SỬ DỤNG 6 ÂM LING TRONG CAN THIỆP TRẺ KHIẾM THÍNH

17 tháng 07/2023

  1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, máy trợ thính và ốc tai điện tử đã trở thành phương tiện hỗ trợ hiệu quả cho trẻ khiếm thính còn khả năng nghe hiểu lời nói. Việc rèn luyện và phát huy khả năng nghe có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục nghe – nói cho trẻ khiếm thính, là cơ sở phát triển khả năng tri giác âm thanh bằng thính giác, là điều kiện tiên quyết của quá trình hình thành, phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ khiếm thính. Âm Ling được sử dụng hữu hiệu trong việc kiểm tra thiết bị trợ thính, đánh giá sức nghe, luyện nghe cho trẻ khiếm thính. Âm Ling là công trình nghiên cứu của Daniel  Ling (người Anh), ông có ảnh hưởng lớn đến giáo dục trẻ điếc ở thế kỉ XXI. Ông đã  xuất bản 02 cuốn sách Lý thuyết và thực hành Lời nói Trẻ khiếm thính (Speech and Hearing Impairment Child: Theory and Practice (1976, 2002) và Nền tảng cơ bản về ngôn ngữ nói cho trẻ khiếm thính (Foundation of Spoken Language for Hearing Impaired Children (1989) và được sử dụng trong các trường đại học, cho các chuyên gia, phụ huynh không chỉ ở nước Mỹ và nhiều nước trên toàn thế giới. Ông khuyến khích việc sử dụng sức nghe còn lại của trẻ khiếm thính (có thiết bị trợ thính phù hợp). Thay vì sử dụng âm thanh tiếng động như: trống, thanh la, còi là những dụng cụ thô sơ, ông đã phát triển 6 âm lời nói để đảm bảo rằng trẻ khiếm thính có thể nghe  được ở vị trí khác nhau trong dải lời nói. Những nhà thính học, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên, phụ huynh đều có thể sử dụng 6 âm Ling một cách dễ dàng.

  1. Giới thiệu về 6 âm Ling

6 âm Ling bao gồm các âm : /m/, /a/, /i/, /u/, /sh/, /s/ trải dài trên dãy tần số của tất cả các âm lời nói tiếng Anh. Bao gồm 3 nguyên âm: /a/, /u/, /i/ và 3 phụ âm /m/, /s/, /sh/ bao phủ trên dãy tần số từ 250Hz đến 8000Hz.

Media/1_TH1058/Images/picture1.gif

Sơ đồ dải tần âm thanh lời nói 6 âm Ling

Tần số (Hz) của 6 âm Ling:

6 âm Ling

Formant 1

Formant 2

Formant 3

Formant 4

/u/

200 - 500

650 -1100

 

 

/a/

525 - 775

825 - 1275

 

 

/i/

150 - 450

 

2300- 2900

 

/sh/

 

 

1500 - 2000

4500 - 5500

/s/

 

 

 

5000 - 6000

/m/

250 – 350

1000 - 1500

2500 – 3500

 

  • Âm /m/: là âm ở tần số thấp (âm trầm), phụ âm mũi. Nếu nghe được âm /m/ trẻ có thể nghe được các âm khác ví dụ như: u, i, ng, n.
  • Âm /u/: có cả ở hai Formant 1 và 2 ở dãy tần số thấp. Nếu trẻ có thể nghe được âm /u/ thì trẻ có thể nghe được hầu hết các nguyên âm và phụ âm như d, b.
  • Âm /a/: nằm ở tần số trung tâm của dãy nguyên âm (âm trung). Nếu trẻ nghe được âm /a/ trẻ có thể nghe được tất cả các nguyên âm và các phụ âm kêu.
  • Âm /i/: có một Formant ở tần số thấp và một ở tần số cao. Nếu trẻ có thể nghe được âm /i/ trẻ có thể nghe được các âm ở tần số 3000Hz.
  • Âm /s/: là âm ở tần số cao (âm cao), 4000Hz. Nếu trẻ cố thể nghe được /s/ thì có thể nghe được hầu hết các nguyên âm và phụ âm.
  • Âm /sh/: là âm có 2 Formant ở tần số cao. Nếu nghe được âm /sh/ trẻ có thể nhận diện được các nguyên âm, phát hiện được các phụ âm tắc, xát, các âm kêu trừ các âm: v/f/th.

