Vị thế của ngôn ngữ kí hiệu và tiếng Việt đối với người Điếc

31 tháng 03/2022

Vị thế của ngôn ngữ kí hiệu và tiếng Việt đối với người Điếc

Lê Thị Tố Uyên

 

1. Vị thế của ngôn ngữ kí hiệu

Ngôn ngữ kí hiệu là bản ngữ (ngôn ngữ gốc/ đầu tiên) của cộng đồng người Điếc. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 80 triệu người Điếc sử dụng các ngôn ngữ kí hiệu khác nhau, và có 41 nước đã công nhận ngôn ngữ kí hiệu là ngôn ngữ chính thức bên cạnh ngôn ngữ quốc gia (xem Bảng 2). Chính sách ngôn ngữ của quốc gia, cùng với nhiều yếu tố khác như dân số sử dụng, bản sắc văn hóa cộng đồng, ảnh hưởng của nhóm tinh hoa sử dụng ngôn ngữ đó,… là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của một ngôn ngữ. Vị thế của ngôn ngữ kí hiệu cũng không nằm ngoài quy luật về các yếu tố ảnh hưởng như vừa nêu.

Bảng 2: Danh sách quốc gia công nhận ngôn ngữ kí hiệu là ngôn ngữ chính thức

(Nguồn: Victor K., 5/2019)

STT

Quốc gia

STT

Quốc gia

STT

Quốc gia

  1.  

Áo

15)

Ai Len

29)

Liên bang Nga

  1.  

Bỉ

16)

Nhật Bản

30)

Xécbia

  1.  

Bosnia và Herzegovina

17)

Kenya

31)

Slovakia

  1.  

Brazil

18)

Latvia

32)

Slovenia

  1.  

Chile

19)

Lithuania

33)

Nam phi

  1.  

Colombia

20)

Macedonia

34)

Hàn Quốc

  1.  

Cyprus

21)

Malta

35)

Tây Ban Nha

  1.  

Cộng hòa Séc

22)

Mexico

36)

Thụy Điển

  1.  

Đan Mạch

23)

New Zealand

37)

Thổ Nhĩ Kì

  1.  

Ecuador

24)

Na Uy

38)

Uganda

  1.  

Estonia

25)

Papua New Guinea

39)

Uruguay

  1.  

Phần Lan

26)

Ba Lan

40)

Venezuela

  1.  

Đức

27)

Bồ Đào Nha

41)

Zimbabwe

  1.  

Hungary

28)

Romania

 

 

Việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong giáo dục thực sự tạo cơ hội tiếp cận giáo dục thuận lợi cho học sinh Điếc. Xét theo quan điểm về quyền được giáo dục và quyền sử dụng tiếng ‘mẹ đẻ’ đối với các nhóm thiểu số về ngôn ngữ, việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu trong dạy học học sinh Điếc là thực tiễn rất tiến bộ. Tiếp cận này được hỗ trợ bởi quan điểm song ngữ trong giáo dục học sinh Điếc. Theo đó, học sinh Điếc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu như là ngôn ngữ thứ nhất (bản ngữ) đồng thời học ngôn ngữ quốc gia (nước ta dùng tiếng Việt) ở hình thức chữ viết (chứ không phải học nói tiếng Việt).

Các nhà ngôn ngữ học hàn lâm kiểm nghiệm và phân tích ngôn ngữ kí hiệu đã kết luận rằng đó là một thứ ngôn ngữ "thực sự”, có những đặc trưng về hình thái và cấu trúc, có cùng vị thế về ngôn ngữ học như bất cứ một thứ tiếng nào. Kí hiệu tự nhiên không chỉ phục vụ trẻ Điếc như một phương tiện giao tiếp mà còn có khả năng tạo điều kiện cho sự lĩnh hội tri thức và phát triển trí tuệ giống như ngôn ngữ nói phục vụ cho trẻ thính. Trẻ Điếc cần một "tiếng nói" thích hợp với những khả năng của chúng, được lĩnh hội nhờ những cảm giác không bị phá huỷ gồm thị giác và vận động. Trong môi trường ngôn ngữ kí hiệu tiếp nhận qua kênh thị giác, trẻ Điếc trở nên không còn là nô lệ của sự hạn chế về khả năng nghe [3], [4].

