGO trong hộp đựng lớn;
- Xúc xắc: nên có từ 2 – 4 viên xúc xắc có các chấm nổi/lõm để trẻ có thể chơi nhóm cùng nhau (như chơi cờ cá ngựa có viên xúc xắc kèm theo);
- Mô hình: Mô hình con vịt: miếng LEGO có chứa mắt vịt: mắt vịt cần được làm nhám để làm điểm mốc định hướng cho trẻ lắp tạo hình. Ngoài ra cần thiết kế các mô hình khác như: con vật, đồ vật,,…..thành 1 bộ đồ chơi LEGO hình thành biểu tượng cho trẻ khiếm thị từ đơn giản đến phức tạp;
- Hướng dẫn: 1) Có bản giới thiệu và liệt kê danh sách số lượng miếng LEGO và số lượng mỗi loại ký hiệu; 2) Có video hướng dẫn hoặc mô hình mẫu để học sinh khuyết tật nhìn có thể quan sát, sờ và thực hiện (như tờ hướng dẫn chơi theo từng bộ LEGO thông thường);
- Bảng cài LEGO: Cần thêm bản lề nối giữa 2 hoặc nhiều bảng để thực hiện được câu, đoạn dài, bài toán dài và khi sử dụng 1 bản thì gấp lại được.
- Bảng cài có thể thêm bản lề nối 2 bảng lại để thực hiện được các câu, đoạn dài, bài toán dài. Khi sử dụng 1 bảng thì gấp lại được.
- Kết luận
Qua quá trình 2 tháng thử nghiệm của 20 giáo viên qua 30 hoạt động được triển khai với 94 trẻ khiếm thị và 32 trẻ khuyết tật ở các dạng khuyết tật khác, nhiều trẻ không khuyết tật tham gia. Bộ LEGO được đánh giá cao về tính khả thi, phù hợp với trẻ khiếm thị trong việc hình thành, phát triển kỹ năng đặc biệt là niềm vui thích khi chơi. Công cụ đã tạo thêm một bước quan trọng tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận đồ chơi, hoạt động chơi của trẻ khiếm thị Việt Nam. Giáo viên tham gia thử nghiệm bước đầu đã có thể có năng lực trong việc triển khai hoạt động chơi LEGO với trẻ khiếm thị và triển khai tập huấn lại cho giáo viên. Giáo viên sáng tạo và dựa trên khả năng của trẻ để thiết kế hoạt động phù hợp và chia sẻ về LEGO chữ nổi với cộng đồng. Có những kết quả ngoài kết quả mong đợi trong quá trình thử nghiệm (đưa LEGO vào tiết học thi giáo viên giỏi cấp thành phố bằng cách thiết kế hoạt động chơi ngay trong giờ dạy; chuyên đề cụm cho các trường lân cận, sự tham gia của các học sinh khác). Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm cũng có những hạn chế như: 1) Những hoạt động ban đầu giáo viên triển khai còn khá có xu hướng dạy học hơn là chơi; 2) Tập trung nhiều ở lứa tuổi lớn; 3) Thiếu LEGO để triển khai các hoạt động phù hợp; 4) Có những đơn vị không có trẻ để làm trực tiếp tại đơn vị; 5) Thời gian thử nghiệm hạn chế.
Những hạn chế trên đã được khắc phục với sự giám sát, đề nghị từ chuyên gia và phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị: 1) Cán bộ quản lý các trường điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thử nghiệm (lựa tuổi, phong cách chơi); 2) Các đơn vị trao đổi LEGO để triển khai các hoạt động lớn, cần nhiều LEGO; 3) Các đơn vị phối hợp trong cùng địa phương để thực hành với trẻ theo kế hoạch đặt trước; 4) Giáo viên tập trung hơn vào điều chỉnh thời gian để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất như sau: Điều chỉnh bổ sung hoàn thiện bộ LEGO chữ nổi Tiếng Việt bao gồm một số vấn đề: Gắn điểm định vị hoặc khoảng nhám/trơn giữa phần chấm nổi và phần chữ sáng để trẻ khuyết tật nhìn xác định được hướng của miếng ghép LEGO; Đối với LEGO con vật: gắn điểm nhám định vị cho 2 mắt con vịt; Sản xuất nhiều các mô hình con vật, sự vật khác để phát triển, hình thành biểu tượng cho trẻ khuyết tật nhìn Việt Nam; Bổ sung một số miếng ghép ký hiệu báo: báo hết, báo hoa cụm viết tắt để phù hợp với yêu cầu Braille Việt ngữ; 5) Bổ sung số lượng miếng ghép với các ký hiệu xuất hiện nhiều lần trong thực hiện trò chơi với Toán và ghép chữ (nguyên âm); 6) Số lượng miếng ghép và cỡ miếng ghép khác nhau ở mỗi độ tuổi để đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hoạt động chơi của trẻ; 7) Bổ sung thêm hộp để đựng chia loại miếng ghép trong 1 bộ chơi nhóm; 8) Bổ sung xúc xắc nổi/lõm để có thể chơi nhóm.
Tài liệu tham khảo
- Tổng cục thống kê, 2018, Việt Nam Báo cáo điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, NXB Tổng cục thống kê.
- Báo cáo quốc gia của chính phủ Việt Nam về việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (2019): https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang= EN
- Báo cáo thế giới về khuyết tật (2011): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK304067/ truy cập 15/9/2019. https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang=EN.
- Báo cáo đánh giá về giáo dục đối với người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 28/10/2019.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo và Dự án VVOB, (2022), Bộ tài liệu bồi dưỡng hoạt động Học thông qua chơi cấp Tiểu học
- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Vụ Giáo dục Tiểu học, Hướng dẫn tổ chức Học thông qua chơi cấp Tiểu học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021
- Joseph A. Dimino, Ph.D. et al (2015). Professional Learning Communities Facilitator’s Guide. National Center for education evaluation and Regional assistance, Institure of Eduction Sciences.
- Eduwen, F.O (2016). In-Service Education of Teachers: Overview, Problems and the Way Forward. Journal of Education and Practice, 26 (7), 83 - 87.
- Parker, R. & Thomsen, B.S. (2019). Học thông qua Chơi ở trường học. Một nghiên cứu về phương pháp sư phạm tích hợp học có tính chơi nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ năng toàn diện của trẻtrong lớp học ở trường tiểu học (Sách trắng của The LEGO Foundation). ISBN: 978-87-999589-6-2 https://www.legofoundation.com/en/learn-how/knowledge-base/learning-through-play-at-school/
- Quỹ The LEGO Foundation (2017). Cách nhìn của chúng tôi về: Học thông qua Chơi https://www.legofoundation.com/media/1062/learningthroughplay_leaflet_june2017.pdf
TIN LIÊN QUAN
Tập huấn về sản xuất sách dễ tiếp cận EPUB
24/10/2023