6 âm Ling được chọn để đại diện cho các tần số quan trọng nằm trong dải tần âm thanh lời nói. Nếu 6 âm Ling không nghe được thì các âm khác trong dải tần từ 250 – 8000Hz cũng không nghe được. Ví dụ: nếu trẻ không nghe được âm /s/ thì sẽ không phát hiện được âm /f/ hoặc những âm xát khác ở tần số cao. Nếu không nghe được âm /sh/ thì không nghe được tần số ở Fomant thứ hai của nguyên âm /i/. Do đó việc sử dụng 6 âm Ling sẽ giúp chúng ta xác định được khả năng nghe dải tần âm thanh lời nói của trẻ khiếm thính.

  1. Sử dụng 6 âm Ling trong can thiệp trẻ khiếm thính

3.1. Sử dụng 6 âm Ling để hiệu chỉnh và kiểm tra thiết bị trợ thính

Trong phòng đo thính lực, sau khi thực hiện phép đo đơn âm, đo trường tự do, các nhà thính học thường sử dụng 6 âm Ling để kiểm tra sức nghe của trẻ khiếm thính. Mục đích nhằm xác định khả năng nghe của trẻ, đánh giá khả năng phản ứng của trẻ với thiết bị trợ thính khi vừa tiến hành hiệu chỉnh xem có phù hợp không. Thông thường trong phòng đo, nhà thính học sẽ phát âm các âm Ling ở các khoảng cách, âm lượng, môi trường, ngữ điệu khác nhau tùy thuộc vào khả năng nghe của trẻ. Ví dụ: với trẻ mới mang thiết bị trợ thính, nhà thính học phát âm 6 âm Ling ở khoảng cách gần, âm lượng vừa để kiểm tra khả năng phản ứng của trẻ với 6 âm Ling. Từ đó nhà thính học có thể biết trẻ có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy âm nào để kiểm chứng lại tính hiệu quả của thiết bị trợ thính, xác định xem việc hiệu chỉnh thiết bị trợ thính có phù hợp với trẻ không.

Các nhà thính học, giáo viên, nhà trị liệu ngôn ngữ, phụ huynh có thể sử dụng để kiểm tra thiết bị trợ thính, sức nghe hàng ngày của trẻ. Qua đó có thể xác định xem trẻ có khả năng nghe âm thanh lời nói không, tình trạng hoạt động của thiết bị trợ thính. Cha mẹ, người thân khi đeo thiết bị trợ thính cho trẻ có thể kiểm tra khả năng nghe của trẻ bằng cách phát âm 6 âm Ling để trẻ nghe và phản ứng lại. Cha mẹ theo dõi cách phản ứng của trẻ bình thường hay bất thường, nếu có vấn đề nên kiểm tra lại thiết bị trợ thính, tình trạng pin của máy hoặc thông báo với nhà thính học về tình trạng của thiết bị trợ thính hoặc sức nghe của trẻ.

3.2. Sử dụng âm Ling trong đánh giá khả năng nghe của trẻ khiếm thính

Sử dụng 6 âm Ling trong kiểm tra khả năng nghe nói của trẻ khiếm thính là bước thử nhanh để đưa ra những nhận định ban đầu về khả năng nghe của trẻ. Từ những đánh giá ban đầu đó sẽ đưa ra các mục tiêu phát triển các kỹ năng thính giác và lời nói phù hợp. Dựa vào việc kiểm tra 6 âm Ling có thể xác định khả năng nghe của trẻ ở từng dải tần khác nhau.  Bởi vì có thể có những âm Ling trẻ đáp ứng, có những âm trẻ không đáp ứng. 6 âm đại diện cho 3 dải tần khác nhau, nếu trẻ không phát hiện ra được một số hoặc tất cả các âm Ling thì có thể xác định được mức độ nghe tạm thời của trẻ. Chẳng hạn trẻ không phát hiện được âm /m/ thì  có thể đưa ra suy đoán trẻ mất thính lực tần số 250 - 500Hz nặng hơn các tần số khác. Mặc dù sử dụng 6 Ling không phải là một cách đánh giá chẩn đoán nhưng nó là một công cụ hữu ích để đưa ra những nhận định ban đầu về khả năng nghe của trẻ.