Các nhà ngôn ngữ học đã mô tả và phân tích các ngôn ngữ kí hiệu tự nhiên và chứng tỏ rằng ngôn ngữ kí hiệu là phương tiện giao tiếp phong phú và phức tạp như bất kì một ngôn ngữ nói nào. Ngôn ngữ kí hiệu tự nhiên là một sự mã hoá thông tin truyền tải, có những quy tắc riêng chi phối. Không giống với các ngôn ngữ nói, ngôn ngữ kí hiệu không được truyền tải bằng âm thanh mà được cấu thành từ các cử động tay, với sự tăng giảm mức độ ý nghĩa nhờ nét mặt và tư thế, điệu bộ cơ thể. Một nhà ngôn ngữ học người Mĩ là nhà ngôn ngữ học hiện đại đầu tiên phân tích ngôn ngữ kí hiệu, thông báo rằng giống như ngôn ngữ nói được cấu tạo từ đơn vị là các âm vị, ngôn ngữ kí hiệu được cấu tạo từ các phần tử mà ông gọi là các chỉ vị (chereme) [3].

Lynas (1994) tóm tắt những luận điểm chính của việc học song song hai ngôn ngữ như sau [5]:

1) Nên coi người Điếc như một nhóm thiểu số về ngôn ngữ và nền văn hoá  (chứ không phải là những người khuyết tật), có quyền được giáo dục, có việc làm,... bình đẳngvề quyền lợi với các thành viên khác của xã hội .

2) Các ngôn ngữ kí hiệu tự nhiên có cùng vị thế về ngôn ngữ học như các ngôn ngữ nói.

3) Trẻ Điếc có quyền lĩnh hội ngôn ngữ "bản xứ" của các em, ngôn ngữ kí hiệu, như một ngôn ngữ thứ nhất.

4) Được dành cho kinh nghiệm thích hợp, trẻ Điếc lĩnh hội ngôn ngữ kí hiệu ở cùng tốc độ và giống như cách trẻ thính lĩnh hội ngôn ngữ nói.

5) Cha mẹ là người thính có con điếc có thể giao tiếp với con mình một cách dễ dàng nếu họ học ngôn ngữ kí hiệu.

6) Người Điếc trưởng thành có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các bậc phụ huynh biết cách giao tiếp bằng ngôn ngữ kí hiệu và giáo dục trẻ Điếc.

7) Trẻ Điếc nên được giáo dục bằng phương tiện ngôn ngữ kí hiệu và chỉ nhờ vậy mới có thể theo được chương trình giáo dục của trường phổ thông.

8) Trẻ Điếc có khả năng biết chữ, đó là sự lĩnh hội ngôn ngữ nói dưới hình thức viết dựa trên cơ sở ngôn ngữ  kí hiệu tự nhiên.

9) Nếu áp đặt trẻ Điếc học ngôn ngữ nói thì đó là một sai lầm nghiêm trọng.

10) Tiềm năng về ngôn ngữ của trẻ Điếc chỉ có thể phát triển được khi cho phép chúng lĩnh hội ngôn ngữ kí hiệu như một ngôn ngữ thứ nhất.

 

2. Việc dạy ngôn ngữ kí hiệu và Tiếng Việt cho trẻ Điếc

Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khiếm thính (Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở VN tháng 12/2009) bao gồm người Điếc, người nghe kém và người mới bị mất thính lực. Việc học tiếng Việt – ngôn ngữ quốc gia là một nhu cầu tất yếu của người Điếc nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số người Việt Nam, là quốc ngữ và là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Tiếng Việt tồn tại ở mọi hoạt động sinh hoạt trong đời sống cũng như trong học tập. Ở cấp Tiểu học, mục tiêu căn bản của chương trình tiếng Việt là giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ ở các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe ở mức độ căn bản. Nhưng ở trẻ Điếc, việc học đọc và học nói là một thách thức rất lớn. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có Chương trình quốc gia và sách giáo khoa chung cho mọi đối tượng trẻ em trên cả nước [6].