Cách kiểm tra, đánh giá khả năng nghe của trẻ khiếm thính được thực hiện như sau:

Cho trẻ trong độ tuổi đến trường

Cho trẻ nhỏ

1. Khoảng cách của người nghe đến trẻ từ gần tới xa, với âm lượng to nhỏ khác nhau trong các môi trường yên tĩnh, ồn ào. Khi đó trẻ nghe nhắc lại, người đánh giá viết lại âm Ling mà trẻ nghe thấy.

1. Với trẻ nhỏ sẽ cần dạy cách phát hiện thông qua một cách phản ứng. Ví dụ: ném bóng vào rổ khi nghe thấy âm thanh.

2. Nếu đây là lần đầu tiên thực hiện, hãy giải thích nhiệm vụ.

2 Sử dụng chủ đề thật sự để miêu tả về mỗi âm Ling như giới thiệu, sử dụng tranh trên các thẻ(ví dụ: con rắn, máy bay, tàu hỏa)

3. Sử dụng giọng nói với cường độ bình thường, phát âm các âm Ling, để trẻ nghe và thực hiện một mình, không có sự gợi ý, kiểm tra một cách tự nhiên.

3. Kiểm tra trẻ khi không chơi đồ chơi, giữ im lặng, sau đó phát âm Ling để trẻ nghe mà không cần gợi ý. Kiểm tra trẻ một cách tự nhiên.

4. Thỉnh thoảng không nói gì trong khi kiểm tra, để kiểm tra việc phản ứng của trẻ có đúng không. Phát ra những âm Ling trong trường hợp ngẫu nhiên.

 

3.3. Sử dụng 6 âm Ling trong quá trình luyện nghe cho trẻ khiếm thính          

          Đối với trẻ thính dù có hỗ trợ của các thiết bị trợ thính nếu không luyện tập để trẻ có kỹ năng nghe thì chất lượng nghe hiểu và giao tiếp của trẻ khiếm thính còn nhiều hạn chế. Những thiết bị trợ thính chỉ có tác dụng khuếch đại âm thanh, không có khả năng “chữa được tật điếc”. Do đó, giáo viên, cha mẹ, nhà trị liệu ngôn ngữ cần phải xây dựng mục tiêu luyện nghe cho trẻ một cách cụ thể, khoa học phù hợp khả năng nghe của trẻ theo từng giai đoạn của quá trình nghe. Mục tiêu sử dụng âm Ling trong quá trình luyện nghe cho trẻ khiếm thính là một mục tiêu quan trọng. Erber (1982) đã mô tả các giai đoạn của kỹ năng nghe gồm: phát hiện, phân biệt, nhận biết và hiểu. Ở mỗi giai đoạn nghe, âm Ling được sử dụng để tiến hành luyện nghe cho trẻ khiếm thính. Cụ thể âm Ling được sử dụng trong các giai đoạn phát triển kỹ năng nghe như sau:

Media/1_TH1058/Images/5a9d6709-6/picture2.jpg

- Giai đoạn phát hiện âm thanh là kỹ năng thính giác cơ bản nhất. Phát hiện là việc nhận ra “có hay không có âm thanh”, là mức độ cơ bản nhất trong nhận thức âm thanh. Việc phản ứng với âm thanh cũng có nhiều cách thức khác nhau. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể phản ứng với 6 âm Ling bằng cách quay đầu về phía âm thanh. Với trẻ lớn hơn có thể phản ứng bằng cách sử dụng trò chơi, trẻ nghe thấy thì thả đồ chơi xuống, giơ tay lên khi nghe thấy 6 âm Ling.

- Giai đoạn nghe phân biệt âm thanh là việc xác định hai âm thanh đó là giống nhau hay khác nhau. Người nghe cảm nhận được sự khác biệt của các âm thanh. Để phân biệt được âm thanh thì trẻ phải phát hiện được âm thanh. Ví dụ: sử dụng hai âm Ling cho trẻ xác định xem hai âm đó giống nhau hay khác nhau. Ban đầu thì cho phân biệt âm thanh khác nhau nhiều nhất như /a/ với /s/, sau đó đến các âm gần giống nhau /s/ với /sh

- Giai đoạn nhận diện âm thanh là việc phải xác định, dán nhãn, đặt tên cho âm thanh nghe được. Để nhận diện được đòi hỏi người nghe phải phát hiện, phân biệt được tác nhân kích thích. Nhận diện 6 âm Ling là khi trẻ nghe thấy âm Ling, trẻ có thể chỉ vào đồ chơi, thẻ tranh đại diện cho âm Ling.  Ví dụ để nhận ra 6 âm Ling sử dụng thẻ tranh như sau:

- Giai đoạn nghe hiểu âm thanh là kỹ năng phức tạp nhất vì nó đòi hỏi người nghe phải phát hiện, phân biệt và nhận diện được ý nghĩa của âm thanh. Hiểu là cấp độ cao nhất trong bốn giai đoạn nghe, là cầu nối giữa nhận thức thính giác với nhận thức và ngôn ngữ.

Sử dụng các âm Ling là một cách hữu ích cho việc giải quyết các kỹ năng nghe phát hiện, phân biệt, nhận diện nhưng nó không phải là một cách kiểm tra khả năng nghe hiểu.

Dựa vào các giai đoạn của quá trình nghe, giáo viên, nhà trị liệu ngôn ngữ có thể xác định được mục tiêu nghe nói cho trẻ khiếm thính. Từ đó đưa ra các hoạt động phù hợp với từng giai đoạn nghe của trẻ. Ví dụ: Trẻ mới đeo thiết bị trợ thính, khi kiểm tra 6 Ling thấy trẻ có khả năng phát hiện được âm thanh lời nói, giáo viên xây dựng các mục tiêu nghe phát hiện cho trẻ thông qua hoạt động và nếu nghe thấy trẻ quay đầu lại (đối với trẻ nhỏ) hay yêu cầu trẻ nghe thấy sẽ thả đồ chơi vào hộp (đối với trẻ lớn).

Sử dụng 6 âm Ling trong luyện nghe cho trẻ khiếm thính còn giúp tăng cường khoảng cách nghe giữa người nói và trẻ. Ban đầu là khoảng cách lời nói ở gần sau đó là ở xa. Sử dụng 6 âm Ling sẽ giúp tăng “khả năng nghe xa” cũng như các tín hiệu âm thanh to, nhỏ khác nhau trong môi trường từ yên tĩnh tới ồn ào.

Ngoài ra, âm Ling còn được sử dụng như một bài tập để phát triển các âm thanh lời nói cho trẻ khiếm thính: giúp giáo viên, phụ huynh đưa ra mục tiêu phát triển ngôn ngữ nói. Ví dụ: nếu trẻ nghe được âm /m/ thì có thể đưa ra mục tiêu phát triển các phụ âm ở tần số trung như: b/m/đ; Nếu trẻ có khả năng nghe âm /sh/ thì có thể phát triển phụ âm ch, p,h. Còn nếu trẻ không nghe thấy một trong các âm Ling thì trẻ gặp khó khăn trong việc nghe nói các âm trong dải lời nói

  1. Kết luận

Như vậy sử dụng 6 âm ling rất dễ thực hiện, hữu ích và mang nhiều ứng dụng trong hoạt động đánh giá và dạy nói cho trẻ khiếm thính. Các âm Ling có thể giúp chúng ta xác định dễ dàng khả năng thính giác của trẻ, từ đó có thể xây dựng các mục tiêu phát triển kỹ năng nghe và phát triển lời nói phù hợp với khả năng của từng trẻ khiếm thính, xác định các vấn đề liên quan đến thính giác và thiết bị trợ thính.

 

Tài liệu tham khảo

1. Daniel Ling, Ph.D. and Sandy North, M.A (2009), Ling and North Associates

2. Daniel Ling, Ph.D. and Sandy North, M.A (1989), Foundation of Spoken Language for Hearing Impaired Children

3. Daniel Ling (2002), Speech and Hearing Impairment Child: Theory and Practice

4. Trần Thị Thiệp, Luyện nghe, Tài liệu dịch

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hằng

 

Đối tác liên kết giáo dục với các trường quốc tế trên thế giới