Trên thế giới, đa số các nhà ngôn ngữ kí hiệu đề xuất việc cho phép trẻ Điếc học sử dụng ngôn ngữ này ngay từ những năm đầu như ngôn ngữ thứ nhất. Ngôn ngữ người thính cần được học dưới hình thức chữ viết và được xem như ngôn ngữ thứ hai. Lí do không theo quan điểm nghe – nói là vì người Điếc tiếp nhận ngôn ngữ qua con đường thị giác chứ không qua kênh thính giác. Quá trình học đọc có thể được thực hiện một cách hoàn toàn qua phương tiện thị giác chứ không qua kênh thính giác: sử dụng ngôn ngữ kí hiệu như một phương tiện giải thích ngôn ngữ viết [7].

Ở nước ta, việc xây dựng chương trình chuyên biệt cho trẻ khiếm thính được dựa trên chương trình giáo dục phổ thông. Năm 2007, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã xây dựng chương trình này theo quan điểm là phù hợp với trẻ khiếm thính, tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông (cấp tiểu học), hướng tới giáo dục hòa nhập và phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh. Đồng thời nêu rõ mục tiêu đầu tiên là hình thành, phát triển kĩ năng giao tiếp theo khả năng của từng trẻ khiếm thính, trong đó có trẻ điếc [8].

Bảng phân phối chương trình môn tiếng Việt và NNKH, phát triển giao tiếp cấp Tiểu học với số tiết như sau (xem Bảng 3):

Bảng 3: Phân phối chương trình môn tiếng Việt và ngôn ngữ kí hiệu

Stt

Môn học

Lớp 1A

Lớp 1B

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

1

Tiếng Việt

10

10

10

10

10

10

2

Kí hiệu ngôn ngữ

3

2

2

2

2

1

3

Phát triển giao tiếp

5

4

2

1

1

1

Theo phân phối như trên, môn tiếng Việt cho trẻ khiếm thính được biên soạn riêng dựa vào quy luật hình thành ngôn ngữ nói của trẻ khiếm thính, đảm bảo cho học sinh có các kĩ năng phát âm tiếng Việt cơ bản và ngôn ngữ nói. Môn kí hiệu ngôn ngữ được thiết kế nhằm cung cấp và làm rõ nghĩa các từ ngữ của trẻ giúp trẻ học tiếng Việt thuận lợi hơn. Môn phát triển giao tiếp có nhiệm vụ hình thành những kĩ năng giao tiếp song song với việc phát triển vốn từ ngữ, tạo điều kiện để trẻ có thể tiếp thu tốt nhất các kiến thức trong quá trình học tập và giao tiếp.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, trường khuyết tật chưa được tiếp cận với chương trình giáo dục chuyên biệt trẻ khiếm thính. Trẻ Điếc vẫn học tiếng Việt theo chương trình tiếng Việt của trẻ thính hoặc chương trình tiếng Việt giảm tải, chưa được học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Điều này dẫn đến hiệu quả học tập của trẻ Điếc chưa cao và việc giao tiếp giữa trẻ Điếc với người thính xung quanh bằng ngôn ngữ chữ viết bị hạn chế. Sự hạn chế về vốn từ và sự thiếu chính xác về cú pháp khiến cho độ dễ hiểu của người Điếc và người thính thấp, quá trình giao tiếp bị đứt đoạn. Vì vậy, sự hòa nhập cộng đồng của người Điếc còn nhiều rào cản, trình độ văn hóa của người Điếc chưa được nâng cao.

 

Tài liệu tham khảo

[1]  Richards, J.C., Platt, H. (1992). Longman Dictionary of L        anguage Teaching and Applied Linguistics (2rded.). Essex: Longman Group UK Limited.

[2]  Hoàng Trọng Phiến (1980), Ngữ pháp tiếng Việt - câu, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

[3] Stock W. (1960), Sign Language Structure, Silver Spring: Linstock Press.

[4] Colville M &Lawson L. (1980), Words in Hand: A structural Analysis of the Sign of British Sign Language, London: open University.

[5] Lynas W. (1994), Communication Options in the Education of the Deaf Children, Whurr Publishers Ltd, London.

[6] Trần Thị Hiền Lương (2020), Dạy học môn tiếng Việt cho trẻ khiếm thính cấp tiểu học, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 34.

[7] Woodward, J., Allen, T, & Schildroth, A. (1987), English of the deaf: background and communication preferences, Teaching English to Deaf and Second Language Students 5, 2, pp.4-13.

[8] Lê Văn Tạc (2010), Chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính ở cấp tiểu học, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 54.

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới